Thấy gì từ các dự án lập hãng hàng không?: Vật vã chờ cất cánh

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù được cấp phép giấy phép kinh doanh hàng không chung từ tháng 4/2018, song đến nay Globaltrans Air vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận AOC. 

Bộ GTVT vừa có công văn về việc hủy bỏ Giấy phép kinh doanh hàng không chung gửi Công ty Cổ phần dịch vụ Globaltrans Air.

Chuỗi dịch vụ mà Globaltrans Air dự kiến cung cấp bằng tàu bay KingAir B200 khá đặc thù, gồm bay hàng không chung nhằm đáp ứng nhiệm vụ đặc biệt của các bộ, ngành như bay chụp ảnh bản đồ, bay đo địa giới hành chính, bay khảo sát từ phổ gamma, bay đo trọng lực vùng núi và biển đảo, bay lập bản đồ biến đổi khí hậu.

Chuỗi dịch vụ mà Globaltrans Air dự kiến cung cấp bằng tàu bay KingAir B200 khá đặc thù, gồm bay hàng không chung nhằm đáp ứng nhiệm vụ đặc biệt của các bộ, ngành như bay chụp ảnh bản đồ, bay đo địa giới hành chính, bay khảo sát từ phổ gamma,...

Dịch vụ "độc nhất"

Công văn của Bộ GTVT nêu rõ, Globaltrans Air được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung số 01/2018/GP-BGTVT ngày 17/4/2018. Đến thời điểm hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là Globaltrans Air chưa được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).

Cục Hàng không Việt Nam đã liên tục gửi thông báo đến Globaltrans Air về việc Giấy phép sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp công ty không được cấp AOC theo quy định tại Thông tư số 85/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý xi phạm trong hoạt động vận tải hàng không.

Tuy nhiên, Cục Cục Hàng không Việt Nam không nhận được phản hồi của Globaltrans Air liên quan đến việc cấp AOC.

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 1 của Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ, Giấy phép kinh doanh hàng không chung số 01/2018/GP-BGTVT của Globaltrans Air thuộc trường hợp hủy bỏ. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ Giấy phép Giấy phép kinh doanh hàng không chung đã cấp cho Globaltrans Air theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không đã có khuyến cáo 3 lần việc đáp ứng quy định của Nghị định số 89 về việc giữ Giấy phép kinh doanh hàng không chung đối với Công ty Cổ phần dịch vụ Globaltrans Air.

Căn cứ điều 12 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP), Điều 15 Thông tư số 85/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 về quy định trách nhiệm và xử lý xi phạm trong hoạt động vận tải hàng không, Bộ GTVT khẳng định Globaltrans Air thuộc trường hợp phải hủy bỏ Giấy phép kinh doanh hàng không chung do không được cấp AOC trong vòng thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép (tính đến thời điểm hiện tại là hơn 3 năm).

Đặc biệt, ngày 11/6/2021, Bộ GTVT đã mời các cơ quan, đơn vị liên quan gồm Vụ Pháp chế, Cục Hàng không Việt Nam, Globaltrans Air tham dự cuộc họp nghe báo cáo và cho ý kiến về việc hủy bỏ Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Globaltrans Air.

Tuy nhiên, đại diện theo pháp luật của Globaltrans Air không thể liên lạc qua các phương tiện thông tin liên lạc và cũng không tham dự cuộc họp. Tại cuộc họp vắng mặt Globaltrans Air, các đơn vị đều thống nhất Giấy phép của Công ty Cổ phần dịch vụ Globaltrans Air thuộc trường hợp hủy bỏ theo quy định của Điều 12 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP).

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air khẩn trương có báo cáo giải trình đối với việc chưa được cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) từ năm 2018 đến nay theo ý kiến của Cục Hàng không Việt Nam.

Đồng thời, báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ GTVT trước 1/7/2021. “Bộ GTVT sẽ xem xét, thực hiện việc hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air theo đúng quy định của pháp luật”, văn bản của Bộ GTVT cho biết.

Tính đến hết tháng 4/2021, cả nước đang có 237 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam hoạt động trong 10 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh vận chuyển hàng không chung. Cả nước có 32 trực thăng khai thác dân sự thuộc 3 đơn vị là Công ty Trực thăng Miền Nam; Công ty Trực thăng Miền Bắc; Công ty Hành tinh xanh.

Được biết, chuỗi dịch vụ mà Globaltrans Air dự kiến cung cấp bằng tàu bay KingAir B200 khá đặc thù, gồm bay hàng không chung nhằm đáp ứng nhiệm vụ đặc biệt của các bộ, ngành như bay chụp ảnh bản đồ, bay đo địa giới hành chính, bay khảo sát từ phổ gamma, bay đo trọng lực vùng núi và biển đảo, bay lập bản đồ biến đổi khí hậu. Đây là dịch vụ hiện trong nước chưa có hãng hàng không nào cung cấp, nên các đơn vị có nhu cầu vẫn đang buộc phải thuê tàu bay nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, từ năm 2017 - 2018, Globaltrans Air đã rất vất vả giải trình để được Bộ GTVT cấp lại giấy phép kinh doanh hàng không chung sau khi liên tục không đạt được 2 điều kiện quan trọng để giữ lại giấy phép bay là thực hiện chuyến bay đầu tiên và nắm trong tay AOC.

Do dịch vụ dự kiến cung cấp có tính đặc thù cao, nên Globaltrans Air đã được Chính phủ, Bộ GTVT “châm chước” cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để hãng bay này có thêm cơ hội chính thức gia nhập thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại một lần nữa đối mặt nguy cơ bị huỷ giấy phép.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một chuyên gia về hàng không cho biết, giấy phép kinh doanh hàng không chung là loại giấy phép hoạt động cho các đối tượng chỉ sử dụng tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim…

Việc nhu cầu về dịch vụ hàng không cá nhân cao cấp tăng cao trong thời gian trước đã khiến nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này, ví dụ như Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu.

“Nói dễ hiểu, đây là loại hình bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm...”, chuyên gia cho biết.

“Globaltrans Air chậm trễ trong việc lấy AOC dẫn tới nguy cơ bị huỷ giấy phép kinh doanh hàng không chung có thể xuất phát từ khó khăn của bản thân doanh nghiệp. Việc huỷ giấy phép này cũng không ảnh hưởng tới quy hoạch chung của ngành hàng không bởi đây là lĩnh vực hàng không phục vụ cá nhân, không phải vận chuyển hành khách công cộng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Rào cản "bó cánh" hàng không chung

Tuy nhiên, chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, nếu trường hợp Globaltrans Air không thể giữ giấy phép thì sẽ là doanh nghiệp hàng không chung thứ hai bị rút giấy phép trong chưa đầy một năm qua. 

Tháng 10/2020, sau một thời gian khá dài “nâng lên, đặt xuống”, Bộ trưởng GTVT đã ký Quyết định số 2019/QĐ-BGTVT về việc hủy bỏ Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Hàng không Bầu trời xanh. Công ty Hàng không Bầu trời xanh bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung, do sau 10 năm kể từ khi được cấp phép, doanh nghiệp này chưa được Cục Hàng không Việt Nam cấp AOC.

Điều này cho thấy còn nhiều điểm nghẽn gây khó cho sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Nhu cầu ngày càng cao khiến nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực hàng không chung.

Nhu cầu ngày càng cao khiến nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực hàng không chung.

Theo đó, những khó khăn của các hãng hàng không chung đã được lãnh đạo Cục Hàng không chỉ ra gồm những bất cập, rào cản liên quan đến hành lang pháp lý, quy trình thủ tục đề nghị cấp phép bay, hạ tầng hàng không cho hoạt động hàng không chung, khu vực hoạt động hàng không chung, điều kiện duy trì giấy phép kinh doanh hàng không chung...

“Đây là thị trường khá chuyên biệt và đang còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xin phép bay tầm thấp từ Bộ Quốc phòng, khiến các đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng không chung rất khó khăn triển khai kinh doanh theo đúng kế hoạch”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Do đó, chuyên gia kiến nghị để tạo hành lang pháp lý bền vững cho thị trường hàng không chung phát triển, cần sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam theo hướng giao Bộ GTVT quản lý một tỷ lệ đáng kể bầu trời theo các khu vực địa lý và độ cao, đồng thời giao Bộ GTVT quản lý quy hoạch, chủ trì thẩm định, phê duyệt các dự án xây dựng hạ tầng hàng không chung.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết bầu trời theo các hạng vùng trời cho mọi khu vực địa lý và độ cao, bổ sung các vùng trời tầng thấp để khép kín và phủ kín lãnh thổ Việt Nam, tổ chức quản lý mọi hoạt động bay hàng không dân dụng.

“Trước mắt, cho phép các doanh nghiệp hàng không chung trong nước khai thác các tàu bay nhỏ mang đăng ký quốc tịch nước ngoài theo các hợp đồng thuê ướt tàu bay, hợp đồng dùng chung tàu bay hoặc ủy nhiệm khai thác tàu bay”, chuyên gia đề xuất.

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thấy gì từ các dự án lập hãng hàng không?: Vật vã chờ cất cánh tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1710837327 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1710837327 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10