Thị trường ví điện tử: Cuộc chiến khốc liệt khi “trăm hoa đua nở”

Linh Nga 01/04/2019 11:10

Được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng giống như ngành thương mại điện tử, hiện tại thị trường ví điện tử đang phải chạy đua "đốt tiền" để thu hút khách hàng.

Grab và Moca vừa thông báo ví điện tử GrabPay by Moca bổ sung thêm tính năng thanh toán hóa đơn điện, hóa đơn nước và hóa đơn điện thoại trả sau. Với tính năng này, người dùng có thể thanh toán các loại hóa đơn một cách nhanh chóng, tiện lợi mà không cần đến điểm giao dịch, không phải xếp hàng chờ đợi hay thực hiện các thao tác chuyển khoản phức tạp.

Đây là lĩnh vực lâu nay nằm trong tay nhiều ví điện tử khác như MoMo, ZaloPay, Payoo,… nhưng bây giờ đã có một “kì lân công nghệ” nước ngoài tham gia vào thông qua hợp tác với ví điện tử Moca.

Như vậy, chỉ 6 tháng sau khi chính thức triển khai hợp tác chiến lược giữa Grab và Moca, ví điện tử GrabPay by Moca đã có thể được dùng để thanh toán cho các dịch vụ Grab gồm GrabCar, GrabBike, GrabExpress, GrabFood; chuyển tiền giữa các ví điện tử cho nhau (P2P) ; thanh toán tại cửa hàng (P2M) ; nạp tiền điện thoại di động (Mobile top-up), mua mã thẻ cào điện thoại và thanh toán hóa đơn .

Moca cũng đã thành công trong việc nâng số ngân hàng liên kết với dịch vụ ví điện tử lên gấp 4 lần so với thời điểm mới triển khai, lên đến 14 ngân hàng bao gồm ACB, BIDV, HDBank, MBBank, MSB, OCB, Sacombank, SCB, SHB, Shinhan Bank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank và 1 ngân hàng số Timo của VPBank.

Thị trường thanh toán không dùng tiền mặt là mảnh đất màu mỡ mới được khai phá bước đầu, tiềm năng còn rất lớn. Theo số liệu thống kê, tại thị trường Việt Nam hiện có khoảng 20 ví điện tử đã được cấp phép, gồm: MoMo, ZaloPay, Payoo, Mobiví, Bankplus, 1Pay, Ví Việt, VTC Pay, Moca, WePay, Ngân Lượng, VnMart, Pay365, TopPay,… Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, thanh toán tại quầy, thanh toán tiêu dùng online được thực hiện chủ yếu qua MoMo, ZaloPay, Payoo,…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thị trường Việt Nam vào năm 2013 có 1,84 triệu người sử dụng ví điện tử, và dự báo đến năm 2020 sẽ đạt 10 triệu người dùng. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm 2019, phía MoMo cho biết đã đạt lượng 10 triệu người đăng kí sử dụng dịch vụ.

Thị trường ví điện tử tại Việt Nam lâu nay khá bình yên với dư địa còn khá nhiều vì tỉ lệ người dân chưa dùng ví còn khá lớn. MoMo đang có thế mạnh tài chính vì mới được đầu tư một khoản được cho là lên đến khoảng 50 triệu USD vào nửa cuối năm 2018.

Trong khi đó, ZaloPay dù có sự hậu thuẫn của “ông lớn” Internet VNG nhưng vì mới ra đời cho nên lượng người dùng chưa nhiều lắm.

Còn Payoo, một phần chuyển hướng vào cung cấp giải pháp thanh toán tại quầy cho các doanh nghiệp bán lẻ chứ không còn mặn mòi thu hút người dùng đầu cuối.

Sau khi hợp tác với Grab và chính thức nhảy vào lĩnh vực thanh toán hóa đơn các dịch vụ đời sống hàng ngày, Grab by Moca nghiễm nhiên mở ra thêm một “mặt trận” đấu trực diện với MoMo, ZaloPay,… Từ sự tham gia này, cục diện cạnh tranh trên thị trường trung gian thanh toán cho người dùng đầu cuối thông qua ví điện tử sẽ trở nên quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi “trăm hoa đua nở”, hệ thống ví điện tử sẽ có sự sắp xếp lại. Bởi trong cuộc cạnh tranh này, nhiều ví điện tử đang tồn tại theo kiểu “giành mâm” chờ thời cơ. Vì thế, khi ngày càng có nhiều ông lớn ngân hàng, công ty viễn thông và cả doanh nghiệp nước ngoài tham gia, những ví điện tử chưa tạo được dấu ấn sẽ đối mặt với nhiều áp lực bị thâu tóm, sáp nhập, thậm chí phải đóng cửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường ví điện tử: Cuộc chiến khốc liệt khi “trăm hoa đua nở”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO