Chiến trường thương mại điện tử khốc liệt, nhiều cái tên như Robins Online (Central Group), vuivui.com (Thế Giới Di Động) và mới đây là Adayroi… đã nói lời chia tay để nhường lại sân chơi.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử cho rằng, cạnh tranh thương mại điện tử rất khốc liệt, các sàn đầu tư vào thua lỗ rất nhiều nên việc thay đổi cơ cấu, chiến lược kinh doanh là đương nhiên.
Hàng loạt trang web thương mại điện tử đóng cửa
Tập đoàn Vingroup chính thức công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp – công nghệ. Trong đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.
Theo số liệu của iPrice, lượng truy cập của Adayroi đạt khoảng 6-7 triệu lượt/quý, đứng sau các tên tuổi lớn khác trong ngành như Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo.
Ngay sau khi Vingroup công bố chính thức rút khỏi mảng bán lẻ, CEO Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam là có tiềm năng phát triển rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp đều chấp nhận thua lỗ ban đầu khi đầu tư vào thương mại điện tử để thâu tóm thị phần. Ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như: Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ.
Thực tế, khi phát triển Adayroi, mục tiêu đầu tiên của của Vingroup là tạo ra một nền tảng hỗ trợ đắc lực cho hệ sinh thái mà Vingroup đã xây dựng được.
"Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế", ông Quang cho biết.
Việc một trang thương mại điện tử nào đó bất ngờ dừng cuộc chơi đã không còn là câu chuyện hiếm.
Ví dụ như vào cuối tháng 3/2019, sàn thương mại điện tử thời trang Robin Online, tiền thân là Zalora, cũng bất ngờ tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng. Theo số liệu của iPrice, trong quý IV/2018, Robins.vn website thương mại điện tử về thời trang có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam với hơn 965.000 lượt mỗi tháng.
Kể từ thời điểm đóng cửa, Zalora đã gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam được 7 năm, và 3 năm trước bị thâu tóm về tay của đại gia Thái Lan – Central Group. Central Group đã mua lại Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim từ năm 2016, đổi tên sàn thương mại điện tử này thành Robins, đồng nhất với thương hiệu bán lẻ truyền thống của tập đoàn.
Ở thời điểm đóng cửa, Robins Online khiến nhiều khách hàng cảm thấy cực kỳ bất ngờ và hụt hẫng. Một số khác cũng tỏ ra lo lắng về phương án xử lý số tiền ảo vẫn nằm trong ví điện tử của trang này. Phía Robins Online sau đó đã hoàn lại tiền cho khách hàng vào tài khoản ngân hàng và sau thời điểm đóng cửa, bộ phận chăm sóc khách hàng vẫn hoạt động để hỗ trợ.
Trước Robins.vn vài tháng, trang TMĐT Vui Vui.com của Thế giới Di Động cũng nói lời chia tay sau 2 năm hoạt động.
Vuivui.com là website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng), được Thế giới Di động thành lập từ năm 2017. Từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, kỳ vọng có thể đạt doanh thu vượt chuỗi cửa hàng Thế giới Di động sau 5 năm. Công ty này cũng không giấu tham vọng dẫn đầu ngành thương mại điện tử với đích đến vào năm 2020, cùng với đó là kế hoạch trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên năm 2017 của công ty, doanh thu trong năm của kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com chỉ dừng ở mức khiêm tốn 73 tỷ đồng. Con số này chỉ tương đương khoảng 0,1% tổng doanh thu của Thế giới Di Động trong năm 2017. Sau 2 năm hoạt động, trang thương mại điện tử của Thế giới Di Động đã đóng cửa khi mới đi chưa được nửa chặng đường đề ra theo kế hoạch ban đầu.
Trước đó, thị trường TMĐT Việt Nam cũng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt trang web như Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn... Trước khi dừng hoạt động, Beyeu.com - một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư - còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại".
"Cuộc chiến" khốc liệt
Lời nhắn nhủ của Beyeu.com phản ánh đúng thực trạng của thị trường TMĐT Việt Nam - khi tài chính cạn kiệt, các doanh nghiệp thiếu tiềm lực đành dừng cuộc chơi.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang được xem là cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thế giới. Cạnh tranh bằng cách... “đốt tiền” được xem là một trong những đặc trưng của các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay.
“Đốt tiền”, nhưng không trường vốn, thì sớm muộn cũng “chết”. Sàn TMĐT Lingo là một điển hình. Lingo.vn được trình làng từ năm 2011, đến tháng 8.2016 Lingo âm thầm đóng cửa với khoản tiêu tốn được cho là lên đến khoảng 150 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm
13:47, 18/12/2019
14:02, 18/12/2019
04:21, 10/12/2019
06:22, 06/12/2019
Vào thời điểm Lingo đóng cửa, các sàn TMĐT lớn nổi lên tại thị trường Việt Nam có Lazada, Tiki, Sendo, Shopee... với tiềm lực tài chính mạnh hơn rất nhiều, chủ yếu đến từ các khoản vốn gọi được từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Đơn cử, Lazada của tập đoàn Rocket Internet (Thụy Điển) sau đó được bán lại cho Alibaba và đến nay đã được đầu tư vào tới vài tỉ USD. Sendo có các khoản đầu tư trước và sau từ các đối tác Nhật lên đến cả trăm triệu USD.
Tiki có cả ngàn tỉ đồng rót từ Cty VNG của Việt Nam và sàn TMĐT trong Top 3 tại Trung Quốc là JD.com. Shopee được Cty mẹ SEA từ Singapore rót thêm vốn điều lệ trong sáu tháng đầu năm 2018 thêm 50 triệu USD...
Đầu tư vào các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam hiện nay cũng được xem là “ngồi trên lưng cọp” và chấp nhận cái bẫy không thể rút ra được. Bởi nếu muốn rút ra trong khi sàn vẫn đang thua lỗ thì giá trị các khoản đầu tư trước đó có thể trở về con số 0. Chính vì thế, buộc nhà đầu tư phải tiếp tục rót vốn vào để bảo toàn giá trị đầu tư trước đó hoặc tìm mối bán lại với giá chấp nhận được.
Sau những năm “chinh chiến” trong “đấu trường” TMĐT khốc liệt của Việt Nam, không ít người đã rút ra bài học là không thể nằm trong tốp dẫn đầu nếu không “đốt tiền”.
Nói về cuộc chiến trên thị trường bán lẻ, ông Trần Trọng Tuyến – Tổng thư ký hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết: "Không ai biết trước sẽ có thêm một hay một vài cái tên mới xuất hiện hay ra đi nhưng chắc chắn cuộc chiến 'đốt tiền' giữa các công ty vẫn sẽ tiếp diễn”.
Với dân số hơn 97 triệu người cùng lượng người dùng smartphone tăng nhanh, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn đối với các công ty TMĐT.
Theo báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của VECOM, quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.
Ông Trần Trọng Tuyến cho rằng, để giúp một trang TMĐT phát triển, ngoài tài chính dồi dào, thế lực đứng đằng sau (nhà đầu tư) cũng là một trong những yếu tố quyết định.
“Dòng tiền có thể ví như dòng máu nuôi dưỡng cơ thể. Ngoài ra, để làm nên kỳ tích cần có một chiến lược đủ dài, đủ rộng để bỏ xa các đối thủ”, ông Tuyến chia sẻ quan điểm.