Khi thuế, phí giảm nhưng giá xăng vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
>>Nghị quyết về hoạt động chất vấn: Cân đối cung cầu xăng dầu, rà soát Luật Đấu giá tài sản
LTS: Giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm trong lần gần đây nhất 21/3. Tuy nhiên, dư luận và doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng vì việc điều chỉnh giá “nhỏ giọt” này.
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với DĐDN về giải pháp điều hành xăng dầu thời gian tới.
- Thưa Bộ trưởng, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian tới phải làm sao để có thể hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân?
Trong những ngày qua, tình hình xung đột căng thẳng trên thế giới làm thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn, giá tăng 40 – 60%. Trong khi đó, nguồn cung nội địa gặp khó khăn vì Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nơi cung cấp 35 – 40% sản lượng trong nước mỗi tháng, đã cắt giảm đột ngột có lúc chỉ 55% công suất.
Trước tình hình đó, từ đầu tháng 1/2022, Bộ đã tham mưu các giải pháp cho Chính phủ, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu đủ sản lượng còn thiếu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Đến giữa tháng 2, với lượng nhập khẩu tăng gấp đôi lên 1 triệu khối, nguồn cung xăng dầu đã đảm bảo đủ cho tháng 3.
Về giá cả, Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Tài chính điều hành đúng quy định pháp luật, điều hành linh hoạt quỹ bình ổn dù ngân quỹ không lớn. Gần đây, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, để góp phần kiềm chế giá cả.
Nếu chính sách này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì hy vọng giá sẽ tiếp tục giảm.
Công cụ là Quỹ bình ổn, nếu quỹ này không còn thì sử dụng thuế, phí. Khi thuế, phí giảm mà giá vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
- Để xăng dầu không “tăng sốc” như giá thế giới, Bộ Công Thương đã thực hiện những giải pháp gì, thưa Bô trưởng?
Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Với mức dự kiến giảm là 50% so với quy định hiện hành, giá xăng dầu được kỳ vọng giảm thêm để bớt đi gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hậu COVID-19.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và thế giới trong từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm thực hiện hài hòa các mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô và duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Từ đầu năm đến nay, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 – 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới
>>Thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu
Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapor) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.
- Vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước cũng góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu, thưa Bộ trưởng?
Trước hết, vẫn cần phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Với nhà máy Bình Sơn, cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng công suất thiết kế để đảm bảo bình ổn nguồn cung nội địa. Về nhà máy Nghi Sơn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các cơ quan liên quan, tham mưu cho các cấp thẩm quyền để giải quyết những vướng mắc của Nghi Sơn, đảm bảo nhà máy đáp ứng mục tiêu ban đầu là cung cấp 35 – 40% nguồn cung trong nước.
- Để bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường xăng dầu thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ Công Thương sẽ tham mưu với Chính phủ để tăng quỹ bình ổn xăng dầu. Hiện nay quỹ đang áp dụng cơ chế trích lập, nhưng trong tương lai có thể nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng quy mô quỹ, xem xét việc tạo nguồn quỹ từ ngân sách hay trích lập, để từ đó có nguồn quỹ bình ổn với đúng nghĩa, vẫn phải nghiêm túc xem xét lại để việc thiết lập quỹ sao cho hiệu quả nhất.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu để nâng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia, bởi mức dự trữ hiện không lớn, chỉ khoảng 5 - 7 ngày. Như vậy, cần tăng thêm ít nhất hàng chục lần so với hiện nay. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu để nâng mức dự trữ lên ít nhất 1, 2 tháng. Thay vì dự trữ tiền thì dự trữ hàng.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong quý II. Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và người tiêu dùng.
Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Giảm giá “nhỏ giọt”
Từ việc giảm giá dầu thế giới, Liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu, từ 15 giờ ngày 21/3.
Cụ thể: giá xăng E5RON92 giảm 650 đồng/lít, từ mức 28.980 đồng/lít xuống còn 28.330 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 630 đồng/lít, từ mức 29.820 đồng/lít xuống còn 29.190 đồng/lít. Mức giá như trên có được là do diễn biến giá dầu thế giới trong 10 ngày qua giảm, có thời điểm xuống dưới mức 100 USD/thùng.
Như vậy, sau 6 lần tăng liên tục từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, giá xăng dầu ghi nhận mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014, thì lần đầu tiên trong năm nay, giá có một phiên "hạ nhiệt". Tuy nhiên, mức giảm này vẫn rất “nhỏ giọt” không tác động nhiều đến chi phí.
Doanh nghiệp vận tải thời điểm này đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn giản vì khi ký các hợp đồng vận tải với các doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi phải ký hợp đồng theo tháng. thì coi như các chuyến hàng đã ký hợp đồng trong tháng này của chúng tôi là chạy không có lãi, ngoài ra còn phải chịu thêm các khoản chi phí khác.
Nguyễn Thị Lan
Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Tường Minh, Hải Phòng
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết về hoạt động chất vấn: Cân đối cung cầu xăng dầu, rà soát Luật Đấu giá tài sản
14:14, 24/03/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới
20:28, 23/03/2022
Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế môi trường với xăng dầu vào ngày 23/3
14:30, 21/03/2022
Không để bị động trong điều tiết thị trường xăng dầu
04:00, 19/03/2022
Đích đến của bình ổn giá xăng dầu
20:12, 17/03/2022