Được ví như “thiên đường giữa biển”, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên độc đáo với sự hòa quyện giữa núi, biển...
Huyện đảo Lý Sơn còn lưu giữ được nhiều lễ hội đặc sắc như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, hội đua thuyền, lễ hội đình làng An Hải...
Những năm qua, Lý Sơn đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch để ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức các hoạt động thể thao quy mô cấp quốc gia, quốc tế tại huyện đảo, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Mô hình du lịch cộng đồng ở Lý Sơn đang phát triển mạnh. Toàn huyện hiện có 129 cơ sở kinh doanh lưu trú đang hoạt động, trong đó có 11 khách sạn, 52 nhà nghỉ, gần 70 hộ kinh doanh dịch vụ homestay... Các cơ sở lưu trú ngày càng được đầu tư hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.
Nhờ những nỗ lực trên mà ngành du lịch Lý Sơn ngày càng khởi sắc. Lượng du khách đến đảo tăng bình quân 15 -20%/năm. Riêng năm 2019, Lý Sơn đón gần 265 nghìn lượt khách, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế.
Có thể nói, dịch vụ du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đảo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, ngành Du lịch Lý Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của huyện đảo này.
Dịch vụ du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Lý Sơn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên đảo.
Để phát triển du lịch bền vững, đưa ra các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch phong phú và đa dạng... đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, Lý Sơn đang quan tâm giải quyết “bài toán” về môi trường, tạo ra mô hình du lịch xanh, thân thiện.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, để xây dựng Lý Sơn "xanh - sạch - đẹp" trong mắt du khách, chính quyền huyện đã triển khai hàng loạt các biện pháp như: vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, xử lý môi trường tại các điểm di tích, thắng cảnh; mở rộng và tăng công suất thu gom, xử lý rác thải.
Trong chiến lược phát triển du lịch, Lý Sơn tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và ưu tiên bố trí ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ, du lịch, xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của địa phương; ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng để người dân tham gia quản lý và hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh này; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, tạo dựng thương hiệu, uy tín cho du lịch Lý Sơn...
Huyện Lý Sơn cũng sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch vẻ đẹp, đặc trưng về thiên nhiên, văn hóa và con người đất đảo, thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư, cùng chung tay phát triển du lịch, đưa hoạt động du lịch đi vào nền nếp, hướng tới phát triển du lịch bền vững; chú trọng gìn giữ tài nguyên, môi trường, bảo tồn các di sản văn hóa, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch. Ngoài ra, Huyện đang kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các sản phẩm du lịch sạch trên đảo, đầu tư các hạng mục du lịch trên cơ sở giữ nguyên vẹn giá trị di sản địa chất, địa mạo...
Theo bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, Lý Sơn nằm trong quy hoạch “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ hội để Lý Sơn phấn đấu trở thành “hạt nhân” của Khu du lịch Quốc gia.
Ông Lê Văn Ninh cho biết, mục tiêu của huyện đến năm 2025, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...
Huyện đảo Lý Sơn phấn đấu đón trên 400.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 10.000 lượt; tổng thu từ du lịch chiếm 20% GDP của huyện”, ông Ninh nhấn mạnh và cho biết thêm, Lý Sơn phấn đấu đến năm 2025, lĩnh vực du lịch có vị trí quan trọng trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng sống cho người dân và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mảnh đất giao thoa của các nền văn hóa lớn
Lý Sơn có diện tích gần 10km2, nhưng chứa trong lòng một kho tàng di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, địa chất, địa mạo đặc sắc. Trải qua hàng triệu năm kiến tạo, Lý Sơn khoác lên mình một tuyệt tác thiên nhiên làm mê hoặc lòng người. Trên địa bàn huyện có 10 miệng núi lửa đã tắt, độc đáo nhất là hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới. Ngoài ra, còn có trầm tích núi lửa, cổng đá và cả “nghĩa địa” tàu cổ đắm dưới nước.
Lý Sơn còn là mảnh đất hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa lớn là văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh và Đại Việt. Dấu tích xưa vẫn còn lưu giữ qua rất nhiều di tích văn hóa, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc. Trong đó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nơi đây còn lưu giữ những tài liệu, bằng chứng quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, Lý Sơn còn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, với sản phẩm tỏi có hương vị rất riêng...