Thấy gì từ căng thẳng thương mại Trung - Úc?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 26/12/2020 05:01

Trung Quốc và Úc vốn là bạn hàng thân thiết, nhưng chỉ một “mồi lửa” từ các vấn đề chính trị để lại hậu quả trong lĩnh vực kinh tế.

 Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá lên rượu vang xuất xứ từ Úc từ đầu năm 2021. Ảnh: AP

Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá lên rượu vang xuất xứ từ Úc từ đầu năm 2021. Ảnh: AP

Căng thẳng thương mại giữa Trung- Úc năm 2020 đã leo lên nấc thang mới khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên rượu vang xuất xứ Úc từ đầu năm 2021, trong khi Úc để ngỏ khả năng sẽ kiện Trung Quốc lên WTO.

Những chỉ dấu bất thường

Chưa khi nào thế giới chứng kiến mức độ rạn vỡ các mối quan hệ thương mại với tính chất khó lường và quy mô lớn như 2 năm qua. Các bên tham gia “cuộc chơi” đều là những cường quốc, khối kinh tế lớn.

Trung - Úc bất hòa thương mại ít ảnh hưởng đến phần còn lại hơn so với căng thẳng Trung - Mỹ, thậm chí có thể mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Đông Nam Á. Song, đây lại là chỉ dấu cho thấy mâu thuẫn giữa các hệ thống, thể chế chính trị đang ở giai đoạn nguy hiểm nhất; trật tự thương mại toàn cầu đang được sắp xếp lại.

Trước hết, phải thấy rằng, động lực để các bên “nã” thuế vào nhau đều xuất phát từ xung khắc chính trị, mà kinh tế chỉ là một dạng biểu hiện dễ thấy nhất. Cội nguồn của nó đến từ lợi ích cục bộ của quốc gia, dẫn đến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc, xu hướng đơn phương. Trong khi đó, bản thân các tổ chức cầm cương trật tự thương mại toàn cầu đã cho thấy hình ảnh chập chạp, cũ kỹ, không đủ sức kiềm chế sự hung hăng của các cường quốc.

Đâu là nguyên nhân?

Mấu chốt căng thẳng Trung- Úc nằm ở hai thể chế, hai con đường và nhiều phương hướng khác nhau trong chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng.

Chiến lược biển của Trung Quốc đã động chạm tới những quốc gia nhỏ bé ở Châu Á- Thái Bình Dương. Tháng 8/2020, Trung Quốc rót 208 triệu USD vào Papua New Guinea để xây dựng “khu công nghiệp hải sản đa chức năng toàn diện”.

Chính phủ Úc bày tỏ quan ngại về an ninh, kinh tế, bởi giữa họ và Papua New Guinea đã ký cam kết có thể đi lại tự do qua biên giới và được phép đánh bắt ở vùng biển của Úc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc gia tăng khi Canberra đòi điều tra Bắc Kinh về vấn đề dịch bệnh COVID-19. Đáp trả lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên còn đăng lên Twitter bức hình có cờ Úc và Afghanistan, có cảnh 1 binh sĩ hành quyết trẻ em kèm theo dòng chú thích “Sốc với cảnh Úc giết hại thường dân và tù nhân Afghanistan”…

Các mâu thuẫn chính trị, ngoại giao dẫn đến khẩu chiến như “đổ thêm dầu vào lửa”, có nguy cơ làm sụp đổ trục thương mại quan trọng bậc nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực với Úc, thì quốc gia này chắc chắn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Mỹ để đáp trả Trung Quốc. Bởi Úc giống như một chốt cắm vững chắc của Mỹ ở Châu Á- Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc thông qua “bộ tứ kim cương”.

Có thể bạn quan tâm

  • RCEP cũng không thể hàn gắn mối quan hệ Trung - Úc

    06:00, 30/11/2020

  • Nguy cơ xung đột thương mại Trung - Úc

    06:50, 29/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ căng thẳng thương mại Trung - Úc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO