Thế giới nỗ lực ngăn chặn biến chủng Omicron lan rộng

CẨM ANH 30/11/2021 13:53

Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, các nhà khoa học đang nỗ lực chạy đua để tìm cách thức hạn chế sự lây lan của virus.

>> Việt Nam ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?

Hành khách tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Nam Phi ngày 26/11. Ảnh: AP

Hành khách tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Nam Phi ngày 26/11. Ảnh: AP

Trước nguy cơ cực kỳ đáng lo ngại hiện nay của biến chủng Omicron, được cho là có khả năng lây nhiễm gấp nhiều lần biến thể Delta cũng như có thể kháng vaccine, các quốc gia trên thế giới đã lập tức xây dựng các phương án ngăn chặn biến chủng lây lan bằng lệnh hạn chế nhập cảnh và tăng cường tiến độ tiêm chủng.

Mới đây, một loạt các nước châu Âu đang tiếp tục đưa ra một loạt các biện pháp hạn chế mới. Cụ thể, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra thông báo cho biết, ngoài việc cấm các chuyến bay đến từ miền Nam châu Phi, chính phủ Anh buộc phải áp dụng trở lại lệnh đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng hoặc trong các cửa hàng.

Đồng thời, quốc gia này cũng yêu cầu tất cả hành khách khi nhập cảnh vào Anh đều phải thực hiện xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi đến Anh và phải tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính. Đây là lần đầu tiên nước Anh cho áp dụng lại các biện pháp hạn chế sau khi đã bãi bỏ toàn bộ hồi đầu Hè 2021.

Cùng với Anh, các nước khác tại châu Âu cũng đang gấp rút ban hành các biện pháp kiểm soát tương tự. Tại Pháp, Bộ Y tế Pháp cho biết tất cả những ai tiếp xúc với người nhiễm biến thể Omicron sẽ phải cách ly dù đã tiêm đủ vaccine. Đến thời điểm này Pháp chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron nhưng các chuyên gia y tế nhận định, việc này là không thể tránh khỏi.

Theo bình luận viên Therese Raphael của Bloomberg đánh giá, “việc xuất hiện những biến chủng như Omicron trỗi dậy là kịch bản đã được giới khoa học lường trước. Với tỷ lệ tiêm chủng hơn 10% ở châu Phi và 28% ở Nam Phi, không ngạc nhiên khi nó xuất hiện và lây lan nhanh ở đây”, ông Raphael nhận định.

Chính vì vậy, mặc dù những biện pháp này sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn Omicron nhưng sẽ góp phần giúp các nước có thêm thời gian nghiên cứu về chủng mới và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tiêm tăng cường trước khi virus có nguy cơ lây lan.

>> Biến chủng Omicron có tạo làn sóng dịch COVID-19 mới?

Các nước đang tăng cường tiêm chủng mũi bổ sung để ngăn chặn biến chủng Omicron lây lan diện rộng

Các nước đang tăng cường tiêm chủng mũi bổ sung để ngăn chặn biến chủng Omicron lây lan diện rộng

Bên cạnh đó, nhiều hãng dược đã “chạy đua” với thời gian để nghiên cứu và điều chế vaccine mới đối phó với biến chủng Omicron. Giám đốc Y tế của Moderna Paul Burton cho biết hôm 28/11 rằng nhà sản xuất vaccine có thể đưa ra một loại vaccine được cải cách chống lại biến thể Omicron vào đầu năm tới.

"Chúng ta nên biết về khả năng của vaccine hiện tại để cung cấp sự bảo vệ trong vài tuần tới, nhưng điều đáng chú ý về vaccine mRNA, nền tảng Moderna là chúng ta có thể phát triển rất nhanh", ông Burton chia sẻ trước truyền thông. "Nếu chúng ta phải tạo ra một loại vaccine hoàn toàn mới, tôi nghĩ rằng đó sẽ có vào đầu năm 2022 trước khi nó được sản xuất với số lượng lớn”.

Tương tự, Pfizer, Johnson & Johnson, AstraZeneca và Novavax cũng khẳng định sẽ điều chỉnh công thức để chống lại biến chủng mới.

Hiện tại, các loại vaccine COVID-19 hiện nay cũng đã cho thấy hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là nguy cơ bệnh nặng và tử vong, ngay cả với biến chủng nguy hiểm như Delta. Do đó, tăng độ phủ vaccine trong dân số vẫn được xem là chìa khóa trong cuộc chiến với đại dịch.

Như Tiến sĩ Anthony Fauci và các thành viên nhóm chuyên trách COVID-19 của Nhà Trắng khuyến nghị, tất cả người trưởng thành đã tiêm đủ vaccine cần tiêm mũi tăng cường càng sớm càng tốt, trong khi người lớn và trẻ em chưa tiêm đủ cũng cần tiêm ngay lập tức. Công dân Mỹ được tiêm liều tăng cường nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine Pfizer hay Moderna hơn 6 tháng, hoặc tiêm đủ vaccine Johnson & Johnson được hơn hai tháng.

Trên thực tế, nhờ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu tại Nam Phi, thế giới đã phản ứng nhanh hơn với biến chủng Omicron nhanh hơn bất kỳ biến thể nào khác. Tulio de Oliveira, nhà di truyền học tại Trường Y Nelson R. Mandela ở Durban cho biết chỉ trong 36 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu từ 100 bệnh nhân bị nhiễm bệnh, đối chiếu dữ liệu và cảnh báo cho thế giới.

Trong vòng một giờ kể từ khi có báo động đầu tiên, các nhà khoa học ở Nam Phi cũng gấp rút thử nghiệm vaccine coronavirus chống lại biến thể mới. Giờ đây, hàng chục đội trên toàn thế giới - bao gồm cả các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna - đã tham gia cuộc đua.

Jesse Bloom, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết, mặc dù cho đến nay, vẫn cần thời gian để giới nghiên cứu xác định rõ mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron, nhưng thế giới thực sự cần phải cảnh giác với biến thể mới này và chuẩn bị cho nó.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?

    Việt Nam ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?

    02:00, 30/11/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2

    22:44, 29/11/2021

  • Biến chủng Omicron có tạo làn sóng dịch COVID-19 mới?

    Biến chủng Omicron có tạo làn sóng dịch COVID-19 mới?

    04:00, 29/11/2021

  • Bộ Y tế thông tin quan trọng về biến chủng mới Omicron

    Bộ Y tế thông tin quan trọng về biến chủng mới Omicron

    01:00, 29/11/2021

  • Thế giới cảnh báo mối nguy hiểm từ biến chủng Omicron

    Thế giới cảnh báo mối nguy hiểm từ biến chủng Omicron

    07:51, 27/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thế giới nỗ lực ngăn chặn biến chủng Omicron lan rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO