Các nhà đầu tư hứng chịu “lỗ khủng” tại thị trường pizza ở Việt Nam, nhưng đây vẫn là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong số các hình thái chuỗi nhà hàng hiện nay với mục tiêu "lấy ngắn nuôi dài".
Lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 của Pizza Hut và The Pizza Company tại Việt Nam lên đến hơn 334 và 263 tỷ đồng, nhưng các khoản đầu tư lớn vẫn liên tục được rót vào thị trường này. Ngoài ra còn các thương hiệu khác cũng đang chạy đua để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam như 4P’s, Domino’s pizza,…
Vấn đề này qua con mắt của các doanh nghiệp Việt như thế nào? Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX, người đã từng đầu tư thành công chuỗi hoa Fancy Florist, chuỗi cửa hàng MaiFarm và có nhiều nghiên cứu thị trường về pizza.
- Ông đánh giá thế nào về thị trường pizza tại Việt Nam ở giai đoạn hiện nay ? Đâu là điểm hấp dẫn khiến các nhà đầu tư bỏ vốn, thưa ông?
Pizza hay bất kỳ một loại hình kinh doanh về đồ uống theo hình thức chuỗi đều là một trong những loại hình của ngành F&B (Food & Beverage). Có thể nói trong tầm 10 năm trở lại đây, lĩnh vực này đang phát triển cực nóng tại Việt Nam.
Chúng ta đã quá quen với các thương hiệu đình đám như Golden Gate, RedSun với các chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Vuvuzela, SumoBBQ, KingBBQ. Với Pizza thì người phương đông, châu Á như Việt Nam không phải là món ăn được đa số ưa thích nhất tuy nhiên đồ ăn này vẫn rất tiềm năng. Rõ ràng số lượng các thương hiệu, nhà hàng tăng nhanh trong những năm qua đã là câu trả lời rõ nét cho nhu cầu của món này tại Việt Nam.
Theo cá nhân tôi nhìn nhận, điểm hấp dẫn khiến các nhà đầu tư bỏ vốn vào trong lĩnh vực này đó là:
Thứ nhất, Việt Nam là nước đông dân với gần 100 triệu, dân số đông và trẻ đồng nghĩ với nhu cầu ăn uống hàng ngày là rất lớn. Thêm nữa Pizza là món được ưa chuộng trên khắp thế giới và với tốc độ du nhập văn hóa phương tây ngày một nhanh như hiện nay thì Việt nam thực sự là mảnh đất tiềm năng cho thị trường pizza.
Thứ hai, dân số Việt Nam đang ở vào thời kỳ trẻ, với thế hệ trẻ này, họ sẽ luôn có khả năng cập nhật và hướng tới toàn cầu hóa nhanh. Giới này sẽ biết, ăn và coi pizza là thói quen ăn uống khi về già. Đây cũng là một trong những điểm thú vị về tính dài hạn của thị trường dân số trẻ.
Thứ ba, thu nhập bình quân và mức chi tiêu cho cuộc sống của người dân Việt Nam đặc biệt là các thành phố ngày một cao lên. Các chuỗi nhà hàng pizza tập trung phần đông ở 2 thành phố chính là TP HCM và Hà Nội.
- Theo ông, việc kinh doanh cửa hàng theo chuỗi có những ưu và nhược điểm gì? Các thương hiệu có thể dễ và tốt ở quốc gia này nhưng lại khó và yếu ở quốc gia khác, cụ thể tại Việt Nam thì sao?
Kinh doanh chuỗi chưa bao giờ là dễ, nó đòi hòi sự đầu tư cả về tài chính lẫn nguồn lực nhân sự. Ở đây tôi chỉ nói trên góc độ của hai đối tượng: Người làm ra thương hiệu để kinh doanh và người đi thuê thương hiệu làm kinh doanh.
Đối với người làm ra thương hiệu thì sao? Ưu điểm của họ là dễ dàng thực thi mô hình kinh doanh nhượng quyền (franchise). Thu hồi vốn nhanh nếu mô hình nhượng quyền thành công. Quản lý thống nhất theo quy trình chuẩn, năng suất hoạt động cao. Tiết kiệm nhiều chi phí trong quá trình vận hành: Marketing, Quản lý, Chăm sóc khách hàng… Nhược điểm là chi phí đầu tư tạo dựng thương hiệu lớn, thời gian có thể kéo dài và ẩn chưa rủi ro cao. Dễ bị cạnh tranh và copy mô hình bởi nhiều đối thủ khác nếu tiềm lực tài chính không đủ.
Đối với người thuê thương hiệu nhượng quyền cũng có những ưu điểm nổi bật như tỷ lệ thành công cao, giảm thiểu rủi ro về đầu tư xây dựng thương hiệu mới, quy trình quản lý đã được chuẩn hóa, thương hiệu được khẳng định và công nhận trên thị trường. Được hỗ trợ tốt từ nhà nhượng quyền, được đào tạo và chuyển giao kiến thức và vận hành. Sức mua cũng sẽ tốt hơn, thực phẩm, nguồn nguyên liệu có thể mua được từ gốc và rẻ hơn so với các nhà cung ứng khác.
Tuy nhiên nhược điểm là đầu tiên họ phải là bỏ ra một lượng tài chính lớn để thuê nhượng quyền thương hiệu, tiếp đó là bản thân người kinh doanh sẽ phải tuân theo các quy định, trình tự và cách thức quản lý của phía sở hữu thương hiệu, thiếu sự sáng tạo và đột phá trong kinh doanh. Nhìn chung nếu đã kinh doanh theo hình thức chuỗi thì sẽ thường máy móc và phải tuân thủ những quy định mang tính hệ thống của một thương hiệu được xây dựng và phát triển theo thời gian.
Nói về tính vùng miền thì việc thương hiệu mạnh ở vùng này và yếu ở vùng khác là chuyện bình thường, ví ngay như tại Việt Nam thôi chuỗi Phúc Long ở miền Bắc không nhiều người biết và dùng thì vào Sài Gòn cửa hàng nào cũng xếp hàng chật kín, McDonald’s, Burger King thành công ở rất nhiều nước nhưng mãi cũng chưa bật dậy được ở Việt Nam… Đơn giản là sở thích thị hiếu tiêu dùng ăn uống của mỗi quốc gia là khá nhau.
Chính vì vậy những nhà kinh doanh phát triển chuỗi rất cần hiểu “Insight” của khách hàng theo đặc điểm vùng miền để có chiến lược phù hợp và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Đơn cử như người Việt thích ăn bánh mỳ, ăn nhanh, họ sẽ thích mua một tô phở ngay ngoài đường, ăn một cái bánh mỳ nhanh gọn, vừa ngon vùa rẻ tại nhiều nơi trên đường phố thay vì họ vào McDonal’s hay Burger King để dùng món fastfood này.
- Theo các báo cáo ghi nhận, các “ông lớn” đầu tư vào thị trường pizza những năm qua luôn chịu “lỗ khủng” nhưng vì sao họ vẫn bơm tiền để giành thị phần? Vẫn biết thị trường có “nạc” có “xương”, quan điểm của ông thế nào về việc lấy "nạc" nuôi "xương"?
Khi bạn mở một cửa hàng Offline hay Online, trong những ngày đầu, cái bạn hướng tới không phải là số tiền lãi thu về mà là “Khách hàng”, càng nhiều khách hàng quen, tiềm năng biết và dùng sản phẩm của mình thì càng tốt. Về lâu dài khách hàng chính là tài sản vô giá của doanh nghiệp.
Xác định kinh doanh chuỗi là mô hình lâu dài, ngày nay đa phần mô hình này chuyển hướng về mục tiêu dài hạn là tạo dựng một Hệ sinh thái (Ecosystem), hệ sinh thái về địa lý, về sản phẩm, khách hàng. Một ví dụ đơn giản như chuỗi café Highland, The Coffeehouse ban đầu là đồ uống, café rồi sau đó lan sang bánh ngọt, bánh ngọt đó họ không làm mà họ liên kết với thương hiệu khác làm nhà cung cấp như Nguyễn Sơn chẳng hạn, hay chuỗi Tropical Forest thì lồng với café là bán cây xanh… Tất cả những thứ đó tạo ra một hệ sinh thái và nó sẽ lan tỏa đến một tập khách hàng ngày một lớn, rộng về mặt địa lý cũng như sản phẩm.
Vì vậy quan điểm của tôi là các ông lớn thừa hiểu giai đoạn đầu tư có thể lỗ khủng về mặt tài chính (lợi nhuận âm) nhưng cái mà họ cần chính là tập khách hàng, là hệ sinh thái sau này. Phần nữa là khi thị trường với các chỉ số rất tiềm năng thì việc họ đầu tư cũng là để gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường. Ví dụ họ có thể lỗ 100 triệu đô nhưng giá trị thương hiệu lại tăng 200 triệu đô, xét về mặt đầu tư thì vẫn có lãi, đơn cử như bài toán của Tiki – sàn thương mại điện tử như vừa qua.
Về quan điểm “nạc”, “xương” thì cá nhân tôi nghĩ rằng mỗi nhà đầu tư họ đều có triết lý kinh doanh riêng, người ăn xổi, người nuôi dài, chiến lược có thể là “Think Big, start small, move fast” cũng có thể là “Quick start, quick move and quick gain”… Tôi thì đồng quan điểm là mô hình chuỗi pizza nên là định hướng lâu dài, chiếm lĩnh thị phần, nâng cao giá trị thương hiệu, chiến lược “lấy ngắn nuôi dài” các nhà đầu tư nên coi xây hệ sinh thái là “xương” nhất và nhượng quyền thương hiệu, huy động vốn nhanh với dòng tiền ổn định, doanh thu tăng trưởng cao hàng năm sẽ là phần “nạc” mà hầu hết mọi người đang hướng tới.
- Ông có nhận định thế nào về diễn biến của thị trường trong giai đoạn tới? Nhất là bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gì để cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài ngay trên sân nhà?
Tôi đánh giá thị trường sẽ ngày một nóng và sôi động với tính cạnh tranh sẽ tăng cả về chất và lượng. Về bản chất thị trường rất công bằng và nó đòi hỏi mọi mô hình kinh doanh cần rất linh hoạt, với sự biến động và thay đổi nhanh như hiện nay cùng tốc độ toàn cầu hóa dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì tôi nghĩ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhiều lợi thế nhất định khi họ dần hiểu và tiếp cận thị trường Việt Nam dễ và sâu hơn. Với tiềm lực tài chính dồi dào, ứng dụng công nghệ cao tôi tin là sẽ nhiều thương hiệu GLOBAL thâm nhập và chiếm lĩnh khá lớn thị phần tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên không vì thế mà các doanh nghiệp Việt không có cơ hội, nếu biết tận dụng các yếu tố lợi thế trong nước thì nó lại là điểm mạnh, chúng ta đã có chuỗi Highland, Trung Nguyên, The Coffeehouse vô đối cho dù Starbucks hay Burger King vẫn miệt mài phát triển và trụ lại. Chúng ta có Golden Gate, Ngon, Redsun, Cuon & Rolls, Món Huế, xa hơn trong ngành bán lẻ thì Vinmart, Sói Biển vẫn sống khỏe, sống tốt với các đối thủ xứng tầm như BigC, AuChan, Metro… Vì vậy vẫn luôn có “đại dương xanh” cho doanh nghiệp Việt để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trên đất nhà.
- Xin cảm ơn ông!