Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ gây ra đợt bán tháo cổ phiếu vào ngày 3/9 vừa qua, khiến chỉ số Dow Jones giảm hơn 600 điểm, trong khi Nasdaq mất 3,3%.
Vào ngày 3/9 vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến các cổ phiếu lao dốc mạnh sau khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế nước này. Đợt bán tháo mạnh này tương tự cú sụt giảm đã làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu chỉ một tháng trước đây.
Theo đó, các chỉ số chính của Mỹ đã ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 5/8/2024. S&P 500 giảm 2,1% và Nasdaq Composite giảm 3,3%. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm khoảng 626 điểm, tương đương 1,5%.
Sau kỳ nghỉ Lễ Lao động Mỹ, các dữ liệu bắt đầu cho thấy tình hình ảm đạm trong lĩnh vực sản xuất, khơi lại lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống 3,843%, từ mức 3,910% vào thứ Sáu 30/8.
“Chúng ta có thể đã phớt lờ mối lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế Mỹ quá sớm,” Arun Sai, chiến lược gia tài sản cao cấp tại Pictet Asset Management, nhấn mạnh.
Dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy các nhà máy của Mỹ tiếp tục chứng kiến nhu cầu yếu kém vào tháng trước. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của ISM trong tháng 8 thấp hơn dự kiến và vẫn ở mức suy giảm. Chỉ số PMI của S&P Global cũng ở tình trạng thu hẹp, trong khi dữ liệu chi tiêu xây dựng cho thấy sự sụt giảm lớn hơn mong đợi.
Điều này diễn ra trước báo cáo việc làm hàng tháng vào thứ Sáu tuần này, một chỉ số quan trọng có thể ảnh hưởng đến tốc độ cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Chỉ số thất nghiệp Mỹ tháng trước báo hiệu sự chậm lại trong việc thuê lao động đã là tác nhân gây ra đợt giảm giá thị trường chứng khoán đầu tháng 8.
Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề lạm phát đã không còn là quan ngại chính của FED, thay vào đó nguy cơ suy thoái mới là động lực chính khiến cơ quan này dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất đầu tiên trong tháng 9. Chủ tịch Jerome Powell đã nói rằng FED dự định hành động để ngăn chặn sự suy yếu thêm của thị trường lao động Mỹ.
Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đợt giảm vào ngày thứ ba, tiếp tục thể hiện sự lo ngại vào mức giá cao của thị trường này. Cổ phiếu Nvidia giảm 9,5% - tương ứng mất khoảng 279 tỷ USD giá trị thị trường. Đây là mức giảm giá trị thị trường trong một ngày lớn nhất từng được ghi nhận đối với một công ty này. Các cổ phiếu chip khác cũng giảm, với Chỉ số Bán dẫn PHLX giảm 7,8%. Cổ phiếu hãng máy bay Boeing giảm 7,3% trong ngày, tồi tệ nhất kể từ tháng 5 sau khi Wells Fargo hạ xếp hạng cổ phiếu này.
Trên thị trường hàng hóa, lo ngại về nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc đã khiến giá dầu giảm. Hợp đồng tương lai dầu Brent giao tháng 8 giảm 4,9% xuống còn 73,75 USD/thùng, mức thấp nhất trong năm. Giá đồng cũng giảm, làm giảm giá cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ và năng lượng.
Ở nước ngoài, đồng yên Nhật tăng giá so với đô la Mỹ cũng là một tín hiệu khiến các nhà đầu nước này tư lo ngại. Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,15% dù chỉ số Topix lại tăng nhẹ 0,42%. Sự sụt giảm của Nikkei được cho cũng đến từ lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu và lợi suất trái phiếu tăng cao, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm 0,34%, trong khi chỉ số Kosdaq giảm 0,66%. Cổ phiếu công nghệ của Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó các công ty lớn như Samsung và SK Hynix gặp khó khăn do lo ngại về nhu cầu toàn cầu giảm sút và sự bất ổn kinh tế từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng chứng kiến tình cảnh tương tự, với chỉ số Shanghai Composite có xu hướng giảm do các dữ liệu kinh tế yếu kém, mặc dù chỉ số sản xuất Caixin PMI tăng nhẹ lên 50,4 báo hiệu sự cải thiện nhỏ trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, bất ổn vĩ mô trong nền kinh tế số 2 thế giới vẫn còn đó khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi đi kèm với nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng suy giảm.