Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam tại buổi gặp mặt đầu năm và triển khai các nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, các thành viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam (Hội đồng), trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một năm đầy ấn tượng với hơn 9.300 giờ tham gia các hoạt động khởi nghiệp. Trong đó, chương trình cốt lõi như các khóa đào tạo giảng viên nguồn dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Kỹ năng Cố vấn dự án khởi nghiệp; giao lưu giữa doanh nhân và sinh viên; cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên, cố vấn các nhóm dự án khởi nghiệp…luôn được chú trọng. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên có thêm cơ hội trải nghiệm thực tế mà còn mở ra những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Năm 2024 Hội đồng cũng đã biên soạn và xuất bản 2 cuốn sách về khởi nghiệp là “Nhà Cố vấn Khởi nghiệp”, “Nhà Cố vấn phát triển bản thân”. Các thành viên của Hội đồng cũng đã xuất bản sách “Vượt lên nghịch cảnh”, “Con đường Khởi nghiệp”; “Chiến lược làm chủ doanh nghiệp”... Câu lạc bộ Mentoring của Hội đồng đã hoạt động được 6 năm và nhân rộng mô hình cho Trường ĐH Công Thương TP HCM và Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường Cao đẳng Công thương miền Trung…
Trước những yêu cầu mới của xã hội, Hội đồng đưa ra nhiệm vụ trọng tâm 2025 là tiếp tục hỗ trợ các trường đại học xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp. Nhiệm vụ trước tiên là đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn dạy chuyên sâu về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là những khóa học mang tính chất khác biệt, với chương trình và phương pháp đào tạo được chọn lọc từ các nước tiên tiến trên thế giới cùng với những chuyên gia và những doanh nhân đã có nhiều kinh nghiệm thực tế…
Các trường đại học tổ chức các khóa đào tạo này, không chỉ nâng cao được chất lượng giảng dạy mà còn dẫn dắt, truyền cảm hứng, truyền động lực khởi nghiệp cho sinh viên, giúp sinh viên hình thành và phát triển ý tưởng khởi nghiệp ngay từ trong giảng đường.
Phát biểu tại buổi gặp mặt và triển khai các hoạt động của năm 2025, ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch Hội đồng đặc biệt nhấn mạnh đến những thay đổi lớn từ quốc tế đến trong nước trong thời gian qua. Ông cho biết, không chỉ ở quốc tế mà ngay cả ở trong nước cũng đã có rất nhiều sự thay đổi, đòi hỏi mỗi chúng ta cũng phải có sự thay đổi để nắm bắt kịp thời, từ đó có những chiến lược phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp mình, của tổ chức mình.
Ông cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, nếu như chúng ta vẫn giữ cách làm cũ, cách thức đào tạo cũ, thì liệu rằng tổ chức của chúng ta có tồn tại được lâu? Đối với các doanh nghiệp cũng vậy, nếu không thay đổi, không có tư duy đổi mới, không áp dụng khoa học công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain…vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại và phát triển bền vững được.
“Hiện nay, thế giới đang có nhiều biến động mạnh mẽ, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước cũng đang rất lo lắng. Do đó, chúng ta cần học tập nhiều hơn, phải đổi mới nhiều hơn, nếu như chúng ta muốn tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam may mắn là đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ Bộ Chính trị cho đến Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương, nên mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi để tiếp cận những cái mới hơn phục vụ cho mục tiêu phát triển của mình”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.
Cũng theo ông Huỳnh Thanh Vạn, Hội đồng Khởi nghiệp quốc gia phía Nam hiện nay đang là một tập hợp của trí tuệ. Bởi Hội đồng hiện có 03 thành viên là các Phó Giáo sư, 12 thành viên là Tiến sĩ, cùng với hơn 50 thành viên là Thạc sĩ, doanh nhân, còn lại là các chủ doanh nghiệp. Các thành viên tham gia vào Hội đồng trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện để đóng góp cho các hoạt động khởi nghiệp của quốc gia, bằng những tình cảm và trí tuệ của mình. Ông cũng cho rằng, giá trị mà Hội đồng mang lại cho các doanh nghiệp cũng như cho các trường đại học là rất lớn.
“Tôi tin rằng, với một tập thể đầy trí tuệ, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Hội đồng trong năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi, nhiều đổi mới nhằm tạo nên những giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Chủ tịch Hội đồng Huỳnh Thanh vạn chia sẻ thêm.
Đồng tình với quan điểm thay đổi để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn của Chủ tịch Hội đồng Huỳnh Thanh Vạn, Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh đến sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thông qua Nghị quyết 09 và Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Theo Nhà báo Phạm Hùng, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã khẳng định đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng phát triển kinh tế hàng đầu của đất nước. Sau một thời gian triển khai, nhận thấy cần thiết phải có sự thay đổi, năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41 thay thế cho Nghị quyết 09. Nghị quyết 41 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của Việt Nam trên mặt trận phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ mới.
Cũng theo nhà báo Phạm Hùng, năm 2025 đánh dấu năm thứ 23 Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do VCCI khởi xướng và tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp là cơ quan thường trực tổ chức, và năm nay cũng là năm thứ 11, Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam được thành lập. Ông cũng bày tỏ sự cảm kích trước những “hy sinh” của các anh chị thành viên đã tham gia từ những ngày đầu, khi Hội đồng còn nhiều khó khăn, cả về kinh tế, trí tuệ cũng như thời gian để đóng góp cho các hoạt động khởi nghiệp của đất nước.
“Tổng bí thư Tô Lâm đã nói “chúng ta phải đổi mới, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Cả hệ thống Chính trị cùng với Chính phủ và các bộ ban ngành đã bắt tay vào thực hiện mạnh mẽ. Do đó, Hội đồng cũng không thể đứng ngoài cuộc, bởi Hội đồng là tổ chức đào tạo, tư vấn cho cộng đồng khởi nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp để phụ vụ cho mặt trận kinh tế của đất nước trong thời kỳ mới”, nhà báo Phạm Hùng chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng tin tưởng rằng, với một đội ngũ trí tuệ, cùng với sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, doanh nhân, từ các thầy cô là giảng viên của các trường đại học, những người đào tạo, ươm mầm cho đội ngũ khởi nghiệp, trong năm 2025, Hội đồng sẽ có nhiều đổi mới trong các hoạt động đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, nhằm mang lại những hiệu quả cao nhất, góp phần vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam lớn mạnh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Cũng trong buỗi gặp mặt đầu năm và triển khai các nhiệm vụ của năm 2025, Hội đồng Tư vấn - Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với các trường Đại học khu vực phía Nam cho các hoạt động khởi nghiệp của năm 2025.
Đồng thời, ký kết hợp tác, tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp với đại diện các doanh nghiệp, nhà tài trợ gồm: Công ty CP S Furniture, Công ty Cổ phần Sbooks, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL), Công ty CP PLA18, Công ty CP GOPA, Công ty TNHH Mỹ Anh, Công ty Cổ phần Cẩm Sa, Công ty Ngân Thịnh Pháp, Công ty Cổ phần Công nghệ GRAC, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp và thực phẩm Bình An.