Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua đánh dấu sự thành công của phái cực hữu, sự trỗi dậy của đảng Xanh và sự thất bại của các đảng truyền thống trên khắp châu lục này.
Châu Âu đã “kháng chiến thành công”, xu hướng Dân túy không thắng thế, trào lưu bảo vệ hành tinh lên đỉnh điểm, phe thân châu Âu và Tổng thống Pháp cản đường liên minh của phe “bài châu Âu”...
Châu Âu bật dậy
Trái với những dự báo bi quan về châu Âu, cuối cùng châu lục này vẫn chiến thắng: tỷ lệ cử tri đi bầu tăng cao, phe công kích châu Âu bị chặn đứng, phong trào bảo vệ môi trường ghi điểm… Liên minh châu Âu (EU) trước đây bị xem là thoái trào, nay đã bật dậy. Một trong những điểm son là trào lưu bảo vệ môi trường, nương theo cuộc vận động toàn cầu, khởi đi từ giới trẻ và vùng Bắc Âu đã giúp cho các đảng Xanh ở châu Âu, đặc biệt ở Pháp và Đức, tăng gấp đôi số ghế nghị sĩ tại EP.
Có thể bạn quan tâm
17:00, 26/05/2019
07:15, 24/05/2019
12:06, 16/05/2019
Tuy thành công, nhưng các đảng cực hữu trên thực tế không thắng như nhiều người lầm tưởng. Đúng là phe này có thêm đại biểu, từ 151 lên 171, nhưng đó là nhờ 20 ghế của đảng cực hữu Italy. Họ chinh phục một phần cử tri, sau khi sửa đổi cương lĩnh bỏ lập luận bài xích EU. Trong khi đó, 75% số nghị sĩ còn lại, dù tả hay hữu, dù bảo thủ (PPE) hay tự do đều thuộc lực lượng nòng cốt thân châu Âu. Nhóm tự do mà tên gọi chính thức là Liên minh Dân chủ và Tự do châu Âu (ALDE), từ 69 ghế lên hơn 100, nhờ có thêm 20 đại biểu của đảng Cộng hoà Tiến bước.
Cuộc bầu cử EP 2019 cho thấy đã qua rồi thời phe tả và hữu truyền thống thống lĩnh nghị trường. Phe ủng hộ châu Âu vẫn chiếm đa số, nhưng phe dân túy tiếp tục làm cho diện mạo chính trị ở EP có nhiều thay đổi.
Việc có thêm nhiều tiếng nói trong EP sẽ giúp phe dân tuý và dân tộc chủ nghĩa theo đuổi mạnh mẽ hơn các vấn đề, như kiểm soát nhập cư và ngân sách. Xu hướng này có thể phá hỏng kế hoạch của những người ủng hộ trao thêm quyền cho các quốc gia, thay vì một bộ máy ở Brussels.
Ngược lại với một số tiên báo “ngày tận thế” của châu Âu đang đến, châu Âu tiếp tục xoay xở để trỗi dậy vượt qua các hố ngăn cách và khủng hoảng. Những thành tích trước đó của các đảng Dân tuý ở cấp độ quốc gia, cũng như các thách thức mà Brexit, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc và Nga đặt ra, đã khơi dậy sự phản kháng tích cực trong phe chính thống ủng hộ châu Âu.
Tương quan lực lượng mới
Việc các đảng chính trị truyền thống tại châu Âu không thỏa hiệp với các đảng cực hữu cũng dễ hiểu, bởi ngay trong mỗi quốc gia thành viên EU, các đảng cực hữu cũng gần như bị cô lập. Hiện nay, vấn đề lớn đặt ra sau bầu cử EP là việc phân chia các vị trí quyền lực, gồm các chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu...
Các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và các đảng Dân chủ-xã hội (ESP) đã không còn giữ được đa số tuyệt đối nên có thể sẽ phải đi tìm kiếm liên minh, tức là cũng sẽ phải thoả hiệp. Vì thế, kết quả phân chia quyền lực này sẽ khó dự đoán, bởi Đức và Pháp đã công khai bất đồng trong việc lựa chọn ứng cử viên nào cho các vị trí rất quyền lực trên, đặc biệt là chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Về cơ cấu lực lượng mới tại EP kỳ này, các đảng dân tuý, cực hữu hay dân tộc chủ nghĩa vẫn giữ được đà thăng tiến ổn định, và với việc các lực lượng chính trị truyền thống yếu đi, các đảng này sẽ có tác động lớn hơn.
Tuy nhiên, so với trước đây, gần như không còn đảng dân tuý hay cực hữu nào chủ trương đưa các quốc gia rời bỏ EU hay từ bỏ đồng tiền chung châu Âu. Bởi tiến trình Brexit bế tắc đã khiến các đảng dân tuý và dân tộc chủ nghĩa cực đoan hiểu được rằng nếu họ lựa chọn con đường như nước Anh thì sẽ bị cử tri bỏ rơi.
Đổi lại, các đảng này có thể sẽ tập trung cải tổ toàn diện EU theo phương châm hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu, gia tăng chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên cũng như siết chặt biên giới châu Âu nhằm ngăn chặn nhập cư. Tuy nhiên, các đảng này hiện vẫn chưa phải là lực lượng chính trị chiếm ưu thế tại EP nên sẽ khó có thể tạo ra các tác động lớn. Nhìn chung, định hướng hoạt động sắp tới của EU sẽ tập trung mạnh vào vấn đề môi trường.