Cung trekking lần này là một hành trình thám hiểm, khám phá các kỳ quan thiên nhiên theo dòng chảy của dòng sông Trà Lĩnh (Cao Bằng).
>>Mãn nhãn ngắm Cao Bằng mùa lúa chín
Hố sụt Canh Cảo, điểm đến đầu tiên của lộ trình đã ở ngay trước mắt. Xuống hố sụt phải đu dây hai chặng. Chặng đầu len lỏi qua những vách đá hẹp để vào bên trong và chặng hai khám phá khung cảnh trong hố sụt.
Choáng ngợp, là cảm giác đầu tiên khi đứng trong hố sụt. Những vách đá dựng đứng hai bên với những vết nước chảy xói mòn tạo thành những hình vằn vện cho thấy nơi này đã từng có nước sông chảy qua với những cơn sóng cuộn chảy. Lòng hố rộng mênh mông, nhiều loại cây từ thân gỗ đến thân cỏ, rêu mốc bám trụ sinh trưởng xanh tốt, tạo thành một khu rừng um tùm. Dưới ánh sáng chiều của mặt trời, nhìn từ trên cao có thể thấy cả một dãy núi dường như bị tạo hóa khoét một lỗ khổng lồ ở giữa.
Gạt bỏ nỗi lo đu dây ban đầu, giờ tôi đã có thể tận hưởng khoảnh khắc được treo mình và thả rơi từ độ cao xuống sâu hơn trong lòng hố sụt.
Quần thể Hồ Thang Hen gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các hang, sông - hang ngầm. Thang Hen là hồ lớn nhất, trong tiếng dân tộc Tày nghĩa là “đuôi ong”, để mô tả hình dáng của hồ khi nước đầy. Quần thể hồ Thang Hen nằm thuộc công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Thang Hen là hồ trên núi cao nhất Việt Nam.
Mùa xuân, quanh hồ Thang Hen là lúc những thảm hoa dại đua nhau khoe sắc. Vào mùa hạ nước lại dồi dào, mặt hồ căng mình rộng dài. Thu sang, đông về, nước hồ Thang Hen cạn đi nhiều, chỗ sâu nhất lúc này chỉ chừng 5m, nhưng cảnh sắc vẫn thực sự tuyệt vời.
Quãng đường dài đi sâu vào non nước Cao Bằng khiến chúng tôi mê mẩn vì khung cảnh tuyệt đẹp hai bên đường. Thung lũng Nà Ma rộng lớn với trảng hoa Hàm Hà tím trải dài và những đàn ngựa thảnh thơi gặm cỏ. Khung cảnh vô thực ấy tựa như bước vào chốn thần tiên. Thung lũng Nà Ma thay áo mới dựa theo con nước đem tới, khi thì là thảo nguyên xanh bao la vô tận khi thì cánh đồng với những hồ nước, dòng sông uốn lượn chảy quanh.
Hang động này đã từng được đưa vào khai thác du lịch, nhưng đã bị bỏ hoang nhiều năm. Hang Kỳ Rằng vừa có tác động bởi bàn tay con người, vừa hoang sơ và nhiều bí ẩn.
Những kiến tạo của hang động tại đây vẫn còn tiếp tục theo năm tháng bởi nước vẫn nhỏ từng giọt thong thả, biến trần hang thành những chiếc đèn chùm khổng lồ.
Núi Thủng trong tiếng Tày tên gọi là “Phja Piót”. Núi Thủng còn được gọi là Mắt Thần. Mắt núi là một hiện tượng thiên nhiên độc đáo, giả thiết được các nhà khoa học đưa ra đó là do trước đây khu vực này vốn bằng phẳng, hốc mắt trên núi thực chất là một hang động. Qua thời gian, địa chất biến đổi nâng lên và sụt xuống khiến khu vực hang động lúc trước được đẩy lên cao thành một ngọn núi tạo ra hốc mắt đặc biệt như hiện nay.
Thác Nậm Trá liên thông với những hồ nước quanh núi Mắt Thần tạo thành một hệ thống điều hòa nước khổng lồ của thiên nhiên tạo thành vòng tuần hoàn khép kín của dòng nước.
Hành trình đi theo dòng nước 2 ngày 2 đêm lần này thật đặc biệt khi chúng tôi vừa tìm hiểu về sông Trà Lĩnh, khám phá những cảnh quan thiên nhiên được tạo nên từ dòng nước chảy hàng triệu năm và chứng kiến thiên nhiên hùng vĩ của Cao Bằng.
Có thể bạn quan tâm