Mặc dù Trung Quốc đã răn đe về những cách thức trả đũa các biện pháp thuế quan của ông Trump, nhưng sự trả đũa như vậy có nguy cơ gây phản tác dụng.
Trước nguy cơ thuế quan từ Donald Trump- Tổng thống sắp tới của Mỹ, Trung Quốc từng tuyên bố họ có nhiều cách để đáp trả trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến thương mại mới, từ chặn nguồn cung kim loại cần thiết cho sản xuất hàng hóa cho đến trừng phạt các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
Song theo một số nhà phân tích, Trung Quốc chỉ nên sử dụng các biện pháp này để tăng vị thế đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận “ngừng chiến” với Mỹ nếu ông Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Chỉ sử dụng những công cụ trả đũa này một cách tùy tiện thì không có ý nghĩa gì. Trung Quốc phải hướng tới một kết quả, đó là một loại đàm phán nào đó,” Logan Wright, Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New York, nói với WSJ.
Những giải pháp phản ứng đã nêu của Trung Quốc sẽ chỉ khuyến khích Mỹ và các đồng minh tăng cường nỗ lực tách rời nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh khi nền kinh tế của họ vẫn phụ thuộc nặng nề vào việc bán hàng hóa cho người tiêu dùng phương Tây.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu, khi ông Trump bắt đầu áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2018, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ như thực phẩm, hóa chất và dệt may. Lần này, Bắc Kinh đã “nâng cấp” những công cụ mà họ tin rằng hiệu quả hơn so với việc leo thang trả đũa qua lại bằng thuế quan.
Vào tháng 12, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất điện tử tiên tiến, pin và các lĩnh vực công nghệ cao khác, hay mở rộng kiểm soát các bộ phận sử dụng trong sản xuất máy bay không người lái vốn được Mỹ ưa chuộng và ứng dụng.
Chưa kể, một loạt doanh nghiệp kinh doanh tại Trung Quốc cũng bị đưa vào “danh sách đen”. Trung Quốc mới đây công bố một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Nvidia, gã khổng lồ chip của Mỹ. Vào tháng 9, họ tuyên bố đang xem xét đưa PVH, chủ sở hữu Calvin Klein và Tommy Hilfiger, vào danh sách vì các báo cáo cho rằng công ty Mỹ này đã tẩy chay các sản phẩm bông từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự kết hợp giữa các hạn chế xuất khẩu và việc nhắm vào các công ty Mỹ không phải là một bộ biện pháp đối phó mạnh mẽ.
Mặc dù Trung Quốc chiếm ưu thế trong sản xuất và tinh chế khoáng sản quan trọng, nhưng họ không phải là nhà cung cấp duy nhất trên toàn cầu. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu nhiều gallium thô hơn từ Canada so với Trung Quốc, và nhà cung cấp germanium chế biến lớn nhất của họ là Đức, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số. Cả hai loại khoáng sản này đều rất quan trọng cho việc sản xuất chất bán dẫn, hệ thống tên lửa và pin mặt trời.
Sự thống trị của Trung Quốc về khoáng sản quan trọng phụ thuộc một phần vào khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu với giá thấp, khiến các đối thủ cạnh tranh không có lợi khi đầu tư vào sản xuất thay thế. Nhưng việc kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ đẩy giá thị trường tăng lên, thay đổi tính toán đó.
“Càng khó khăn để có được những thứ này, càng có nhiều đầu tư vào lĩnh vực chế biến,” Matthew Gertken, chiến lược gia địa chính trị trưởng tại BCA Research, cho biết.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể sử dụng cách như chính Trung Quốc và Nga né tránh các lệnh trừng phạt: sử dụng các nước thứ ba trung gian trong thương mại toàn cầu. "Nếu Trung Quốc mạnh tay với xuất khẩu khoáng sản sang Mỹ, các công ty Mỹ có thể đảm bảo những gì họ cần thông qua tái xuất khẩu từ các nước thứ ba", Gertken cho biết.
Ngoài ra, việc trừng phạt các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cũng không còn là một mối đe dọa mạnh mẽ như trước. Nền kinh tế chậm chạp của Trung Quốc và nỗ lực thay thế các thương hiệu phương Tây bằng các đối thủ trong nước khiến nhiều công ty Mỹ đang gặp khó khăn tại đây. Kết quả là, Trung Quốc đã trở nên kém quan trọng hơn đối với các tập đoàn Mỹ so với trước đây.
Bắc Kinh vẫn còn các lựa chọn khác. Làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng các sản phẩm có giá trị và công nghệ thấp là ví dụ, bởi điều này gây tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ và gây khó chịu cho chính quyền Mỹ, theo Martin Lynge Rasmussen, chiến lược gia cao cấp tại Exante Data.
Đặc biệt, Trung Quốc cũng có thể để đồng tiền của mình yếu đi so với đồng USD, giúp hàng xuất khẩu của họ có lợi thế trên thị trường thế giới và tại Mỹ, đồng thời giúp bù đắp các khoản thuế cao hơn.
Nhưng một động thái như vậy có thể dẫn đến tình trạng rút vốn khỏi Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh rất lo ngại. Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng Bắc Kinh có thể chấp nhận một sự phá giá hạn chế và được kiểm soát, nhưng không phải là sự sụt giảm mạnh của đồng nhân dân tệ.
Cuối cùng, Bắc Kinh có thể sử dụng một giải pháp chiến lược: bán tháo lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ. Một số người cho rằng Bắc Kinh có thể xem xét kịch bản cực đoan này nếu xung đột thương mại leo thang nghiêm trọng và họ muốn gây hỗn loạn tài chính để đáp trả. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể can thiệp để ổn định thị trường trái phiếu bằng cách mua vào không giới hạn, tương tự như cách họ đã làm vào năm 2020.