Tổng thống Joe Biden quyết định chặn thương vụ M&A M&A US Steel - Nippon Steel đã làm dấy lên tranh cãi về việc Mỹ mở rộng khái niệm "an ninh quốc gia" cả với các đồng minh.
Trong nhiều tháng, tập đoàn United States Steel đã nỗ lực chứng tỏ rằng việc bán lại cho Nippon Steel Corp., một công ty thuộc sở hữu Nhật Bản, là cách duy nhất để tồn tại. Nhưng bất chấp việc được một công ty từ quốc gia đồng minh thân cận tiếp quản, Tổng thống Joe Biden vẫn chặn thương vụ trị giá 14,1 tỷ USD này vào đầu tuần trước.
Quyết định này được Tổng thống Biden viện dẫn rằng ông có bằng chứng “đáng tin cậy” rằng thương vụ này sẽ gây rủi ro cho an ninh quốc gia và chuỗi cung ứng quan trọng của Hoa Kỳ. Ông không nêu rõ bằng chứng đó là gì.
Tổng thống đảng Dân chủ đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng – vốn có từ thời Chiến tranh Lạnh - cho phép Tổng thống Mỹ quyền kiểm soát nền kinh tế để đảm bảo cung cấp các hàng hóa thiết yếu. Luật này từng được sử dụng để đảm bảo khả năng cung ứng thiết bị quân sự cho Hoa Kỳ.
Trong khi không có đe dọa rõ ràng nào, các chuyên gia nhận định động thái từ ông Biden có thể ám chỉ một tư tưởng bảo hộ gay gắt hơn đối với thương mại và đầu tư khi có liên quan tới an ninh quốc gia.
“Thật bất thường khi tuyên bố một người bạn và đồng minh là mối đe dọa an ninh, điều mà ông ấy vừa làm,” Bill Reinsch, một quan chức Bộ Thương mại thời chính quyền Clinton và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói trong một cuộc phỏng vấn và nhấn mạnh: “Có vẻ như định nghĩa về an ninh quốc gia đang ngày càng trở nên rộng hơn so với trước đây.”
Nhật Bản là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Mỹ đóng quân khoảng 50.000 binh sĩ tại đây và Nhật Bản là đối tác quan trọng trong nỗ lực kiểm soát tham vọng khu vực của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê duyệt việc bán tên lửa không đối không cho Nhật Bản trong một thương vụ trị giá lên tới 3,64 tỷ USD.
Dù lý do là gì, các cựu quan chức và chuyên gia cho rằng quyết định này cho thấy sự chuyển hướng mạnh mẽ của Mỹ khỏi các nguyên tắc toàn cầu hóa – vốn từng là đặc trưng của chính sách thương mại và đầu tư Mỹ cho đến giữa những năm 2010.
Không chỉ Mỹ. Một nghiên cứu từ các nhà phân tích Benn Steil và Elisabeth Harding của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho thấy các chính quyền Trump và Biden – cùng nhiều quốc gia khác – ngày càng dựa vào các ngoại lệ an ninh quốc gia tại Tổ chức Thương mại Thế giới để chặn các hành động mà họ phản đối.
"Trong khi các quốc gia trước đây chỉ sử dụng ngoại lệ này để ngăn chặn các mặt hàng nhạy cảm, chúng hiện đang được sử dụng thường xuyên để biện minh cho các hạn chế thương mại đối với những mặt hàng vô hại như hạt cacao, đồ uống có cồn, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chiếu sáng và khung cửa,” Steil và Harding cho biết.
Các quan chức Mỹ bảo vệ quyết định của ông Biden, khi phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng động thái này không liên quan đến Nhật Bản mà là về việc “US Steel sẽ tiếp tục thuộc sở hữu và vận hành bởi người Mỹ.” Ông Trump cũng từng cam kết ngăn chặn thương vụ này.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ tiếp tục tăng trong năm 2023, phần lớn nhờ Nhật Bản – nhưng những người ủng hộ dòng vốn này lo ngại về tín hiệu mà quyết định đối với US Steel sẽ gửi đi, đặc biệt khi động thái như vậy thường chỉ dành cho các khoản đầu tư từ các đối thủ như Trung Quốc.
"Quyết định này có nguy cơ làm nản lòng các công ty nước ngoài muốn mở rộng sản xuất tại Mỹ", John Murphy, người đứng đầu lĩnh vực thương mại quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, nói trong một tuyên bố.
Nhật Bản là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Mỹ, hỗ trợ gần 1 triệu việc làm tại nước này. “Kết quả này có thể gây hiệu ứng lạnh đối với đầu tư quốc tế vào Mỹ,” ông John Murphy nói.
Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một hội đồng chuyên xem xét các đề xuất mua lại công ty hoặc tài sản ở Mỹ của các thực thể nước ngoài, đã không đạt được đồng thuận về thương vụ này vào năm ngoái. Hội đồng này đã chuyển quyết định lên Nhà Trắng.
Mối lo ngại là Nippon Steel có thể không giữ được lời hứa duy trì năng lực sản xuất tại Mỹ, do áp lực tiềm tàng từ chính phủ Nhật Bản để sản xuất trong nước và các động lực kinh tế đã khiến nhiều hoạt động sản xuất thép chuyển đến các quốc gia có mức lương thấp hơn.
Nhiều chuyên gia về luật thương mại dự đoán rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục dựa vào lý do an ninh quốc gia để biện minh cho các hành động tương tự. Ông có khả năng sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), vốn được xây dựng dựa trên tuyên bố về sự “đe dọa bất thường và đặc biệt” đối với an ninh quốc gia, để áp đặt thuế quan ngay sau khi nhậm chức – đặc biệt là đối với Mexico và Canada, dựa trên các lo ngại về nhập cư và fentanyl.
Đạo luật này cho phép áp thuế gần như ngay lập tức, giúp Tổng thống có thể vượt qua yêu cầu tham vấn Quốc hội. Dù theo Hiến pháp, Quốc hội Mỹ có quyền quyết định chính sách thuế quan, nhưng quyền lực này đã được trao một phần lớn cho văn phòng hành pháp trong nửa thế kỷ qua.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng đã sử dụng các điều khoản 232 trong Luật thương mại – dựa trên các lo ngại về an ninh quốc gia – để áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Canada và Liên minh châu Âu, ảnh hưởng đến các quốc gia vốn là thành viên sáng lập của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) 75 năm tuổi.