Thêm 921.400 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam

MINH CHÂU 15/07/2021 11:11

Sáng nay (15/7), 921.400 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).

Đây là lần giao vaccine thứ tư và có số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC).

Đáp lại đề nghị gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với AstraZeneca và Công ty VNVC, chuyến giao vaccine lần này thể hiện nỗ lực tăng tốc cung ứng vaccine của AstraZeneca nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam. Tính đến nay, hợp đồng này đã mang về Việt Nam 1.906.000 liều, tương đương gần 30% số lượng vaccine AstraZeneca ở nước ta. Cụ thể, đợt 1 gồm 117.000 liều, đợt 2 gồm 287.600 liều, đợt 3 gồm 580.000 liều và đợt 4 (hôm nay) gồm 921.400.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi, cho biết: "Chính phủ Việt Nam hoàn toàn đúng đắn khi coi tiêm chủng là một trong những chìa khóa để vượt qua đại dịch, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa 5K. Chiến dịch tiêm chủng toàn quốc của Việt Nam đã chính thức được phát động. Chúng tôi rất vinh dự khi vaccine COVID-19 của AstraZeneca được triển khai rộng rãi để bảo vệ cộng đồng khỏi dịch bệnh nguy hiểm này".

Các lô vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam.

Các lô vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam.

Ông Nitin Kapoor khẳng định AstraZeneca sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để đưa vaccine đến Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể, để người dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường và đoàn tụ với gia đình.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNVC chia sẻ, công ty sẽ tiếp tục chuyển giao 921.400 liều vaccine này cho Bộ Y tế theo nguyên tắc phi lợi nhuận, để kịp thời triển khai tiêm chủng cho người dân, đặc biệt là ở khu vực có dịch. Mặc dù đã xác nhận hợp đồng chuyển giao cho Bộ Y tế toàn bộ 30 triệu liều vaccine, nhưng VNVC vẫn cam kết sẽ hỗ trợ và đồng hành trong quá trình tiếp nhận vaccine từ AstraZeneca và chuyển giao cho Bộ Y tế nhanh chóng, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng.

Theo dữ liệu gần đây của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), 2 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca có hiệu quả 92% trong việc giảm số ca nhập viện do biến thể Delta, và cho thấy không có trường hợp tử vong trong số những người được tiêm chủng.

Vaccine này đã được cấp phép lưu hành có điều kiện, hoặc sử dụng khẩn cấp tại hơn 89 quốc gia. Hơn 700 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được cung cấp cho hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới.

Đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tính đến ngày 14/7, hơn 4 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được triển khai trên toàn quốc, góp phần bảo vệ các lực lượng tuyến đầu và các nhóm ưu tiên.

Như vậy, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 10 triều liều các loại vaccine phòng COVID-19, trong đó riêng vaccine AstraZeneca có gần 6,4 triệu liều được chuyển đến Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX, hợp đồng đặt mua trước với VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.

theo khuyến cáo của WHO và các nhà sản xuất, tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng một loại vắc-xin Covid-19.

Vaccine được đưa về kho bảo quản. 

Trộn vắc-xin có thể tăng phản ứng sau tiêm?

Trước thông tin lo ngại về việc tiêm trộn vắc-xin Covid-19 trong bối cảnh đang khan hiếm vắc-xin, GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết hiện theo khuyến cáo của WHO và các nhà sản xuất, tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng một loại vắc-xin Covid-19.

Tuy nhiên, căn cứ số lượng vắc-xin được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc-xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý. "Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng" - GS Đặng Đức Anh khuyến cáo.

Theo GS Đức Anh, trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin Covid-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc-xin tiêm mũi thứ 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi thứ nhất của cùng một loại vắc-xin là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc-xin của Pfizer. Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc-xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ Covid-19. Tuy nhiên, khi tiêm 2 loại vắc-xin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 14-7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vắc-xin Covid-19 với tổng số 8.166.800 liều cho các đơn vị, địa phương. Thời gian tới, tùy thuộc số lượng, chủng loại từng đợt vắc-xin được tiếp nhận, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sử dụng vắc-xin an toàn, hiệu quả. Dự kiến, trong tháng 7, sẽ tiếp nhận hơn 8,8 triệu liều vắc-xin Covid-19. Từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 124 triệu liều vắc xin từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Vaccine Sinovac có hiệu quả thế nào trước biến thể Delta?

    14:03, 14/07/2021

  • "Cánh tay Covid" - triệu chứng sau tiêm vaccine Moderna có đáng lo?

    12:53, 14/07/2021

  • 2 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna được phân bổ ra sao?

    12:30, 14/07/2021

  • 745.000 liều vaccine Pfrizer được phân bổ thế nào?

    13:03, 13/07/2021

  • Có nên sử dụng kết hợp các loại vaccine?

    09:37, 13/07/2021

  • Người lao động trong khu vực bán lẻ cần được ưu tiên tiêm vaccine

    12:02, 12/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thêm 921.400 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO