Chính doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nhận thức nhu cầu và mong muốn phát triển bền vững nhằm nhìn nhận kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững.
>>Năng lực cạnh tranh toàn cầu bắt đầu từ tư duy lãnh đạo
Báo cáo phát triển bền vững Việt Nam, được lập theo bộ chỉ số CSI100 do VCCI xây dựng theo chuẩn ESG và chuẩn mực quốc tế, là một thước đo rất quan trọng, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các giải pháp về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đó là chia sẻ của bà Hà Thu Thanh, Trưởng Ban Kiểm tra VCCI, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam ( VBCSD) với DOANH NHÂN.
- Từ góc độ Phát triển bền vững gắn với việc kiến tạo 3 kênh nguồn lực cho doanh nghiệp là: nguồn lực kinh tế - Vốn tài chính, nguồn lực xã hội – vốn xã hội và nguồn vốn tự nhiên, có thể thấy doanh nghiệp Việt dường như đang mất cân bằng giữa 3 trụ cột này. VCCI đã kết nối và triển khai rất nhiều chương trình liên quan đến phát triển bền vững trong đó có việc triển khai bộ chỉ số CSI100 nhằm trợ giúp các hiệp hội ngành nghề & các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển bền vững đã cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp được nâng cao hơn /tốt hơn so với mặt bằng chung, thưa bà?
Có thể nói nhận thức “phát triển bền vững là gắn với tỷ lệ/tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm, là mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh” đang là tư duy khá phổ biến với nhiều nhà lãnh đạo và các doanh nhân. Báo cáo phát triển bền vững Việt Nam, được lập theo bộ chỉ số CSI100 do VCCI xây dựng theo chuẩn ESG và chuẩn mực quốc tế, là một thước đo rất quan trọng, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các giải pháp về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bộ chỉ số CSI cũng đã góp phần gia tăng hiệu quả và ứng dụng trong việc đo lường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều ngành nghề. Sau bảy năm triển khai, các doanh nghiệp tham gia chương trình và ứng dụng bộ chỉ số CSI100 có năng suất lao động và hiệu suất sử dụng lao động trung bình cao hơn đáng kể. Thu nhập trung bình của người lao động cũng cao hơn, đóng góp cho xã hội lớn hơn so với các doanh nghiệp chưa quan tâm đến bộ chỉ số. Các doanh nghiệp ứng dụng bộ chỉ số CSI cũng cho thấy năng lực cạnh tranh tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng sẽ cần nhiều nỗ lực để nhân rộng và lan tỏa bộ chỉ số này hơn nữa. Trước hết, chính doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nhận thức nhu cầu và mong muốn phát triển bền vững nhằm nhìn nhận kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững là định hướng chiến lược và xu hướng tất yếu. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới tham khảo và áp dụng được các chương trình phát triển bền vững mà bộ chỉ số CSI là một công cụ quản trị khoa học, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, bắt kịp xu hướng thế giới.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đã thành lập và phát triển mạng lưới Doanh nghiệp kinh doanh liêm chính với sự trợ giúp Đại sứ quán Anh quốc. Kinh doanh Liêm chính đi từ việc tuân thủ hiệu quả các quy định của luật pháp một cách có chiến lược gắn với đạo đức kinh doanh của doanh nhân. Đây là một chương trình định hướng có sự tham gia của 15 hiệp hội ngành nghề lớn của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực: dệt may, da giày, túi xách, thủy sản...
- Tuy nhiên, đối với Việt Nam, hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy, doanh nghiệp càng cần phải thực hiện tốt quản trị, có nền tảng quản trị tốt, thưa bà? Ý nghĩa của tư duy quản trị với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Quản trị công ty có 3 cấp độ chính: một là tuân thủ, hai là hiệu quả, ba là phát triển cao theo thông lệ quốc tế. Hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn đang thực thi cả 3 cấp độ này. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiệm vụ đầu tiên và trước hết cần làm là thực hiện quản trị tuân thủ. Công tác này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn và giúp kiểm soát rủi ro trong trung hạn và dài hạn.
Ngoài ra, dù là loại hình doanh nghiệp nào, quy mô ra sao, việc tiết kiệm nguồn tài nguyên xã hội (điện, nước, sử dụng đất đai, giảm rác thải) đều có thể thực thi được - đó là chữ E (Môi trường). Việc xây dựng văn hóa nơi làm việc với sự tin cậy và tôn trọng người lao động, tuân thủ là quản trị tạo giá trị xã hội và gia tăng nguồn vốn xã hội là doanh nghiệp có thể thực thi tốt. Vậy nên, ESG hiện nay được coi là công cụ để đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, là một thành tố quan trọng gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, là sợi dây kết nối những lợi thế, năng lực về sản phẩm/thị trường, văn hóa doanh nghiệp. Đây cũng là nguồn lực tài chính, tạo thành bộ khung hình tam giác vững chắc chống chịu cả tác động nội tại và bên ngoài.
- Vậy doanh nghiệp cần làm gì để có nền quản trị tốt từ đó vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, xây dựng nền móng và tạo đà để doanh nghiệp bứt phá, phát triển, thưa bà?
Quản trị công ty được thực hiện trên các nguyên tắc nền tảng là minh bạch, liêm chính, bình đẳng, hài hòa và trách nhiệm. Từ đây, các trụ đỡ cơ bản của quản trị công ty mới được xây dựng. Một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản là hệ thống, tổ chức và nhân lực. Giống như ngôi nhà cần được thiết kế trước khi dựng thành hình, doanh nghiệp cũng cần được gây dựng từ một hệ thống tốt với những điều lệ, quy chế quản trị ban đầu, từ đó phát triển cơ cấu HĐQT và tìm kiếm những thành viên phù hợp với các vị trí còn khuyết.
Một lực đỡ cũng như lực đẩy khác không thể bỏ qua là văn hóa doanh nghiệp. Như tôi đã nói ở trên, văn hóa doanh nghiệp là một phần của năng lực cạnh tranh, là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển và là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng. Giá trị cốt lõi này dù có thể không tạo ra lợi nhuận ngay lập tức, nhưng đây chính là nền tảng thiết yếu để doanh nghiệp gia tăng khả năng chống chịu, tạo nên những lợi thế cạnh tranh không thể thay thế trên thương trường.
- Bà đánh giá thế nào về yêu cầu thay đổi tư duy quản trị của doanh nghiệp trong chuyển đổi số và những hàm ý cho doanh nghiệp?
Thay đổi tư duy bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất được coi là điều kiện tối quan trọng, là điều cần thiết trong một thế giới biến đổi đặc biệt nhanh như hiện nay, thế giới của chuyển đổi số. Những thế hệ lãnh đạo trước đây thuộc thế hệ babyboomer chú trọng đến khả năng của con người, của từng cá nhân. Tuy nhiên, hiện tại, nguồn lực con người có thể dần bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo AI hay sự phát triển của app công nghệ như ChatGPT. Nguồn lực con người gắn với trí tuệ số cũng sẽ là một xu thế và một công cụ để các doanh nghiệp có thể đầu tư, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Sự hỗ trợ của công nghệ trong bối cảnh hiện này là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên chúng ta cũng nhìn thấy những thác thức từ xu thế này. Do vậy chúng ta cần quản trị rủi ro, bắt đầu tư việc thay đổi tư duy quản trị của chính các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, để ứng dụng một cách hài hòa nhưng không đại trà, để giảm thiểu những tác hại có thể gây ra.
- Bà cho rằng, bên cạnh việc bản thân doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, quản trị điều hành, cũng cần có văn hóa kinh doanh, cũng như tham gia tích cực hơn vào việc góp ý hoàn thiện thể chế, tiên phong đổi mới sáng tạo, kinh doanh xanh và chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng được VCCI nói đến tại Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII. Việc triển khai nên được các doanh nghiệp cụ thể ra sao, thưa bà?
Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra chiến lược, chính sách và hành đồng đối phó với cuộc khủng hoảng này từ việc định hình vai trò, trách nhiệm giám sát ESG trong HĐQT, đánh giá cấu trúc quản trị ESG, tích hợp các vấn đề ESG vào chiến lược công ty tới giám sát và thực hiện công bố thông tin tới các bên liên quan một cách minh bạch và đầy đủ.
- Xin cảm ơn Bà!
Có thể bạn quan tâm