Trong thời gian gần đây thị trường khách sạn Đà Nẵng liên tục đón nhận nguồn cung mới – đặc biệt ở phân khúc 3-5 sao.
Trung tuần tháng 10/2018, một đoạn đường Võ Nguyên Giáp được mệnh danh là “con đường khách sạn” của Đà Nẵng vốn đã nhộn nhịp với khách du lịch lại càng nhộn nhịp hơn với sự kiện dự án TMS Luxury Hotel Da Nang Beach chính thức đi vào hoạt động.
Theo giới thiệu, dự án gồm 147 căn hộ khách sạn và 80 phòng khách sạn hạng sang, tiện ích chuẩn 5 sao và được chủ đầu tư giới thiệu là “Thiên đường nghỉ dưỡng trong lòng phố biển”.
Bùng nổ khách sạn
Trước đó, cũng trên tuyến đường này, khách sạn DLG Đà Nẵng đã đi vào hoạt động với 243 phòng, sáu nhà hàng và hai hồ bơi có trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại và được xếp hạng 5 sao. Ngược về phía trung tâm, theo một số nguồn tin, khách sạn 5 sao Hilton Đà Nẵng do tập đoàn Hilton Worldwide Hoa Kỳ quản lý và khai thác cũng sẽ khai trương trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu. Hiton Đà Nẵng có quy mô 29 tầng, bổ sung cho thị trường 223 phòng nghỉ cao cấp.
Đó mới chỉ điểm qua một vài dự án lớn. Bởi theo báo cáo của Savills, tính đến thời điểm tháng 8/2018, trên thị trường Đà Nẵng có 109 khách sạn 3 đến 5 sao với khoảng 12.900 phòng và trong nửa cuối năm 2018, hơn 1.400 phòng khách sạn 3 đến 5 sao sẽ gia nhập thị trường.
Báo cáo của CBRE cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, Sheraton Grand và FourPoints by Sheraton là hai thương hiệu của tập đoàn quản lý Marriot đã gia nhập thị trường khách sạn Đà Nẵng. Cùng với hai khách sạn này còn có thêm ba khách sạn 4 sao mới mở, một khách sạn 5 sao mở thêm một số phòng và ba khách sạn 3 sao, cung cấp cho thị trường tổng cộng 1.812 phòng.
Cũng theo CBRE, dự kiến sẽ có thêm 1.800 phòng được khai trương trong sáu tháng cuối năm 2018. Trong đó, sẽ có sự góp mặt của tập đoàn quản lý khách sạn 5 sao mới với thương hiệu Hilton, bổ sung thêm thương hiệu các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế phong phú ở thị trường Đà Nẵng.
Còn đến năm 2020, theo Sở Du lịch Đà Nẵng thành phố sẽ có hơn 920 cơ sở lưu trú với 45.631 phòng. Hàng loạt các dự án có quy mô lớn đang được xây dựng như Ariyana Beach Resort and Suites Danang với 68 biệt thự và 1.400 căn hộ, JW Marriot với 784 phòng, Golden Bay với 1.500 phòng trong giai đoạn 2…
“Giành khách” bằng cách nào?
Nguồn cung từ 3-5 sao tăng mạnh nhưng không phải vì vậy mà thị trường khách sạn Đà Nẵng gặp khó khăn. Theo thống kê của CBRE, trong những tháng đầu năm 2018, thị trường ghi nhận sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của các khách sạn là nhờ vào sự cải thiện về số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng, đặc biệt là lượng khách quốc tế.
Công suất phòng trung bình của các khối khách sạn 5 sao ven biển, 5 sao thành phố, 4 sao ven biển và 4 sao thành phố lần lượt là 66%, 61,0%, 63% và 62%. So với cùng kỳ năm trước, khối khách sạn 5 sao ven biển và 5 sao trong phố có mức tăng giá phòng trung bình đều hơn 10%, cao hơn so với khối khách sạn 4 sao.
Nguyên nhân dẫn đến những kết quả kinh doanh ấn tượng nói trên là do khách du lịch đến Đà Nẵng tăng đều qua các năm.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 6.519,3 nghìn lượt, tăng 27,7% so với cùng kỳ 2017. Trong đó khách quốc tế ước đạt 2.405,6 nghìn lượt, tăng 40%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3.447 nghìn lượt, tăng 5,3%, tương ứng với số ngày khách cơ sở lưu trú phục vụ là 5.038 nghìn ngày, tăng 8,8%.
Tổng doanh thu du lịch từ xã hội ước đạt 22.571,6 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 50,4% so với cùng kỳ 2017, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 14.043 tỷ đồng, tăng 12,3%.
Nói như vậy nhưng không có nghĩa khách sạn là thị trường “dễ ăn” với những nhà đầu tư tay mơ. Theo ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, phân khúc khách sạn 1-3 sao của Đà Nẵng đang chiếm thị phần lớn nhưng đa số đầu tư khá vội vàng, kinh doanh tự phát, thiếu định hướng. Chủ đầu tư phải có định hướng ngay từ đầu và nhắm đến một thị trường khách nhất định trước khi xây dựng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư hiện đang làm ngược, xây khách sạn rồi mới tìm thị trường, dẫn đến tình trạng hoạt động không hiệu quả.
Còn ông Nguyễn Thanh Hà – một nhà đầu khách sạn đang “ăn nên, làm ra” tại đường Võ Văn Kiệt cho rằng thị trường khách sạn 3-5 sao tại Đà Nẵng cũng phân chia thành 2 loại: Những khách sạn do các thương hiệu lớn, có tiếng khai thác; và chủ đầu tư tự quản lý, vận hành.
“Với những khách sạn do các thương hiệu lớn quản lý thì không phải lo do họ đã có một lượng khách nhất định từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Trong khi đó với những khách sạn do các chủ đầu tự quản lý, vận hành thì câu chuyện lại khác. Nếu không chú trọng vào chất lượng, giá cả, tiện ích, các chế độ hậu mãi… thì rất dễ “lên đường””, ông Hà nói.