Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện tại.
>>Mất điện và những câu chuyện
Dự báo trong tháng 6 và tháng 7, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn, cộng với mùa khô thêm 1 tháng sẽ khiến áp lực cấp điện gia tăng. Thành thử câu chuyện “thiếu điện đến bao giờ và giải pháp nào để giải bài toán thiếu điện” đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành Miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng Hà Nội, điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 8/6, mức tiêu thụ bình quân đạt hơn 85,6 triệu kWh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu điện được chỉ ra như: Sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực Miền Trung – nơi có nhu cầu dùng điện thấp và Miền Nam cũng gây mất cân bằng cung – cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải, gây ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm.
Đây cũng là lý do nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại Miền Bắc vẫn thiếu. Hoặc một số nhà máy nhiệt điện than đang gặp sự cố, cơ chế thị trường, chính sách..v..v.
Thực tế cho thấy, thủy điện – một trong hai nguồn điện chính cung ứng cho Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đang sụt giảm huy động do hạn hán, các hồ thủy điện cạn nước. Theo Bộ Công Thương, hiện có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện, trong đó 5 nhà máy ở Miền Bắc phải dừng là Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang. Đây là lý do gây thiếu hụt công suất điện cho miền Bắc khoảng 5.000 MW.
Không mấy ngạc nhiên, khi thiên nhiên ngày càng quay lưng lại với con người, hạn hán khốc liệt và dai dẳng vì El Nino khiến cho nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam những ngày này tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến như xứ ôn đới châu Âu hiện cũng đang cháy hàng máy lạnh.
Cũng không ngạc nhiên, khi sông Đà - nguồn cung cấp nước chính cho hầu hết thủy điện lớn tại phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình giờ đã trơ đáy. Lòng sông rộng 700 mét, nay chỉ khoảng 50 mét còn đọng nước. Nên những ngày qua, hàng loạt thủy điện lớn ở miền Bắc lần lượt thất thủ.
Có điều, hiện tượng thiếu điện do thời tiết khắc nghiệt không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam. Khách quan hơn, xin dẫn dữ liệu của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho hay từ đầu tháng 4 tới cuối tháng 5, nhiệt độ ở 6 quốc gia Đông Nam Á đã gần mức 40 độ C trở lên mỗi ngày. Đây là ngưỡng nhiệt được coi là nguy hiểm, đặc biệt với người có bệnh nền hoặc người chưa trải qua nắng nóng khắc nghiệt.
Hoặc theo World Weather Attribution (WWA) - Liên minh các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu thời tiết thế giới, hồi tháng 5 công bố báo cáo cho thấy Đông Nam Á vừa trải qua đợt nắng nóng dữ dội nhất trong 200 năm qua, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Theo ước tính của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), công suất khả dụng của tất cả nguồn ở Miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500-24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. Nguy cơ thiếu điện tại hầu hết giờ trong ngày.
>>Thiếu điện… vì đâu?
>>Hàng hóa “ùn ứ”, sản xuất “ngưng trệ”, doanh nghiệp “kêu cứu” vì thiếu điện
>>Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?
Trước sức “nóng” của điện, ngày 8/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra Chỉ thị về “tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp”. Đáng chú ý, nếu người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan đơn vị… nghiêm túc thực hành tiết kiệm điện thì mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nên nhìn vấn đề một cách thực tế là đang thiếu điện và cần giải pháp, thay vì tính cơ cấu nguồn điện như thế nào, giá điện tái tạo ra sao và cần xử lý vấn đề gặp phải trong tổng thể, sau đó mới tính cân bằng về cơ cấu nguồn.
“Cái chúng ta nhìn thấy thiếu hụt là cơ hội đầu tư, kinh doanh, là cơ hội phát triển chứ không phải là nút thắt để kìm hãm sự phát triển. Cần thay đổi cách thức làm chính sách, vận hành chính sách, xử lý vấn đề, còn không vẫn tiếp tục trì trệ” - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Điều này cũng có nghĩa, các nhà làm chính sách phải nhìn nhận đúng vấn đề thực tiễn. Bởi vì theo chuyên gia chỉ ra rằng “Việt Nam đang phải làm một quy hoạch điện quá xa nên không sát với thực tế. Theo quy định của Luật Quy hoạch thì phải sau 10 năm mới có sự điều chỉnh…”. Trong khi thực tế đang thay đổi chóng mặt. Cũng như cơ chế về giá than, giá khí, chi phí mua điện theo giá thị trường nhưng lại đang khống chế giá bán theo quy định hiện hành…
Có thể nói, vấn đề điện không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, mà còn tác động lớn đến tình hình sản xuất - kinh doanh và lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nên câu hỏi: “Thiếu điện đến bao giờ” là bài toán thật sự khó giải lúc này.
Và việc hưởng ứng Chỉ thị về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của Thủ tướng là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng thời điểm này. Nhưng giải pháp căn cơ thì phải thay đổi tư duy chính sách, tăng cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp muốn đầu tư về điện.
Nói gì thì nói, thực tế cuộc sống chính là thước đo chính xác nhất về hiệu quả mọi chính sách của một quốc gia. Hình ảnh người dân, doanh nghiệp cả nước vật vã với điện những ngày qua, chính là một thứ ampe kế mà vạch kim màu đỏ đã chỉ rõ cần có tư duy chính sách mang tính thị trường thực sự với ngành điện.
Có thể bạn quan tâm
18:14, 11/06/2023
04:00, 11/06/2023
00:30, 10/06/2023
04:00, 09/12/2022
01:02, 21/05/2022