Thị trường dò đáy, tìm vận may với chứng quyền

Theo ĐTCK 24/02/2020 09:39

Thị trường chứng khoán đã có một số nhịp phục hồi, nhưng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái dò đáy, vì bị ảnh hưởng bởi dịch SARS-CoV-2.

Thị trường chứng quyền cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức định giá hiện hợp lý hơn và có nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư.

Thị trường chứng quyền: Đa số thua lỗ

Cú sốc giảm điểm sau Tết Nguyên đán 2020 khiến thị trường chứng quyền có diễn biến rất xấu.

Việc nhiều mã cổ phiếu cơ sở không tăng giá, kèm với đó là chứng quyền trong thời gian đầu thị trường vận hành được định giá cao, khiến khi đáo hạn, đa số chứng quyền ở trạng thái lỗ (OTM) và nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền đối mặt với rủi ro mất vốn.

ảnh 1

Đa số chứng quyền khiến nhà đầu tư thua lỗ.

Thống kê cho thấy, trong 37 chứng quyền đã đáo hạn, 26 mã có giá thấp hơn so với mức giá phát hành của các công ty chứng khoán.

Trong số đó, gần 20 chứng quyền rơi vào trạng thái gần như mất hết giá trị khi đáo hạn.

Chứng quyền là sản phẩm có rủi ro cao và khi thị trường cơ sở diễn biến không thuận lợi đã không có phần thưởng tương xứng cho nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.

Chỉ có 11/37 chứng quyền có giá đóng cửa ở phiên giao dịch cuối cùng cao hơn giá phát hành.

Tính tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 19/2/2020, có 64 chứng quyền đang được giao dịch, số chứng quyền lỗ tạm tính so với mức giá phát hành là 55 mã, chỉ có 9 mã trong trạng thái lãi.

Mức định giá hiện hợp lý hơn và có nhiều sự lựa chọn

Lý do dẫn đến thua lỗ khi đầu tư chứng quyền, ngoài việc thị trường cơ sở không thuận lợi là các mã chứng quyền trong thời gian đầu giao dịch được định giá quá cao.

Khi gần tới ngày đáo hạn, kể cả những chứng quyền ở trạng thái lãi (ITM), thì với giá thị trường quá cao so với định giá, các chứng quyền đều giảm mạnh về mức định giá hợp lý.

Sau quá trình vận hành gần 8 tháng qua, mức định giá chung của thị trường chứng quyền hiện tại đã hợp lý hơn nhiều.

Để xem xét chứng quyền được định giá đắt hay rẻ, cần xem xét độ biến động kỳ vọng/biến động hàm ý (Implied Volatility - IV) của các chứng quyền.

ảnh 2Mức độ biến động kỳ vọng (Implied Volatility) của các chứng quyền.

IV được tính toán căn cứ trên giá hiện tại của chứng quyền và độ biến động này thể hiện sự đánh giá của thị trường về mức độ mà giá của chứng khoán cơ sở sẽ biến động trong vòng đời của chứng quyền. 

Hiện tại, IV của thị trường tập trung ở khoảng 40 - 60%, có các ngoại lệ với IV thấp hoặc IV quá cao, nhưng không quá nhiều và thường mang tính tạm thời.

IV từ 40 - 60% là con số chấp nhận được nếu như nhìn vào giai đoạn đầu của thị trường, nhiều chứng quyền với IV quá cao được duy trì trong một thời gian dài.

Đó cũng là con số hợp lý nếu nhìn vào thị trường chứng quyền ở các nước trong khu vực.

Lưu ý, mức định giá này không phải là rẻ, bởi độ biến động nếu đo dựa trên dữ liệu lịch sử (Historical Volatility) của các cổ phiếu cơ sở chỉ nằm trong khoảng 15 - 30% (biên độ dao động giá chứng khoán cơ sở càng cao thì khả năng tạo ra lợi nhuận của nhà đầu tư càng lớn, có nghĩa là nhiều khả năng xảy ra chênh lệch giữa giá chứng khoán cơ sở và giá thực hiện quyền).

Ngoài mức định giá đã hợp lý hơn, nhà đầu tư cũng có đa dạng sự lựa chọn với OTM/ITM lớn. Nhiều chứng quyền trong khoảng OTM/ITM nhỏ có thể là nhóm quan sát tiềm năng cho nhà đầu tư muốn thử vận may.

Chứng quyền là một công cụ phù hợp để “đánh cược” số tiền nhỏ với những ưu điểm khi so với chứng khoán cơ sở: lỗ tối đa xác định, đòn bẩy cao, không phải trả lãi vay và không bị giải chấp.

Tất nhiên, quy trình lựa chọn chứng quyền để “đánh cược” cần tuân thủ các bước từ việc phân tích xu hướng chứng khoán cơ sở, lựa chọn mức độ rủi ro phù hợp, lựa chọn thời gian đáo hạn phù hợp và có mức định giá hấp dẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều mã chứng quyền có nguy cơ mất vốn

    Nhiều mã chứng quyền có nguy cơ mất vốn

    10:00, 26/12/2019

  • Cổ phiếu VJC lọt rổ chứng quyền có gì hấp dẫn?

    Cổ phiếu VJC lọt rổ chứng quyền có gì hấp dẫn?

    04:30, 15/10/2019

  • Chứng quyền: Được ăn cả, ngã về không?

    Chứng quyền: Được ăn cả, ngã về không?

    11:51, 17/09/2019

  • Cổ phiếu nào sáng giá trở thành cổ phiếu cơ sở tiếp theo của chứng quyền?

    Cổ phiếu nào sáng giá trở thành cổ phiếu cơ sở tiếp theo của chứng quyền?

    10:50, 11/09/2019

Rủi ro cao, cơ hội lớn

Dù trên lý thuyết hay trên thực tế những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cần nhận thức rất rõ rằng, chứng quyền là sản phẩm có mức rủi ro cao.

Hiện tại, theo ước tính, mức đòn bẩy hiệu dụng/đòn bẩy vốn (Efective Gearing) của thị trường chứng quyền đa phần nằm trong khoảng từ 3 - 10 lần. Cá biệt có những chứng quyền gần đáo hạn có mức đòn bẩy hiệu dụng trên 10 lần, thậm chí 30 - 40 lần.

ảnh 3Mức đòn bẩy hiệu dụng (Efective Gearing) của thị trường chứng quyền.

Đòn bẩy hiệu dụng cho biết thay đổi giá của chứng quyền nếu giá tài sản cơ sở thay đổi 1%.Ví dụ, một chứng quyền có đòn bẩy hiệu dụng là 10 lần thì khi giá cổ phiếu cơ sở thay đổi 1%, thì giá chứng quyền sẽ thay đổi khoảng 10%.Đòn bẩy hiệu dụng càng cao, tỷ lệ lãi/lỗ của nhà đầu tư vào chứng quyền đó càng lớn. Ngoài ra, thời gian đến ngày đáo hạn cũng là một yếu tố cần được cân nhắc.Các chứng quyền gần ngày đáo hạn thường có diễn biến giá rất “nhạy” (nhanh, mạnh) và có độ rủi ro cao.Nhà đầu tư không nên giao dịch các chứng quyền này. Chọn chứng quyền có thời gian đáo hạn phù hợp là một yếu tố cần được cân nhắc kỹ.Hiện tại, thị trường chứng quyền có sự đa dạng về kỳ hạn, có mã có thời gian đáo hạn rất xa.

Thị trường cơ sở hiện tại đang ở vùng đáy hơn 1 năm, không ít mã cổ phiếu giảm giá sâu, nhưng triển vọng phục hồi vẫn chưa rõ ràng khi dòng tiền chảy vào thị trường khá yếu.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư có thể dành một phần vốn nhỏ, giao dịch với các chứng quyền có mức định giá hợp lý và rủi ro phù hợp.

Bỏ ra một số tiền nhỏ, chuẩn bị tâm lý là đánh cược và có thể mất, không chịu áp lực ký quỹ…, thành quả kỳ vọng có thể sẽ rất lớn nếu thị trường chứng khoán cơ sở nói chung, mã cổ phiếu cơ sở của chứng quyền nói riêng hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường dò đáy, tìm vận may với chứng quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO