Doanh nghiệp thép Việt nên tập trung nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường và phối hợp với cơ quan quản lý để cập nhật thông tin.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) với DĐDN.
- Theo ông, quyết định áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến giá cả và giao dịch hàng hóa đối với thị trường Việt Nam?
Theo tôi, sẽ có ảnh hưởng, tuy nhiên không nhiều. Trước mắt, chính sách này đã tác động trực tiếp lên giá kim loại trên thế giới. Theo ghi nhận của MXV, phiên ngày thứ Hai (10/2), trước khi khi ông Trump ký sắc lệnh thuế quan thép và nhôm thị trường kim loại đã biến động rất mạnh. Trong đó, giá đồng COMEX tăng gần 2%, lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2024 với 10.362 USD/tấn; giá quặng sắt cũng tăng hai phiên liên tiếp lên mức 107,3 USD/tấn - mức đỉnh kể từ tháng 7 năm ngoái và giá nhôm LME cũng bật tăng lên mức 2.658 USD/tấn. Đây là vùng giá cao trong ba tuần đầu trở lại đây.
Giá nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh trong nước khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh hưởng thứ hai, là việc Mỹ tăng thuế sẽ tạo áp lực buộc thép phải tìm hướng sang những thị trường khác, khiến doanh nghiệp Việt xuất khẩu thép sang các nước khác (ngoài Mỹ) sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn. Từ đó giảm biên lợi nhuận, gây áp lực lên khả năng tài chính doanh nghiệp. Đồng thời, thép từ các nước khác cũng có nguy cơ tràn vào Việt Nam, tạo ra những nguy cơ nhất định về thép giá rẻ tại chính thị trường nội địa Việt Nam.
- Chính sách này có thể ảnh hưởng ra sao đến hoạt động xuất khẩu của ngành thép tại Việt Nam? Liệu doanh nghiệp trong nước có đối mặt với rủi ro nào không, thưa ông?
Về dài hạn, tôi không cho rằng giá thép trong nước sẽ chịu áp lực và giảm quá nhiều. Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn trong ngành nhôm, thép của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thép sang Mỹ năm 2024 lên tới 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên xét trên bài toán tổng thể, hiện nay thép Việt xuất khẩu sang Mỹ cũng không quá nhiều trong tổng lượng sản xuất. Tính trong năm 2024, Việt Nam sản xuất được 21,98 triệu tấn thép thô và 29,43 triệu tấn thép thành phẩm, nhưng thép Việt xuất khẩu sang Mỹ chỉ khoảng 1,36 triệu tấn.
Bên cạnh đó, nhôm, thép Việt xuất khẩu vào Mỹ đã phải chịu mức thuế cao, 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, từ năm 2018. Do đó khi nâng mức thuế lên, việc xuất khẩu thép sang Mỹ của Việt Nam hầu như không ảnh hưởng. Thứ nữa, nhu cầu thép trong nước trong thời gian tới được dự báo tăng mạnh, nhờ nhu cầu khi thị trường bất động sản đang ấm trở lại, dự án đường cao tốc Bắc - Nam và các dự án cơ sở hạ tầng trong nguồn vốn đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có nhu cầu lớn về thép, có thể cân đối cung - cầu trong thời gian tới.
Mỹ là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu thép của Việt Nam, chỉ sau ASEAN và EU. Do đó, chắc chắn việc ông Trump áp thuế 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam trong thời gian tới. Thêm vào đó, tôi cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ có nguy cơ leo thang. Lúc đó, Mỹ có thể tiếp tục siết chặt các chính sách thương mại với các nước có quan hệ thương mại mạnh với Trung Quốc, bao gồm Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến các rào cản thương mại khác ngoài thuế quan, như hạn ngạch nhập khẩu hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn.
Tuy nhiên, trong nguy có cơ, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng vào một tình hình xuất khẩu khả quan. Cụ thể, Mỹ áp thuế cao lên thép khiến chuỗi cung ứng thép giá rẻ vào Mỹ bị đứt gãy. Trong khi đó, thông tin từ các nhà sản xuất thép của Mỹ cho biết, trong thời gian ngắn sản xuất trong nước không thể nào bù lại sản lượng đứt gãy này. Nên tôi cho rằng Mỹ sẽ xem xét một số nước được hưởng miễn thuế để đảm bảo nguồn cung thép trong nước như thời điểm năm 2018. Việt Nam hiện đang là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, do đó có cơ sở để đàm phán về điều kiện này.
- Để chủ động ứng phó với biến động do chính sách này gây ra, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhôm, thép Việt?
Mỹ là thị trường quan trọng trong xuất, nhập khẩu nhôm, thép trên thế giới. Thay đổi mức thuế quan tại Mỹ sẽ xảy ra hiệu ứng domino trong toàn chuỗi cung ứng thép toàn cầu, và chắc chắn Việt Nam không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, kể cả trong kịch bản xấu nhất, thị trường vẫn đủ để hấp thụ nguồn cung thép, không đẩy giá thép xuống sâu. Do đó, các doanh nghiệp không cần quá quan ngại trong vấn đề này. Thay vào đó nên chủ động tăng cường năng lực nội tại, như đổi mới phương thức sản xuất, quy trình… cho ra những sản phẩm cao cấp, tiết kiệm chi phí để tăng biên lợi nhuận. Lúc đó, tôi cho rằng nếu Mỹ có áp thuế cao, thì thép Việt vẫn có dễ dàng tìm kiếm bạn hàng khác, mà ko quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường. Hiện nay, MXV cũng cập nhật thường xuyên diễn biến giá, thị trường giao dịch hàng hóa thế giới thông qua cổng thông tin cho các nhà đầu tư. Thông thường diễn biến giá hàng hóa trên thị trường phái sinh thường rất nhạy cảm, phản ánh chính xác diễn biến của thị trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!