Kinh tế

Thép Việt Nam trước thách thức thuế 25% của Mỹ: Cơ hội hay nguy cơ?

Nguyễn Thu Hà 18/02/2025 12:46

Thuế 25% với thép nhập khẩu vào Mỹ có thể khiến doanh nghiệp thép Việt tăng chi phí sản xuất, giảm cạnh tranh.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, không ít lo ngại đã được đưa ra về tác động đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép và nhôm của Việt Nam. Đặc biệt, việc áp đặt mức thuế này có thể làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường Mỹ.

thepnhapkhau.jpg
Trong 7 năm qua, mặc dù chịu thuế suất cao, thép Việt Nam vẫn vươn lên vị trí số 5 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất vào Mỹ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không đồng đều giữa các doanh nghiệp, vì nó phụ thuộc vào từng nhóm sản phẩm thép, khả năng thích ứng với thay đổi và chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của từng công ty. Một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn lớn khi mất đi một thị trường quan trọng, trong khi những doanh nghiệp khác, với sự chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh sản xuất và mở rộng thị trường, có thể sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực từ sắc lệnh thuế mới này.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra chính sách thuế mạnh tay với thép nhập khẩu. Tháng 3/2018, ngay sau khi nhậm chức, ông đã áp mức thuế 25% đối với các sản phẩm sắt thép ngoại quốc. Tuy nhiên, chính sách khi đó có sự ngoại lệ, miễn trừ cho một số đối tác thương mại quan trọng như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Anh.

Lần này, không có quốc gia nào được miễn trừ. Việt Nam, vốn đã chịu mức thuế 25% từ năm 2018, tiếp tục nằm trong danh sách bị ảnh hưởng. Hiện Việt Nam là một trong năm nhà xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, sau Brazil, Mexico, Canada và Hàn Quốc.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, vượt xa các quốc gia châu Âu như Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, hay khu vực Đông Nam Á như Campuchia. Theo dữ liệu từ Fiinpro, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 1,3 tỷ USD sắt thép và 2,6 tỷ USD sản phẩm từ thép, tăng 32% so với năm 2023.

Mặc dù liên tục đối mặt với các rào cản thuế quan từ năm 2018, ngành thép Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng và cải thiện vị thế trên thị trường Mỹ. Sự linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu và khả năng cạnh tranh giúp doanh nghiệp thép trong nước giảm thiểu tác động từ chính sách này.

Trái ngược với Việt Nam, Canada đã lập tức có động thái quyết liệt. Hiệp hội các nhà sản xuất thép Canada đã ra thông cáo báo chí, đề nghị chính phủ nước này có biện pháp trả đũa. Lý do chính là sự thay đổi trong chính sách miễn trừ: nếu như năm 2018, Canada được loại khỏi danh sách chịu thuế, thì lần này, nước này cũng không ngoại lệ. Với việc 40% lượng thép nhập khẩu của Canada đến từ Mỹ, động thái mới của chính quyền Washington có thể gây ra hệ lụy lớn cho ngành công nghiệp thép Canada.

Cơ hội và thách thức

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA), bốn quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất sang Mỹ năm 2017 là Canada, Brazil, Hàn Quốc và Mexico. Đáng chú ý, đây chính là bốn quốc gia được Mỹ miễn trừ thuế quan trong quyết định áp thuế thép năm 2018.

Tới năm 2024, danh sách bốn quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất sang Mỹ vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi về thứ tự. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia nhận định đây có thể là cơ hội cho thép Việt Nam khi xâm nhập thị trường Mỹ. Trong 7 năm qua, mặc dù chịu thuế suất cao, thép Việt Nam vẫn vươn lên vị trí số 5 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất vào Mỹ.

Tuy nhiên, một khi Canada, Brazil, Hàn Quốc và Mexico gặp khó khăn khi vào thị trường Mỹ, họ rất có thể quay lại các thị trường khác, bao gồm châu Á và Đông Nam Á. Điều này khiến Việt Nam phải đối diện với cạnh tranh gia tăng cao ngay tại thị trường trong khu vực.

Chẳng hạn, Hàn Quốc hoàn toàn có thể chỉnh chiến lược sang Đông Nam Á, trực tiếp cạnh tranh với thép Việt Nam ngay trên sân nhà. Đây là bài toán các doanh nghiệp thép Việt Nam cần nghiêm túc tính đến.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết các mặt hàng nhôm và thép Việt Nam hiện chịu mức thuế 10% (nhôm) và 25% (thép) từ năm 2018. Dù Mỹ áp thuế với toàn bộ hàng nhập khẩu, cơ hội vẫn có cho thép Việt Nam do năng lực sản xuất trong nước Mỹ vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, ông Hưng cảnh báo biên độ lợi nhuận sẽ bị thu hẹp, và nguy cơ cạnh tranh gia tăng cao khi các quốc gia khác cũng chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, bao gồm Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần EuroHa, cho biết doanh nghiệp hiện là một trong những đơn vị sản xuất nhôm lớn, chuyên xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu và châu Á. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, với kim ngạch nhôm đạt hơn 7 triệu USD mỗi năm.

Trước thông tin Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu, ông Nam bày tỏ sự lo ngại về những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp. “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Nhôm Việt Nam và Cục Phòng vệ Thương mại, đồng thời thông báo lại với phía Mỹ. Hiện cả hai bên vẫn đang theo dõi diễn biến để có phương án ứng phó phù hợp,” ông Nam cho biết.

Theo dự đoán của EuroHa, nếu mức thuế 25% được thực thi, sản lượng nhôm thanh định hình xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm tới 30%, gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn theo ông Đồng Đức Trọng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghiệp Chính Đại, thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Trước quyết định áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu của Mỹ, công ty đang chủ động lên kế hoạch thích ứng với những biến động toàn cầu.

Dù thừa nhận đây là một thách thức, ông Trọng cũng nhìn nhận đây là cơ hội để doanh nghiệp tái định hướng sản phẩm, tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao và chất lượng hơn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với bộ phận pháp chế tại Mỹ và Việt Nam để đánh giá các mã HS Code có thể bị ảnh hưởng. Thay vì tập trung vào các sản phẩm thô, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng quốc tế,” ông Trọng nhấn mạnh.

Đâu là giải pháp?

Việc Mỹ áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu không chỉ đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mà còn là hồi chuông cảnh báo về sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản thích ứng, tránh bị động trước những biến động từ chính sách thương mại toàn cầu.

Một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội tại các khu vực khác như châu Âu, Đông Nam Á hay Trung Đông, nơi nhu cầu về thép và nhôm vẫn ở mức cao. Việc mở rộng thị trường không chỉ giúp ổn định đầu ra mà còn tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về xuất xứ hàng hóa. Trong bối cảnh Mỹ siết chặt kiểm soát gian lận thương mại, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc sản phẩm, các doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch trong quy trình sản xuất, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về xuất xứ, tránh nguy cơ bị áp thêm các biện pháp trừng phạt khác.

Ngoài ra, sự chủ động trong theo dõi chính sách và tham gia các cuộc điều tra phòng vệ thương mại cũng là yếu tố then chốt. Việc nắm bắt nhanh những thay đổi từ phía Mỹ sẽ giúp doanh nghiệp có phương án điều chỉnh kịp thời, từ đó tránh những tổn thất không đáng có.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng làm việc với Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác, nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết và tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại, góp phần phát triển quan hệ kinh tế song phương ổn định và bền vững, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.”

Bà Hằng khẳng định Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với Mỹ để duy trì đà phát triển thương mại song phương, trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. "Thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực, đáp ứng lợi ích của cả chính phủ và nhân dân hai nước," bà nói thêm, đồng thời khẳng định, Việt Nam cam kết tuân thủ các cơ chế hợp tác quốc tế, các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, đồng thời thúc đẩy thể chế hóa và nâng cao năng lực để đảm bảo môi trường thương mại minh bạch, bền vững.

Dù thuế suất mới có tác động đến ngành thép và nhôm trong nước, tuy nhiên giới chuyên gia đánh giá ảnh hưởng này sẽ không quá lớn. Kể từ khi Mỹ áp thuế từ năm 2018, ngành thép Việt Nam đã có những bước thích ứng đáng kể, giúp duy trì năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, với việc nhiều quốc gia cũng tìm kiếm thị trường thay thế, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng. Các doanh nghiệp thép Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới để giữ vững vị thế trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thép Việt Nam trước thách thức thuế 25% của Mỹ: Cơ hội hay nguy cơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO