Cần có biện pháp bảo vệ những người dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
>>Điện thiếu và chính sách cho năng lượng tái tạo
Xét tội nên nghĩ đến công lao và bối cảnh
Gần đây thường được nghe câu nói “Ở Việt Nam, đụng đến bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào cũng có vấn đề” để mô tả hệ thống quản lý và chính trị từ địa phương đến trung ương gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào, quyết định truy tố hay xử lý kỷ luật cần phải dựa trên cơ sở chân thực, công bằng, và tuân thủ các nguyên tắc pháp luật. Nếu như các cá nhân bị bắt, truy tố về tội tham nhũng, ăn hối lộ là hoàn toàn xứng đáng với tội danh, cần bị trừng trị theo pháp luật nhưng để kết tội “vi phạm chính sách” lại là vấn đề rất phức tạp, phụ thuộc vào quan điểm, hoàn cảnh thực tế, yêu cầu chính trị và tâm thế của những người thực hiện, khiến cho ranh giới giữa vi phạm và hợp lý trở nên mơ hồ. Bởi thế, đã có những lời kêu gọi cần có biện pháp bảo vệ những người dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Bản kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của Bộ Công Thương khá dài và việc phân tích các lỗi diễn tiến của Bộ Công Thương, của EVN, của các tỉnh trong những vi phạm liên quan đến Quy hoạch Điện 7, Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh và hậu quả là khá rõ ràng khi hiện nay Việt Nam đang ở trong tình thế của việc thừa điện mặt trời, không điều tiết nổi nguồn năng lượng tái tạo, để lãng phí.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại những diễn tiến tình hình chính trị - xã hội của những năm về trước thì cũng có thể phần nào nên thông cảm với những người trong cuộc. Chúng ta có một thời kỳ mà khi nói đến nhiệt điện than thì bị gắn ngay cái mác “ô nhiễm môi trường” rất lớn, trong khi cái thời kỳ đó chỉ cách thời kỳ của Fomosa không lâu lắm. Trong thực tế thì ở các nhà máy nhiệt điện than hiện đại, những thứ ô nhiễm môi trường đều đã được lọc kỹ. Dường như chúng ta có sự nhầm lẫn khi đồng hóa phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Sự nhầm lẫn này tồn tại trong xã hội, tồn tại trong các hội đồng khoa học và cả trong giới học giả.
Sự nhầm lẫn này mặc dù không được nói đến trong kết luận của Thanh tra Chính phủ hay các văn bản pháp luật nhưng nó tạo ra những tác động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và hình thành sức ép lớn lên các quyết định về chính sách năng lượng.
Phát thải khí nhà kính có thể có hoặc không gây ô nhiễm môi trường. Nó là phát thải cần được giảm thiểu do ảnh hưởng tới hiện tượng nóng lên của trái đất và nó thuộc về trách nhiệm toàn cầu mà các nước lớn, các nước phát triển phải chịu hơn chúng ta gấp nhiều lần. Nói cách khác, chúng ta có quyền phát thải khí nhà kính nhiều hơn so với các nước phát triển. Còn phát thải gây ô nhiễm môi trường thì khác. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người nên cần phải được kiểm soát. Bằng việc đánh đồng phát thải gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, các nước phát triển sẽ có điều kiện lớn hơn trong việc hô hào về những thứ ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng của chúng ta.
Nếu chiếu theo báo cáo thanh tra thì nó đã thể hiện rõ với những kết luận về thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp nhà nước, lãng phí xã hội. Nếu chiếu theo xu hướng xã hội, sức ép hệ thống các quyết định của chính trị gia thì nói thực là những sai phạm đó phần nào là những thứ mà bản thân những người thực thi tại thời điểm đó, không quyết định được.
Ở nước ta, thông thường mất 3-4 năm để quy hoạch và mất 4-5 năm để thực hiện triển khai một dự án điện. Trong khi đó, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hướng dẫn cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời có hiệu lực từ 22/5/2020 và hết hạn 31/12/2020 (thời hạn 6 tháng) thì dường như đã trở thành cái bẫy vô hình của chính sách giương sẵn cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý thực thi chính sách.
Khoảng 250 ngàn tỉ đồng đã được giải ngân trong thời gian kỷ lục 6 tháng để các dự án đóng FIT với quy mô hoà lưới hơn 16 GW công suất phát, chiếm đến hơn 22% tổng công suất phát tích luỹ của hơn 70 năm phát triển của ngành điện. Và tất yếu, hệ luỵ của sự phát triển nóng là những sai phạm ở mức độ nào đó mà những người trong cuộc cũng không đủ thời gian để nhận định và phân tích câu từ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách chồng chéo để áp dụng cho các hành động của mình.
Vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo
>>Bình Thuận: Đề xuất gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Năm 2016-2017, bóng dáng của cuộc khủng hoảng thiếu điện đã hiện hữu, thông điệp cứng rắn “xem xét trách nhiệm người đứng đầu” nếu để xảy ra thiếu điện đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại trong nhiều cuộc họp ngành. Phát triển điện mặt trời đã được truyền thông trong nước, các tổ chức nước ngoài và NGOs nhiệt tình cổ suý về lợi ích kép cũng như khả năng dễ dàng triển khai nhanh trong thời gian ngắn dường như là phương án hữu hiệu cho nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng tại cùng thời điểm.
Cũng trong thời điểm đó, tuyên truyền về sự ô nhiễm môi trường của nhiệt điện than cũng lên đến đỉnh điểm khiến cho các quyết định xây dựng các nhà máy nhiệt điện than bị lung lay nghiêm trọng. Nhiều quyết định liên quan đến nhiệt điện than bị thay đổi sang nhiệt điện khí mà sự thật cho đến nay việc phát triển nhiệt điện khí vô cùng khó khăn bởi nhà đầu tư thấy rõ việc thiếu khả năng sinh lời với chính sách giá điện của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài các khuyết điểm đã được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, cần khách quan và thực tế đánh giá trong bối cảnh dự báo sẽ xảy ra thiếu điện trầm trọng trong giai đoạn từ 2018 - 2025 và trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, số 13/2020/QĐ-TTg và 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam. Với cơ chế khuyến khích thông qua giá FIT, các quyết định trên đã giúp huy động được nguồn lực lớn từ xã hội đầu tư vào các dự án điện mặt trời và điện gió, kịp thời bổ sung một lượng công suất phát hơn 20 GW tính đến 31/10/2021, cung cấp cho hệ thống điện trên 30 tỷ kWh điện hàng năm, mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), với mức thiếu hụt điện năng trong thời gian tháng 5-6/2023, khoảng 500-600 triệu kWh, đã làm thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 1,4 tỷ USD. Với tính toán như vậy, nếu không có sản lượng điện hằng năm bổ sung từ nguồn năng lượng tái tạo hiện nay thì chắc chắn thiệt hại cho nền kinh tế do thiếu điện sẽ rất lớn.
Và thực sự năng lượng tái tạo đã là phương thức hữu hiệu cho những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu cao về điện theo dự tính nếu như COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới hậu COVID-19 không xảy ra. Và nếu như Quy hoạch phát triển điện mặt trời được xem xét thấu đáo và khoa học song hành với việc ưu tiên phát triển hạ tầng lưới, ưu tiên phát triển dự án quy mô nhỏ phân tán tránh tập trung cục bộ thì thành quả cách mạng của điện mặt trời là đáng khích lệ.
Mặc dù vậy, qua giai đoạn phát triển nóng của điện mặt trời, điện gió thời gian vừa qua, cũng cần rút ra các bài học cho giai đoạn phát triển ngành năng lượng sắp tới. Đó là cần phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để có thể chủ động trong việc phát triển hệ thống điện, đảm bảo an ninh cung ứng điện; cần phải xây dựng cơ chế cạnh tranh trong việc lựa chọn các nhà đầu tư phát triển để thực hiện các dự án trong quy hoạch, hạn chế tối đa cơ chế "xin cho"; nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tác động chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để có các điều chỉnh chính sách kịp thời hướng tới mục tiêu hài hoà lợi ích của các bên liên quan (nhà nước/người dân/doanh nghiệp), vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Bước tiến phát triển điện mặt trời, điện gió của Quy hoạch Điện 7 và Điện 7 điều chỉnh giống như một bản dự thảo đầu tiên của kỷ nguyên năng lượng tái tạo của Việt Nam, là bản dự thảo tiên phong để xem xét, góp ý bổ sung và chỉnh sửa hoàn thiện cho Quy hoạch điện tiếp sau.
Vốn dĩ từ trước đến nay, người xây dựng dự thảo vẫn thường còn những khiếm khuyết chưa hoàn thiện mà từ đó dễ bị hứng chịu nhiều thiệt thòi và sự chỉ trích từ nhiều phía.
Bản chất của năng lượng tái tạo là sự thiếu ổn định trong khi bản chất của việc lập quy hoạch là tạo ra sự phát triển ổn định. Sự phát triển mới, sự thay đổi mới, về nguyên lý quản trị tất yếu phải đối diện với bài toán “thử-sai-sửa”. Nếu chúng ta đánh giá và trừng phạt quá nặng nề cái sai về thực thi chính sách thì không ai dám thử. Cái sai hiển nhiên là gây thiệt hại nhưng cái mới nếu áp dụng được thì lại tạo ra những lợi ích to lớn. Cho dù đã có sai phạm như đã nêu ra tại kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng cũng cần phải ghi nhận công trạng, sự dám nghĩ, dám làm của những người xây dựng dự thảo trong thời điểm bối cảnh thực tế xã hội và xu hướng tất yếu của công nghệ năng lượng tái tạo trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Bình Phước: Vì sao Thanh tra Chính phủ tuýt còi các dự án điện mặt trời?
13:54, 30/12/2023
Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về "0"
14:07, 25/12/2023
Năng lượng tái tạo - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế Bạc Liêu thời gian tới
11:50, 08/12/2023
Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách giúp năng lượng tái tạo phát triển
04:00, 03/12/2023
Tháo gỡ “nút thắt” trong đầu tư LNG
02:30, 17/12/2023