Tài chính doanh nghiệp

Áp lực điều tra phòng vệ thương mại, nhóm ngành thép làm ăn ra sao?

Đình Đại 08/02/2025 04:38

Đối diện với áp lực lớn từ việc điều tra phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành thép Việt Nam vẫn đứng vững và tăng trưởng mạnh mẽ.

thep1.jpg
Ngành thép Việt Nam đối diện với hàng chục vụ điều tra phòng vệ thương mại của các thị trường nhập khẩu - Ảnh minh họa.

Năm 2024: 7 vụ điều tra phòng vệ thương mại

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024 xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt trên 12,62 triệu tấn, thu về trên 9,08 tỷ USD, giá trung bình 719,5 USD/tấn, tăng 13,5% về lượng, tăng 8,8% kim ngạch nhưng giảm 4,1% về giá so với năm 2023.

Trong năm 2024, Mỹ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 13,2% trong tổng lượng và chiếm 14,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 1,67 triệu tấn, tương đương 1,32 tỷ USD, giá trung bình 789,7 USD/tấn, tăng 55% về lượng, tăng 54,8% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,12% về giá so với năm 2023.

Đứng thứ 2 là thị trường Ý chiếm 10,3% trong tổng lượng và chiếm 8,9% trong tổng kim ngạch, đạt 1,3 triệu tấn, tương đương 808,81 triệu USD, giá 624 USD/tấn, giảm 17,9% về lượng, giảm 25,3% kim ngạch và giảm 9% về giá so với năm 2023.

Tiếp đến thị trường Campuchia chiếm 9,5% trong tổng lượng và chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch, đạt 1,2 triệu tấn, tương đương 740,5 triệu USD, giá 615,9 USD/tấn, tăng 11,8% về lượng, tăng 2,7% kim ngạch nhưng giảm 8,1% về giá so với năm 2023.

Nhìn chung, xuất khẩu sắt thép năm 2024 sang các thị trường lớn đều tăng cả lượng và kim ngạch so với năm 2023. Dù vậy, trong hơn thập kỷ qua, song hành với những kết quả đạt được, là những thách thức không nhỏ đến từ các vụ điều tra về phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), kể từ vụ việc đầu tiên đến tháng 11/2024, các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép là 80 vụ việc (chiếm khoảng 30% số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài), trong đó kiện chống bán phá giá (47 vụ), kiện chống trợ cấp (4 vụ), kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp (7 vụ), kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ), kiện chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (9 vụ).

Tính theo quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đứng đầu là Mỹ (18 vụ), sau đó lần lượt là Malaysia (10 vụ), Canada (8 vụ), Thái Lan (8 vụ), Ấn Độ (5 vụ), EU (4 vụ), Indonesia (4 vụ), Mexico (3 vụ), và các quốc gia khác.

Đặc biệt, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, ngành thép đã đối diện 7 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 26% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong năm 2024. Các vụ việc bao gồm 6 vụ điều tra chống bán phá giá khởi xướng bởi Canada (tháng 3/2024), Hàn Quốc (tháng 5/2024), Ấn Độ (tháng 8/2024), EU (tháng 8/2024), Thái Lan (tháng 9/2024), Malaysia (tháng 10/2024); và 1 vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp khởi xướng bởi Mỹ (tháng 9/2024).

xkthep.png
Xuất khẩu sắt thép năm 2024 (Tính toán theo số liệu công bố ngày 10/01/2025 của TCHQ) - Nguồn: Vinanet/VITIC.

Kết quả kinh doanh: “Sáng – Tối” đan xen

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đã chủ động ứng phó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng các cơ hội từ thị trường trong nước và quốc tế và đạt được những kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sa sút, thậm chí là thua lỗ trong năm 2024.

Đứng đầu trong danh sách những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024 của ngành thép Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:HPG), với doanh thu cả năm 2024 đạt 138.855 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng tới 77% so với lợi nhuận của năm 2023.

Cũng có mức tăng trưởng khá cao so với năm trước là Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), với doanh thu thuần trong cả niên độ 2023-2024 đạt 39.272 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng tăng gần 17 lần so với năm 2023.

Tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (UpCOM: TVN), sau 2 năm liền (2022 và 2023) lỗ nặng với 760 tỷ đồng và 288 tỷ đồng. Bước sang năm 2024, doanh nghiệp này cũng đã lấy lại đà tăng trưởng ở cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần của TVN đạt 36.188 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 311 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 288 tỷ đồng của năm 2023.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng ghi nhận doanh thu thuần trong năm 2024 tăng trưởng 11% so với năm trước, đạt 20.609 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 453 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2023.

Hay như tại Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất (UpCOM: TNS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh ở cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của TNS đạt 2.556 tỷ đồng, tăng trưởng 130% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 48 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với năm 2023. Đồng thời, đây cũng là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Ở nhóm các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thua lỗ nặng nhất là Công ty CP Tập đoàn thép Tiến Lên (HoSE: TLH), với mức lỗ lên đến gần 600 tỷ đồng. Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần năm 2024 của TLH tăng nhẹ 2,4% so với năm trước, lên 6.305 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn chịu khoản lỗ ròng lên đến gần 600 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) cũng ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 35% so với năm trước, xuống còn 8.924 tỷ đồng. Doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ 287 tỷ đồng trong năm 2024, nhưng cũng cải thiện hơn so với mức lỗ 652 tỷ đồng của năm 2022 và lỗ 925 tỷ đồng của năm 2023. Với 3 năm thua lỗ liên tục, cổ phiếu SMC cũng đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (UpCOM: TIS), doanh nghiệp này cũng ghi nhận năm kinh doanh thua lỗ thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, doanh thu thuần của TIS trong năm 2024 đạt 10.601 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng do chịu các chi phí quá cao, khiến lỗ sau thuế gần 5 tỷ đồng.

thep.jpg
Nguồn cung nhà ở tăng trong thời gian tới, có sự song hành nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng. Nguồn: CBRE, VSA, ABS Research.

Nhu cầu thị trường nội địa phụ hồi

Năm 2025, dự báo sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 8%, do nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi. Ngành thép trong nước mặc dù đang đối diện với không ít khó khăn từ việc phải cạnh tranh với thép nhập khẩu, đến áp lực từ các vụ kiện chống bán phá giá…;Tuy nhiên, với sự phục hồi của nhu cầu thép trong nước, cùng với những hỗ trợ từ Chính phủ, kỳ vọng sẽ có những động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Chuyên gia phân tích của Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, trong năm 2025, sản lượng nội địa được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ vào các yếu tố sau:

Thứ nhất, xây dựng dân dụng. Với vị thế chiếm 60% nhu cầu thép, thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng dân dụng chiếm chủ yếu trong tiêu thụ thép nội địa. Nguồn cung sản phẩm bất động sản dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2025 tại cả thị trường Hà Nội và TP HCM sẽ giúp thúc đẩy sản lượng thép bán ra.

“Theo VSA, tổng lượng tiêu thụ toàn ngành đạt 24,5 triệu tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ, tăng trưởng ở hầu hết các sản phẩm ngoại trừ HRC, ấn tượng nhất là thép xây dựng khi sản lượng bán trong tháng 10/2024 ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây”, ABS đánh giá.

Thứ hai, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2025 – năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 với nhiều mục tiêu và dự án lớn như phấn đấu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 Hà Nội, …

Trong dài hạn hơn, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với vốn đầu tư 67 tỷ USD sẽ là đại dự án giúp thúc đẩy tiêu thụ lượng lớn vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp lực điều tra phòng vệ thương mại, nhóm ngành thép làm ăn ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO