COP 29 được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu khi các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Khi thế giới đang đón nhận tin tức về việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tuần trước, hơn 30.000 quan chức chính phủ, doanh nhân và nhà hoạt động từ khoảng 200 quốc gia sẽ nhóm họp tại quốc gia Đông Nam Âu Azerbaijan để tham dự Hội nghị lần thứ 29 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29).
Năm 2024 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm đầu tiên nhiệt độ toàn cầu ấm hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, báo hiệu rằng thế giới đang tiến gần đến ngưỡng mà các nhà khoa học đặt ra để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm cả đợt nắng nóng nghiêm trọng, lũ lụt và hạn hán. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được cho là dễ bị tổn thương trước những tác động này hơn một số khu vực khác trên thế giới.
Nhưng sự đoàn kết và ý chí chính trị của các chính phủ nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu một cách hiệu quả đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong năm nay khi các cuộc bầu cử, chiến tranh và bất ổn địa chính trị sẽ thu hút sự chú ý khỏi những thay đổi quan trọng đang diễn ra trong môi trường tự nhiên.
Dự kiến tài chính vẫn sẽ tiếp tục là chủ đề chính tại COP29. Các chính phủ đã đồng ý đặt ra một mục tiêu định lượng mới về tài chính khí hậu (NCQG) vào năm 2025, với việc các quốc gia giàu có cung cấp quỹ cho các nước nghèo hơn để giúp họ xây dựng hệ thống năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo và ứng phó với các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Mục tiêu này dựa trên cam kết vào năm 2009 của các quốc gia phát triển nhằm huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 cho các nước đang phát triển. Mục tiêu này đã được thực hiện, mặc dù muộn hơn hai năm. Các nhà đàm phán phải thống nhất về các chi tiết cốt lõi của mục tiêu mới, chẳng hạn như số tiền cần huy động trong khoảng thời gian nào, ai sẽ đóng góp và số tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích gì?
Các bên cũng dự kiến sẽ hoàn thiện các kế hoạch thiết lập thị trường phát thải carbon để giúp các quốc gia đạt được mục tiêu khí hậu của mình bằng cách giao dịch tín chỉ carbon, như đã nêu trong Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Nếu đạt được, điều này sẽ giúp xoa dịu mối lo ngại về "tẩy xanh" trong việc sử dụng tín dụng carbon.
Toru Kubo, Giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết: "Mức độ quan tâm đến hoạt động thị trường carbon ở Châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ cao, nhưng không cao như hiện tại vì thiếu một thỏa thuận toàn cầu về các quy tắc cho thị trường carbon". Ông Kubo nói thêm, các cuộc đàm phán cuối cùng về Điều 6 tại COP29 đang được mong đợi. Nhưng trong trường hợp phải chuyển sang COP30, thì đó sẽ là một sự thất vọng lớn.
Các quốc gia cũng được yêu cầu nộp bản cập nhật các mục tiêu quốc gia trong việc giảm phát thải, được gọi là đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC), vào tháng Hai. Động lực cho những cam kết đầy tham vọng dự kiến sẽ được thúc đẩy trong suốt COP29.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo từ một số quốc gia phát thải hàng đầu dự kiến sẽ vắng mặt tại hội nghị lần này, bao gồm Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, và một số nhà lãnh đạo về hành động vì khí hậu như Đức, khi họ đang phải đối phó với những thay đổi của chính phủ trong nước.
Việc tái đắc cử của ông Donald Trump đang làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia phát thải carbon tích lũy lớn nhất thế giới sẽ lùi bước khỏi hành động vì khí hậu. Ông Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt tại nhiệm kỳ I và các nhà quan sát dự đoán ông có thể sẽ hành động như vậy một lần nữa.
Theo Alden Meyer, Cố vấn cấp cao của tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G có trụ sở tại Anh: "Hiện tại, việc đàm phán các vấn đề khí hậu của Mỹ đang do chính quyền Tổng thống Biden đảm nhiệm. Nhưng điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới và nó sẽ làm ảnh hưởng đến động lực đàm phán".
Ngoài những bất ổn chính trị, các nước đang phát triển và những nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên thờ ơ với hội nghị này.
Quốc đảo Thái Bình Dương Papua New Guinea đã quyết định không tham dự hội nghị COP năm nay như một hành động phản kháng, bởi vì các COP trước đây đã kết thúc bằng những lời hứa suông, thiếu hành động, và không mang lại kết quả hữu hình nào cho các quốc đảo nhỏ.
Ông Justin Tkatchenko, Bộ trưởng Ngoại giao của Papua New Guinea cho biêt: "Mặc dù đóng góp rất ít vào cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các quốc gia như PNG vẫn phải vật lộn với những tác động nghiêm trọng của nó. Chúng tôi đã mệt mỏi vì bị gạt ra ngoài lề".
Đánh giá về vấn đề này, ông Li Shuo, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho rằng, xem xét kết quả bầu cử của Mỹ, các nền kinh tế lớn và các nước phát thải nên có trách nhiệm lớn để thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn. Nhưng ông cũng nói thêm: "Hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây, chuyển đổi kinh tế xanh sẽ là động lực chính cho hành động vì khí hậu toàn cầu, chứ không phải chính trị".