Để đối phó tốt hơn và ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến chủng mới, thế giới đang bước vào cuộc chạy đua cải tiến vaccine – công cụ ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả nhất cho đến thời điểm hiện tại.
>>Phát hiện mới về biến chủng Omicron
Chưa đầy một năm sau khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện, hàng loạt vaccine đã ra đời bằng phương thức dùng virus bất hoạt truyền thống cho đến công nghệ mRNA đột phá, giúp thay đổi cục diện trong cuộc chiến với Covid-19 khi giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng và tử vong, giúp các nước dần mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai tiêm chủng trên toàn thế giới, thế hệ vaccine Covid-19 đầu tiên bắt đầu bộc lộ một số hạn chế. Khả năng miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian. Bên cạnh đó, các biến chủng mới như Delta và Omicron xuất hiện trong năm nay, buộc giới chức y tế các nước kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường, thậm chí Israel đang xem xét tiêm mũi thứ tư cho người cao tuổi.
Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến nghị các hãng dược phẩm nên chuẩn bị cho kịch bản phải điều chỉnh công thức bào chế các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện hành nhằm ứng phó với biến thể mới.
Theo người phát ngôn của WHO, ông Christian Lindmeier cho biết, biến thể mới có khả năng lây lan cả những người đã được tiêm phòng. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học của WHO, những người bị nhiễm bệnh đã được tiêm phòng sẽ được bảo vệ khỏi tình trạng nặng.
WHO kêu gọi các hãng dược phẩm trên thế giới cần phải hành động khẩn cấp để cải tiến vaccine hiện có, không nên đợi đến khi tiếng chuông cảnh báo cuối cùng vang lên. Cũng theo phát ngôn viên của WHO, hiện thế giới vẫn chưa ghi nhận báo cáo tử vong liên quan tới biến thể Omicron.
Nhiều khả năng, trong năm 2022 vaccine phòng Covid-19 thế hệ thứ hai, thuốc tăng cường và thuốc chống Covid-19 được đưa vào sử dụng. Nhiều công ty trên toàn cầu đang nghiên cứu một loạt công nghệ mới để cải thiện phản ứng miễn dịch của vaccine Covid-19 khi tạo ra các kháng thể có chất lượng tốt hơn và có hiệu quả bảo vệ lâu dài.
Ví dụ, vaccine đang được phát triển của công ty công nghệ sinh học Valneva của Pháp có chứa chất bổ trợ để tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm mục đích tạo ra sự bảo vệ tốt hơn ở người cao tuổi. Sản phẩm đã hoàn tất thử nghiệm Giai đoạn Ba vào tháng 10 với hơn 4.000 tình nguyện viên trên 18 tuổi ở 26 điểm tiêm tại Anh.
>>Tiêm chủng mũi thứ ba có ngăn chặn biến chủng Omicron?
Sau gần hai năm, nhóm khoa học thuộc Viện Quân y Walter Reed của Mỹ đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cho vaccine SpFN, được kỳ vọng là có khả năng đối phó mọi biến chủng nCoV, kể cả Omicron. Dự kiến, trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học sẽ đánh giá tác động của vaccine SpFN với người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, Akston Bioscience, công ty khởi nghiệp tại Mỹ chuyên về công nghệ y sinh, sắp thử nghiệm vaccine Covid-19 có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, giúp vận chuyển vaccine dễ dàng hơn tới các nước đang phát triển. Tương tự, Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas và Đại học Y Baylor Houston, Mỹ đang nghiên cứu Cobervax, vaccine mới phù hợp hơn cho những nước nghèo.
“Trong năm tới, chúng ta có thể mong đợi các loại vaccinne được chỉ định tiên tiến hơn về khả năng đáp ứng sinh miễn dịch”, bác sĩ Sushant Meshram, một thành viên của ban phê duyệt vaccine hàng đầu của Mỹ cho biết.
Cho đến thời điểm hiện tại, vaccine là biện pháp can thiệp y tế quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19. Virus khó có thể biến mất sớm nhưng sự kết hợp giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ dẫn đến miễn dịch cộng đồng nếu thế giới có thể nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.
"Chìa khóa để kiểm soát dịch là tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Điều này giúp F0 có triệu chứng nhẹ hơn, dành chỗ điều trị cho những bệnh nhân nghiêm trọng thực sự cần dịch vụ y tế mà không làm căng thẳng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho đến khi chủng trở thành chủng đặc hữu", phó giáo sư Ashley St John, Trường Y Duke-NUS ở Singapore nhận định.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp nhận vaccine Sputnik Light do Chính phủ Liên bang Nga viện trợ
22:32, 23/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine
20:50, 22/12/2021
"Hộ chiếu vaccine” - "đòn bẩy" phục hồi ngành du lịch
02:00, 22/12/2021
Ngoại giao kinh tế, ngoại giao vaccine và ngoại giao nhân dân!
05:04, 20/12/2021
Việt Nam có đủ điều kiện trở thành trung tâm vaccine
00:12, 18/12/2021