Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 giảm 0,8 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái xuống 18,3%.
Trong khi đó, thị phần cà phê của Colombia tăng 0,3 điểm phần trăm lên 17,4%, cách Việt Nam chỉ 0,9 điểm phần trăm. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu cà phê của nước này trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 110.000 tấn, trị giá gần 440 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2018. Giá cà phê nhập khẩu bình quân đạt gần 4 USD/kg, giảm 1,3% so với cùng kì năm 2018.
Hàn Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Brazil, Colombia, Ethiopia, Mỹ nhưng giảm nhập khẩu từ Việt Nam, Honduras, Guatemala Peru, Kenya, Ấn Độ. Cụ thể, Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019, đạt 21.796 tấn, trị giá 54,89 triệu USD, tăng 4,2% về lượng, nhưng giảm 8,8% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
10:32, 30/08/2019
08:58, 27/04/2019
15:49, 20/03/2019
05:55, 04/02/2019
Thị phần cà phê Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 19,7% trong 8 tháng đầu năm 2018, lên 19,8% trong 8 tháng đầu năm 2019. Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ hai cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm 0,8 điểm % xuống 18,3% trong 8 tháng đầu năm 2019.
Không những giảm về sản lượng xuất khẩu, giá giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.708 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2018. Thực tế, giá cà phê Việt Nam đang giảm theo xu hướng chung. Giá cà phê thế giới tiếp tục suy giảm trong những tháng đầu năm 2019 và giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây do áp lực dư cung của thị trường cà phê toàn cầu.
Một chuyên gia trong ngành cho biết, cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.
Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%. Do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơi nhiều, thậm chí còn xếp bét bảng so với các nước có thế mạnh xuất khẩu cà phê.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phần lớn cà phê Việt Nam khi thu hoạch không đáp ứng được độ chín, lẫn nhiều tạp chất, máy móc thiết bị sơ chế lạc hậu, sân phơi tạm bợ trên nền đất hoặc nền xi măng,... dẫn đến chất luọng thấp. Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn...
Đơn vị này dự báo, giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tăng do nguồn cung có phần sụt giảm từ các nước sản xuất chính, song giá sẽ vẫn ở mức thấp trong nhiều năm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng nhanh hơn so với sản xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cà phê trong trung và dài hạn.