Hàn Quốc đang đẩy mạnh cạnh tranh với cả Trung Quốc và Nhật Bản để nâng tầm ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Điều này sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác rất lớn cho các quốc gia trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra từ ngày 25-26/11 tới sẽ có các cuộc đàm phán về tăng cường trật tự thương mại tự do và tác song phương.
Hàn Quốc “xoay trục”
Từ lâu, Hàn Quốc đã nỗ lực đa dạng hóa các đối tác ngoại giao và kinh tế, song việc này thực sự được đẩy mạnh kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền vào tháng 5/2017.
Có thể bạn quan tâm
06:45, 20/11/2019
07:00, 31/10/2019
11:01, 28/09/2019
04:28, 05/09/2019
Chiến lược xoay trục của Hàn Quốc hướng về Đông Nam Á càng được đẩy mạnh hơn khi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây trục trặc. Theo đó, Tokyo đã chính thức loại Seoul ra khỏi đối tác thương mại tin cậy, hay còn gọi là “Danh sách trắng”.
Thế “chân vạc” Trung - Nhật - Hàn ở Đông Nam Á sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam có nhiều hơn sự chọn lựa nhà đầu tư, mặc cả về thương mại, nhất là hiện thực hóa các điều khoản của các FTA đã ký kết.
Trong khi đó, Hàn Quốc “hạ cấp” Nhật Bản xuống loại A-2, khiến thủ tục thông quan hàng hóa Nhật Bản kéo dài hơn, ảnh hưởng tới khoảng 1.735 mặt hàng của nước này xuất khẩu sang xứ Kim chi. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đối với Seoul cũng nặng nề không kém.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chủ nghĩa đơn phương cũng gây không ít khó khăn cho Hàn Quốc. Mối quan hệ đồng minh khăng khít lâu nay giữa Mỹ và Hàn Quốc có nguy cơ đổ vỡ khi Washington yêu cầu Seoul trả thêm khoảng 5 tỷ USD để quân đội Mỹ đồn trú bảo vệ quốc gia này.
Tháng 3 năm nay, Tổng thống Moon Jae- in đã có chuyến công du tới Lào, Campuchia, Brunei và Malaysia, khẳng định rằng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa ASEAN và Hàn Quốc, đồng thời mở rộng con đường đưa doanh nghiệp Hàn Quốc vào khu vực này.
Nếu Hàn Quốc và ASEAN điều chỉnh đúng hướng các mối quan hệ, thì đây sẽ là trục thương mại không hề nhỏ. Đương nhiên hai nước ASEAN+3 còn lại là Trung Quốc và Nhật Bản sẽ không “khoanh tay” đứng nhìn!.
Cơ hội cho Việt Nam
Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) đã chuyển trụ sở khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương từ Singapore về Hà Nội. Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm trong chiến lược hướng Nam của Hàn Quốc.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có mối quan hệ khăng khít và lâu đời nhất với Hàn Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực: FDI, thương mại, lao động, khoa học kỹ thuật, giáo dục, thể thao, phát triển năng lượng, hạ tầng…
Tính đến tháng 7/2019 có trên 40 nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, từ mặt hàng công nghệ cao cho đến nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, thị phần chiếm lĩnh chưa đạt được kỳ vọng của 2 nước. Cụ thể, năm 2018, Hàn Quốc đã chi 35,2 tỷ USD để nhập khẩu nông sản Việt Nam, nhưng thị phần nông sản Việt Nam mới chỉ chiếm 6%. Rõ ràng, cơ hội cho doanh nghiệp Viêt Nam là rất lớn khi Việt Nam và Hàn Quốc đang nỗ lực nâng tổng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2020.
Không những thế, doanh nghiệp Hàn Quốc tháo chạy khỏi Trung Quốc và tìm đến Việt Nam ngày một nhiều, đơn cử như Samsung, Lotte… Điều này không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển.
Đặc biệt, mới đây hai nước đã tổ chức hội thảo hợp tác về robot, tự động hóa, đây là lĩnh vực mà Việt Nam rất cần để bước vào kỷ nguyên số, đồng thời hút nguồn vốn Hàn Quốc vào các startup công nghệ non trẻ.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đang đối mặt với áp lực cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ từ cả Trung Quốc và Nhật Bản để nâng tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Thế “chân vạc” này sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam có nhiều hơn sự chọn lựa nhà đầu tư, mặc cả về thương mại, nhất là hiện thực hóa các điều khoản của Hiệp định Thương mại song phương mà Việt Nam đã ký với Hàn Quốc, Nhật Bản.