Động thái này được cho là để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng của thị trường nội địa Trung Quốc và hàng rào thuế quan nghiêm khắc của Châu Âu.
Trong một tuyên bố ngày 14/11/2024, ông lớn ngành xe hơi Trung Quốc Geely Holding Group quyết định hợp nhất thương hiệu Lynk & Co và Zeekr để tinh giản các mảng kinh doanh cốt lõi. Tuyên bố khẳng định việc sáp nhập nhằm “giúp hai thương hiệu đẩy nhanh phối hợp công nghệ, hợp lý hóa danh mục sản phẩm, thúc đẩy phát triển nhân lực để đạt được doanh số bán hàng toàn cầu tốt hơn.” Sau thông báo này, cổ phiếu Zeekr tăng 12% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ở thị trường New York.
Động thái sáp nhập của Geely diễn ra khi họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nội địa, cũng như thuế quan cao ở Châu Âu. Độ phủ xe điện của quốc gia tỷ dân này đã vượt quá mốc 60%. Tuy nhiên, khi cuộc chiến về giá ngày càng gia tăng, một số công ty lâm đã vào tình trạng dư thừa công suất và mất khả năng thanh toán.
Sau khi tái cấu trúc, Zeekr sẽ sở hữu 51% cổ phần của Lynk & Co. Đây vốn là phần do Geely Holding và Volvo Car (đã được Geely mua lại năm 2010) nắm giữ. 49% còn lại vẫn nằm trong tay Geely Automobile Holdings (Geely Auto), công ty con của Geely Holding Group. Đổi lại, Geely Auto tăng tỷ lệ cổ phần tại Zeekr lên khoảng 62,8%.
Trong hội nghị ngày 14/11, ông Gui Shengyue, giám đốc điều hành cấp cao tại Geely chia sẻ rằng, nếu hai thương hiệu không hợp nhất, chính họ sẽ phải cạnh tranh với nhau, dẫn đến những khoản đầu tư vô nghĩa và tác động tiêu cực đến Geely Auto, cổ đông lớn của cả hai.
Ông phát biểu: “Sáp nhập là điều bắt buộc khi thị trường nội địa đang nóng lên. Chúng ta cần nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách tăng quy mô”.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Geely thông báo sẽ tập trung hơn vào mảng xe hơi, bao gồm các chiến dịch nằm định vị phân khúc rõ ràng cho từng thương hiệu đồng thời cắt giảm các khoản đầu tư dư thừa.
Lynk & Co ra đời năm 2017 dưới hình thức liên doanh giữa Geely Auto Group và Volvo Car Group. Bán xe với mức giá bắt đầu từ 200.000 NDT, công ty hướng đến cạnh tranh với những dòng xe ngoại cao cấp ở trong nước và từ từ tiến ra nước ngoài. Kể từ khi thành lập, Lynk & Co bán được hơn 1 triệu chiếc bao gồm xe nhiên liệu, xe hybrid và xe điện toàn phần. Tuy nhiên thương hiệu này khá chậm chạp trong việc ra mắt xe điện toàn phần. Đến đầu năm nay, họ mới cho ra mắt mẫu xe đầu tiên.
So sánh để thấy độ trễ, có thể lấy ví dụ Zeekr đã ra mắt xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2021. Công ty bàn giao 55.000 chiếc trong quý 3, ghi nhận doanh thu 18,36 tỷ NDT (2,54 tỷ đô), tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trên mỗi xe là 15,7%, tốt hơn một chút so với quý trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức 18,1% ghi nhận hồi năm ngoái. Họ chính thức lên sàn chứng khoán New York từ tháng 5. Dù kinh doanh tiến triển, thế nhưng Zeekr vẫn đang chịu lỗ giống hầu hết các công ty xe điện Trung Quốc khác, với con số 1,14 tỷ NDT trong quý 3.
Trong khi đó, Lynk chuyển sang giai đoạn có lãi ở quê nhà, nhưng thua lỗ ở Châu Âu. Ông Gui nói rằng điều này cho thấy “các công ty Trung Quốc non kinh nghiệm ra sao khi đem chuông đi đánh xứ người”. Để cải thiện, Lynk sẽ tăng cường hợp tác với Volvo ở thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn là miếng bánh khó nuốt, đặc biệt về thuế. Hồi tháng trước, Liên Minh châu Âu vừa bỏ phiếu để áp đặt thuế bổ sung từ 17% đến 35,3% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là còn chưa kể thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10%. Đối với Geely, tổng mức thuế họ phải chịu lên đến 28,8%.
Tháng trước, Geely phủ nhận các cáo buộc nói rằng họ đàm phán riêng với Ủy ban châu Âu về thuế quan, đồng thời cam kết luôn “ủng hộ các cuộc đàm phán toàn ngành và đóng góp tích cực để bảo vệ lợi ích chung của ngành”.
Từ tháng 7 đến tháng 9, doanh thu Geely tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 60,4 tỷ NDT. Lợi nhuận trong quý 3 đạt 2,5 triệu NDT, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước. Geely tuyên bố bán được 1,72 triệu chiếc xe trong năm nay, đạt 86% tổng mục tiêu doanh hằng năm. Họ sẽ tiếp tục mở rộng ra nước ngoài, đặt chân đến các thị trường Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.