THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Quan hệ "tay đôi" giữa hai siêu cường (Phần 4)

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao 18/05/2020 11:00

COVID-19 đã khoét sâu thêm các nghi kỵ và giảm lòng tin chiến lược Trung-Mỹ vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng trước đó...

gsd

Quan hệ Trung-Mỹ có nhiều lý do cho thấy sự căng thẳng trở lại...

LTS: Thế giới như chúng ta biết sẽ không bao giờ trở lại như cũ sau dịch COVID-19. Đại dịch sẽ được kiểm soát nhưng có thể để lại những dấu ấn đối với lối sống và cách làm việc của con người, cũng như đối với cách thức quản lý của chính phủ các nước. Khó biết được đầy đủ mức độ của những thách thức phía trước, nhưng chúng ta có thể thấy rõ một số vấn đề trong giai đoạn này… Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch COVID-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.

"Hậu đại dịch Coronavirus" sẽ chứng kiến sự tăng tốc, chứ không phải giảm đi, cạnh tranh địa-chiến lược, cạnh tranh địa-chính trị trên phạm vi toàn cầu và ở những khu vực địa lý quan trọng, giàu tài nguyên và nhiều tiềm năng như Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Phi.

Chỉ mới khoảng 3 tháng trước khi xảy ra đại dịch, sự manh nha cạnh tranh chiến lược toàn diện, nhưng hết sức quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại, là mối quan tâm cũng như lo ngại hàng đầu của các nước trên thế giới.

Câu chuyện đang ồn ào bỗng dưng bị chìm xuống chính là do COVID-19. Lúc này, câu chuyện bao trùm, chi phối mối quan tâm khắp thế giới là phòng, chống COVID-19 chứ không phải bất kỳ vấn đề nào khác.

Cuộc "Chiến tranh lạnh 2.0" mà mọi người từng "háo hức" chờ đợi đã tạm thời bị "trì hoãn". Còn sự "hòa hoãn" hay "hợp tác" Trung-Mỹ mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay mang nhiều tính chất tạm thời bởi cuộc khủng hoảng y tế và Coronavirus đã và đang tác động trực tiếp đến cả hai siêu cường, buộc họ phải hợp tác với nhau vì sự sống còn của mình, không còn cách nào khác.

Nhiều khả năng sự hợp tác này sẽ sớm "chết yểu" một khi bệnh dịch COVID-19 biến mất. Chuyện này cũng tương tự như sự "hợp tác", "quan hệ đồng minh" giữa Mỹ và Liên xô được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai chống lại "khối trục" do Đức Quốc Xã lãnh đạo.

Chỉ một năm ngay sau khi phe phát xít thất bại và Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt vào năm 1945 thì quan hệ hệ Xô - Mỹ lại quay trở lại trạng thái đối đầu tất yếu. Và điều này cũng phù hợp với bản chất đối kháng của hai hình thái kinh tế, hai hệ thống ý thức hệ hoàn toàn đối lập nhau.

Quay trở lại quan hệ Trung-Mỹ, có ít nhất 3 lý do do để thấy sự căng thẳng sẽ sớm trở lại:

Một là, các vấn đề cơ bản dẫn đến nghi kỵ, mâu thuẫn Trung - Mỹ thời gian qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mới ký cuối năm 2019 chỉ mới đụng đến "phần ngọn" và chưa đủ thời gian kiểm nghiệm về tác động tích cực của thỏa thuận này trong việc làm dịu căng thẳng quan hệ Trung - Mỹ.

Hai là, Coronavirus khoét sâu thêm các nghi kỵ và giảm lòng tin chiến lược Trung-Mỹ vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng trước đó. Chẳng hạn, bắt chấp phản đối gay gắt của Trung Quốc, bắt chấp việc WHO đã sử dụng tên mới, Tổng thống Trump, trong rất nhiều trường hợp, vẫn khăng khăng sử dụng từ "Virus Trung Quốc" hay " Virus Vũ Hán". Rồi ngay cả khi đang ở thời điểm căng thẳng nhất khi đối phó với dịch bệnh, Mỹ vẫn "không quên" thông qua một số đạo luật hỗ trợ Đài Loan về ngoại giao và quân sự nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc sau này.

Ba là, tuy không nói ra, nhưng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua hết sức quyết liệt xem bên nào "cán đích" trước trong việc chống COVID-19 và ra khỏi cuộc chiến với thương tích bớt nghiêm trọng hơn so với đối phương. Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng chống COVID-19 lúc này là cuộc chiến sinh tồn, không được phép mắc sai lầm. Chỉ một sai sót chiến lược, một tính toán sai lầm thì cái giá phải trả là đối phương sẽ băng lên dẫn trước, còn mình bị qua mặt và mãi mãi ở vị thế của kẻ bám đuôi.

Nước nào thoát khỏi bệnh dịch sớm lúc này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể sớm bắt tay vào việc khôi phục hạ tầng sản xuất, dịch vụ, cuộc sống bình thường của người dân, tăng năng lực quốc gia của bản thân đồng thời hỗ trợ cho các đồng minh, trong khi đối phương còn đang vật lộn trong cơn khốn khó.

Phần 5: Xu hướng "phi Trung Quốc"

Có thể bạn quan tâm

  • Thế giới hậu COVID-19: Một chiến dịch dân sự lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu (Phần 3)

    Thế giới hậu COVID-19: Một chiến dịch dân sự lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu (Phần 3)

    11:00, 17/05/2020

  • Thế giới hậu COVID-19: Ba kịch bản của đại dịch COVID-19 (Phần 2)

    Thế giới hậu COVID-19: Ba kịch bản của đại dịch COVID-19 (Phần 2)

    05:10, 17/05/2020

  • Thế giới hậu COVID-19: (Phần 1) Những thay đổi hiện hữu

    Thế giới hậu COVID-19: (Phần 1) Những thay đổi hiện hữu

    11:00, 15/05/2020

  • [Thế giới hậu COVID-19] Thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương

    [Thế giới hậu COVID-19] Thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương

    06:00, 13/04/2020

  • [Thế giới hậu COVID-19] Sự thay đổi của những tiến trình xã hội

    [Thế giới hậu COVID-19] Sự thay đổi của những tiến trình xã hội

    10:25, 12/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Quan hệ "tay đôi" giữa hai siêu cường (Phần 4)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO