Tháng 5 dần trôi qua với những diễn biến không tệ của thị trường chứng khoán khi hội chứng “Sell in May” đã không diễn ra.
Chỉ số VN-Index được dự báo sẽ đi ngang trong tháng 6 và đây là khoảng nghỉ hợp lý để thị trường có điều kiện tích lũy cho giai đoạn nửa cuối năm.
Tháng 6, thị trường đi ngang?
Chịu ảnh hưởng từ diễn biến điều chỉnh của thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như mức giảm sâu của giá dầu thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên những phiên điều chỉnh trong tuần qua, đặc biệt phiên cuối tuần điều chỉnh mạnh, khiến chỉ số VN-Index xóa đi toàn bộ mức tăng đạt được trong các phiên đầu tuần. Mặc dù vậy, so sánh tương quan với thị trường chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam nhìn chung vẫn có diễn biến tương đối tích cực nhờ tâm lý ổn định của nhà đầu tư trong nước.
Trong bối cảnh áp lực bán của khối ngoại là tương đối lớn trong các phiên gần đây, khối nội vẫn khá tự tin mua vào, giúp thị trường ngăn được đà rơi mạnh ở phiên cuối tuần qua và quay trở lại tăng điểm ở phiên đầu tuần.
Phiên giao dịch ngày 27/5 đã chứng khiến sự hồi phục của nhiều bluechips như VNM, VCB, SAB, GAS, MSN…, hỗ trợ cho đà tăng điểm của các chỉ số. Mặc dù chỉ số chung tăng điểm, nhưng theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn ít hơn so với cổ phiếu giảm giá.
Dòng tiền vận động tích cực và tiếp tục tạo ra sự phân hóa khá mạnh với nhiều cổ phiếu có mức tăng tốt như VRG (tăng 14,7%); CMG (tăng 6,5%); NTC (tăng 6%); SZC (tăng 4,9%); TRC (tăng 4,3%); PHR (tăng 4,1%); D2D (tăng 3,3%); VGI (tăng 2,9%); VNM (tăng 2,7%)…
Có thể bạn quan tâm
05:01, 27/05/2019
09:00, 24/05/2019
09:31, 23/05/2019
05:01, 20/05/2019
05:01, 13/05/2019
Thị trường đã tạm cân bằng trở lại sau phiên giao dịch đầu tuần này với mức tăng nhẹ và thanh khoản thấp hơn phiên giảm điểm trước đó. Dòng tiền vẫn vận động tích cực để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn mặc dù các rủi ro, bất ổn vẫn đang khá lớn. Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp thu hút dòng tiền khá tốt và luôn tăng nổi bật nhờ triển vọng trung và dài hạn khả quan khi làn sóng FDI vào Việt Nam tích cực.
“Chúng tôi cho rằng các cơ hội nhỏ vẫn đang hiện hữu, nhưng với cách giao dịch của thị trường như hiện tại, nhà đầu tư nên giữ trạng thái cổ phiếu ở mức dưới 50% so với NAV của chính mình để phòng ngừa rủi ro và đón các cơ hội mua vào khi thị trường gặp biến cố ngắn hạn”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị.
Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường sẽ xuất hiện các nhịp phục hồi đan xen với các nhịp điều chỉnh, do đó có thể kỳ vọng VN-Index phục hồi trở lại từ mức MA20 ngày (vùng 970 điểm) và có thể quay trở lại vùng kháng cự gần nhất tại 979 - 985 điểm.
Theo MBS, với kịch bản lạc quan, kể cả trong trường hợp mức hồi phục có thể không vượt qua được vùng 980 điểm thì việc chỉ số VN-Index đi ngang quanh mốc 970 điểm đã là một thành công trước áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Với kịch bản lạc quan, MBS cho rằng, thị trường cần tiếp tục được củng cố và đồng pha bởi các nhóm dẫn dắt, đặc biệt là bluechips. Bên cạnh đó, dòng tiền vào thị trường cần tiếp tục duy trì nhịp độ như tuần vừa qua, và đặc biệt là cần ủng hộ khi nhà đầu tư nước ngoài giảm áp lực bán ròng hoặc có thể tích cực để quay lại mua ròng.
Thậm chí, ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, MBS kỳ vọng chỉ số VN-Index có cán mốc 1.000 điểm vào đầu tháng 6 tới và sau đó sẽ có xu hướng đi ngang.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí cho rằng, xu hướng chung của thị trường chứng khoán trong tháng 6 sẽ vẫn là đi ngang với biên độ dao động không lớn.
Cơ hội với midcap
Theo ông Khánh, vẫn có những thông tin hỗ trợ thị trường. Những thông tin ước tính về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp sẽ có tác động đáng kể đến diễn biến giá cổ phiếu. Ở góc độ các yếu tố ngoại biên, diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ít nhiều có những tác động đến xu hướng chung của thị trường quốc tế, trong đó diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là động thái giao dịch của khối ngoại.
Áp lực giảm điểm của các thị trường lớn như Dow Jones, S&P 500, Nikkei, Shanghai… cũng ít nhiều tạo tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Trong các nhịp tăng mạnh của thị trường 2 năm trở lại đây, dòng tiền thường tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn do đây là nhóm có tốc độ tăng trưởng trong kết quả kinh doanh cao vượt trội so với các nhóm còn lại, đồng thời nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng phù hợp hơn với tiêu chí đầu tư của dòng tiền ngoại nhờ các lợi thế về thanh khoản, tính minh bạch, hoạt động công bố thông tin... Điều này cũng kéo theo mức P/E bình quân ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cao vượt trội so với nhóm cổ phiếu midcap.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lợi thế này ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang dần mất đi, khi mà thống kê kết quả kinh doanh quý I/2019 cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận ở nhóm này đã không còn vượt trội so với thị trường chung.
Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại cũng đang giao dịch tương đối thận trọng ở nhóm cổ phiếu này trong bối cảnh các yếu tố rủi ro toàn cầu gia tăng và đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn hiện đang giao dịch ở mức P/E cao. Ở chiều ngược lại, với việc hiện đang được định giá thấp, các cổ phiếu midcap có câu chuyện riêng đang trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư và có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn trong trung hạn.
Thực tế, thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện trong tuần qua khi đạt mức cao nhất trong 9 tuần trở lại đây. Theo thống kê của MBS, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm midcap và smallcap khi nhóm này ghi nhận 3 tuần tăng liên tiếp. Nhóm dầu khí, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, thép... và đặc biệt, nhóm midcap có mức định giá hấp dẫn, có nền tảng cơ bản, theo MBS, sẽ tiếp tục là nhóm thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mới như thủy sản, dệt may dù đã ghi nhận tăng điểm trong thời gian qua sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền.
Thị trường vẫn đang cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Với nhiều nhà đầu tư, chiến lược này hợp lý trong ngắn hạn vẫn ưu tiên lướt sóng. Dù là chiến lược nào thì vẫn cần tâm lý vững vàng vì sóng cổ phiếu trong thời gian qua khá ngắn nên nếu tính sai hoặc cắt lỗ chậm, nhà đầu tư có thể phải trả giá.