Doanh nghiệp đồ gỗ trong nước cần chú trọng hơn nữa thị trường nội địa thay vì nhường "sân diễn" cho các thương hiệu ngoại, đồng thời, việc sử dụng nguyên liệu trong nước phải được đặt lên hàng đầu.
Hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do mới đang đặt ra cơ hội rộng mở cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, nhưng đi kèm là những thách thức lớn về sự chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp ngoại.
Theo ông Trần Việt Tiến - Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), lâu nay, chúng ta nói nhiều tới thị trường xuất khẩu đồ gỗ mà chưa thực sự chú trọng tới thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.
“Hiện nhiều tập đoàn phân phối đồ gỗ nước ngoài, nhất là Thái Lan cũng đang nhăm nhe chiếm lĩnh thị trường phân phối đồ gỗ trong nước. Vì vậy, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM với trên 500 doanh nghiệp thành viên đang đặt trọng tâm vào chiến lược thúc đẩy cho tiêu dùng nội địa” - ông Tiến cho biết.
Theo đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa không chỉ về thị phần, doanh thu, mà còn phải có chiến lược truyền thông để thay đổi thói quen người tiêu dùng, thậm chí phải truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ thế nào là tiêu dùng đồ gỗ hợp pháp.
“Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy một ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững, tạo động lực cho gỗ rừng trồng, đồng thời cũng phù hợp với tinh thần mà Hiệp định VPA/FLEGT mà Việt Nam đã ký kết với EU” - ông Tiến nhấn mạnh.
Trên thực tế, số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, thị trường đồ gỗ nội thất cao cấp trong nước trị giá khoảng 2,5 tỷ USD với 80% nhập từ châu Âu và 20% sản xuất nội địa.
Cùng với đó, tiêu dùng đồ gỗ người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình, 40% cho các công trình dự án mới và 30% thị phần còn lại cho dân cư nông thôn. Trong khi đó, tại các công sở, gia đình Việt Nam hiện nay đã và đang sử dụng rất nhiều hàng của Đài Loan, Trung Quốc, đây là "nỗi buồn" của ngành gỗ nước nhà.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành gỗ đã và đang bỏ ngỏ thị trường nội địa và dần đánh mất vào tay các doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ… Theo thống kê, mức tiêu thụ đồ gỗ của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt tại thị trường trong nước trong vài năm trở lại đây chỉ xê dịch ở mức khoảng 2 tỷ USD/năm. Con số này được đánh giá là quá thấp so với một thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam.
Đặc biệt, trong năm 2018, tổng giá trị tiêu dùng nội thất của thị trường Việt Nam dự kiến đạt khoảng 4 tỉ USD, trong khi đó, bối cảnh hội nhập với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng sẽ “mở cửa” thị trường nội địa, các doanh nghiệp ngoại càng có nhiều cơ hội “xâm chiếm” thị trường tỷ đô này.
Phát triển rừng gỗ lớn
Phải thừa nhận rằng, dù là thị trường nội địa hay nhập khẩu, xu hướng tất yếu vẫn là những yêu cầu, đòi hỏi càng ngày càng cao và luôn phải thay đổi. Tuy nhiên, thực trạng đơn điệu về nguồn gỗ nguyên liệu, nhất là gỗ nguyên liệu chủ yếu lại là gỗ nhỏ đang đặt ra yêu cầu cho ngành gỗ Việt Nam.
Hiện, gỗ nguyên liệu trong nước vẫn chủ yếu là gỗ cao su, gỗ keo – tràm. Các loại gỗ chất lượng đều phải nhập khẩu rất đắt đỏ. “Tại nhà máy của chúng tôi, các sản phẩm đồ gỗ dân dụng hiện nay chủ yếu có cốt bên trong là gỗ cao su, bên ngoài phủ gỗ veneer hoặc các loại gỗ nhập khẩu như xoan đào, sồi trắng... Tuy nhiên, nguồn gỗ xoan đào trong nước đang cạn kiệt dần. Vì vậy, khoảng 15-20% nguồn gỗ chất lượng cao dùng để dán phủ bên ngoài đồ gỗ đều phải nhập khẩu từ châu Âu hoặc Nam Phi” - ông Lê Ngọc Dũng, Giám đốc Nhà máy gỗ Hoàng Anh Gia Lai - Hàm Rồng nói.
Không phải câu chuyện riêng của nhà máy gỗ Hoàng Anh Gia Lai, thống kê từ HAWA cũng cho thấy, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ cho chế biến của các doanh nghiệp hiện ước chiếm khoảng 75%, chủ yếu vẫn đang là tràm và cao su. Khoảng 25% gỗ nguyên liệu còn lại, chủ yếu gỗ chất lượng cao dùng để phủ - dán bên ngoài sản phẩm đang phải nhập khẩu.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, việc phụ thuộc nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu khiến hoạt động sản xuất thiếu bền vững, đồng thời làm gia tăng chi phí, đặc biệt là chi phí cho công nghệ cắt ghép, dán cho doanh nghiệp.
Do đó, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, Chính phủ phải có một chiến lược dài hơi, bài bản để cải thiện, chú trọng cho trồng rừng gỗ lớn. “Bởi nếu không tính xa hơn cho bài toán nguyên liệu chất lượng cao trong nước, ngành gỗ sẽ rất khó khăn” - ông Lê Ngọc Dũng nhận định.
Theo đó, đại diện HAWA kiến nghị cần tháo gỡ điểm nghẽn của đặc thù sản xuất, trồng rừng quy mô nhỏ. Cả nước hiện chỉ có trên 2,8 triệu ha rừng kinh tế, nhưng có hơn 1,4 triệu người trồng rừng. Bình quân đất rừng/hộ quá nhỏ khiến người trồng rừng phải lấy ngắn nuôi dài, chu kỳ rừng 4 - 5 năm đã phải khai thác.
“Cần những chính sách hỗ trợ về vốn, đồng thời nghiên cứu, tổng kết để cho ra đời đa dạng hơn giữa trồng rừng và kết hợp với các hoạt động kinh tế khác, làm sao trồng rừng không chỉ thu lợi từ gỗ, mà còn thu mang lại nhiều nguồn thu khác để tăng thêm thu nhập cho người trồng rừng” - ông Huỳnh Văn Hạnh hiến kế.