Thấy gì từ tín dụng chứng khoán, bất động sản tăng, trong khi các ngành giảm?

LÊ MỸ 14/03/2024 11:00

Hầu hết tín dụng vào các ngành, lĩnh vực giảm trong 2 tháng đầu năm 2024, với tín dụng toàn hệ thống giảm, cho thấy mức độ phục hồi và nhu cầu vốn các ngành sản xuất còn chậm.

>>>Lợi nhuận ngân hàng tăng tốc, bất động sản sẽ đi ngang trong năm 2024

Tại Hội nghị về điều hành chính sách tiền tệ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 14/3, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD-VND,... là những yếu tố tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND dự kiến tiếp tục giảm.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Tín dụng trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Về nguyên nhân khách quan: Theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán dẫn tới 02 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.

Cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp: Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng bất động sản (BĐS) tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,... chưa phát huy được nhiều hiệu quả.

>>>Khi nào Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu?

Ngoài ra, nguyên nhân đến từ khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như: đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp; đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm; công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin trong khi các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay.

Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế. 

Về nguyên nhân chủ quan, theo NHNN, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng); lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng

2 tháng đầu năm 2024: tăng trưởng tín dụng giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng); lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng. (Ảnh minh họa. Nguồn: ABB)

Huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường thị trường trái phiếu, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ Tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Đáng chú ý, thống kê của NHNN đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). NHNN cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Trong đó, có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Tín dụng tăng trong lĩnh vực chứng khoán tương đồng 2 tháng tăng trưởng với thanh khoản rất dồi dào trên thị trường chứng khoán - vốn đang được nhà đầu tư trong nước (cá nhân, tổ chức, tự doanh) "cầm trịch". 

Theo thống kê của MSVN, trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 2 năm 2024, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng 24% (so với năm tài chính 2023) lên 18,7 nghìn tỷ đồng/760 triệu USD. Trong tháng 2/2024, thanh khoản thậm chí còn cao hơn với giá trị giao dịch trung bình là 20,8 nghìn tỷ đồng/866 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,6 nghìn tỷ đồng/108 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, trong khi nhà đầu tư bán lẻ trong nước mua ròng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ngành đồ uống (1,2 nghìn tỷ đồng/52 triệu USD, tập trung vào VNM, SAB), bất động sản thương mại (790 tỷ đồng/34 triệu USD); và mua ròng ngành ngân hàng (3,1 nghìn tỷ đồng/130 triệu USD) và thép (916 tỷ đồng/39 triệu USD)...

Đặc biệt trong những phiên giao dịch gần đây, cụ thể như phiên gần nhất 13/3, VN-Indẽ tăng hơn 25 điểm, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận thanh khoản tích cực với hơn 26.000 tỷ đồng giá trị giao dịch. 

Như vậy, dòng tín dụng vào chứng khoán phần nào giải mã. 

Trong khi đó, khó khăn của thị trường bất động sản, đặc biệt từ các chủ đầu tư địa ốc trong huy động trên thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng lún sâu vào tín dụng. Theo thống kê tại Wichart, trong 3 năm trở lại đây, nợ vay của doanh nghiệp bất động sản đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trên sàn chứng khoán. 

Một thống kê từ chính NHNN cho thấy đến cuối tính đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,75% so với năm 2022.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, lại có một thống kê khác gây nhiều băn khoăn khi đây là thời điểm rơi vào nhiều ngày nghỉ Tết dẫn đến giao dịch bất động sản chậm hơn, trong bối cảnh thị trường còn rất khó khăn thanh khoản, nhưng tại TP.HCM, ngành kinh doanh bất động sản đã ghi nhận đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Một chuyên gia cho rằng đây là số liệu "cần xem lại" vì liệu nó có sát thực tế hay không, có hay không là doanh thu từ bán hàng của các dự án trước nay mới được hạch toán, được doanh nghiệp báo cáo theo sổ sách để ghi nhận số liệu?...

Cũng theo chuyên gia, điều này cũng cần xem xét trong bối cảnh căn hộ chung cư khu vực trung tâm được xem là phân khúc tăng trưởng nhất trong bối cảnh khó khăn hiện tại, thì ở TP.HCM cũng trong 2 tháng qua lại không có dự án căn hộ chung cư mới được mở bán. Như vậy, tín dụng bất động sản tăng là chảy vào đâu, cho người mua nhà hay chủ đầu tư? Liệu phải chăng đây cũng là một phần nguyên do dẫn đến nợ xấu tăng và lo ngại nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng trong 2024?

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cởi mở hơn với cho thuê tài chính

    Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cởi mở hơn với cho thuê tài chính

    15:30, 13/03/2024

  • Tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng

    Tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng

    00:40, 13/03/2024

  • Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu

    Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu

    05:30, 12/03/2024

  • NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng

    NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng

    17:50, 05/03/2024

  • Tăng tiếp cận vốn tín dụng Nhà nước qua VDB

    Tăng tiếp cận vốn tín dụng Nhà nước qua VDB

    16:00, 05/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ tín dụng chứng khoán, bất động sản tăng, trong khi các ngành giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO