Thiếu điện là bài học sâu sắc của EVN

NGUYỄN THU HÀ 04/03/2024 15:30

EVN đã chủ động dự báo nhu cầu điện, xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, vùng, miền bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định.

>>EVN không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp điện

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt xấp xỉ 80.555MW, tăng gần 2.800 MW so với năm 2022, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664 MW và chiếm tỷ trọng 27%, tua bin khí và dầu chiếm 10,3%, nhiệt điện than chiếm 33,2% và thủy điện là 28,4%.

Đáng chú ý, nguồn của EVN chiếm 37,3%, TKV và PVN là 10%, còn lại là nhà đầu tư tư nhân và BOT.

Với cơ cấu nguồn như vậy, ngoài nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo giá thành tương đối ổn định, còn lại trên 43% nguồn điện giá biến đổi theo giá than, giá khí và dầu, ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện và giá thành của EVN.

Trong khi đó, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56%. Điện sản xuất và mua của EVN là 271,1 tỷ kWh, tăng 3,45% (trong đó điện sản xuất của các nhà máy điện thuộc Công ty mẹ EVN chiếm xấp xỉ 14,7%, các Công ty mua bán điện (GENCO) chiếm khoảng 27,8%, mua của các nguồn ngoài chiếm 57,4%)...

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trao đổi tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp nhà nước với Thường trực Chính phủ mới đây, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau 69 năm phát triển, ngành điện Việt Nam có một quy mô hệ thống điện đứng số 1 Đông Nam Á. Sản lượng điện tăng nhiều năm liên tục, từ 2010 đến 2019, tốc độ tăng trưởng điện là 10,35%.

Riêng năm 2023 tăng 4,56%, sản lượng điện cả nước là 280,6 tỉ kWh. Khối lượng đầu tư của EVN đạt 90.997 tỉ đồng, giải ngân được 87.545 tỉ đồng, cao nhất khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng thừa nhận việc để xảy ra thiếu điện tháng 5 đầu tháng 6 năm 2023, dù chỉ 2 - 3 ngày tại miền Bắc, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. "Đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới", ông An nêu.

>>Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi EVN tăng giá điện?

Chia sẻ với báo chí về kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2024, Tập đoàn dự kiến điện thương phẩm năm từ 262,26-269,3 tỷ kWh; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6,05%; kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 101.911 tỷ đồng cũng như phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Do vậy, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%, tập đoàn đã chủ động trong công tác dự báo nhu cầu điện, theo dõi sát diễn biến nhu cầu điện trong năm 2024 để phối hợp xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, vùng, miền bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định.

Cùng với đó, EVN sẽ chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện ngay từ đầu năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Tập đoàn sẽ chủ động tích cực, kịp thời hơn nữa việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường và tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. không để lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan,” ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ngoài ra, EVN cũng đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện, như: dự án thủy điện Ialy mở rộng (quý 4/2024) và 2 dự án điện Mặt Trời Phước Thái 2, 3 (Quý 2/2024). Đẩy nhanh thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng (hoàn thành 2025) và nhiệt điện Quảng Trạch I (phát điện tổ máy năm 2026), cũng như khởi công các dự án nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái trong năm 2024...

Công nhân EVN.

Công nhân EVN.

EVN phấn đấu hoàn thành 190 dự án lưới điện từ 110-500kV, trong đó tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành ĐZ 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch-Phố Nối tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu đặt ra là vậy, song, người đứng đầu EVN cũng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn như việc khó cân đối được tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào (như giá nhiên liệu, tỷ giá, ...). Việc đảm bảo cung ứng điện gặp khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn; việc đảm bảo nhiên liệu (than, khí...) vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; mất cân đối trong cân đối cung-cầu giữa các miền…

Đại diện ngành điện kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025; Xem xét, phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn 2021-2025 và Đề án tách A0 thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sau khi Ủy ban Quản lý vốn trình.

Năm 2024, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt như đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6.5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Đại diện ngành điện cũng kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; Sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu 225MW nguồn điện tại Lào (EVN đã trình Bộ Công Thương)…

Được biết, trước đó, báo cáo của EVN cũng đã chỉ rõ các giải pháp năm 2024 để vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia; đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; hoàn thành các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả SXKD và tăng năng suất lao động.

Đồng thời, triển khai các giải pháp tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành Điện; tiếp tục triển khai hiệu quả chuyển đổi số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Có thể bạn quan tâm

  • Yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần

    13:23, 17/01/2024

  • EVN không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp điện

    04:00, 29/12/2023

  • Tháng 11/2023, EVNGENCO1 vượt kế hoạch sản lượng được giao

    12:20, 18/12/2023

  • EVN triển khai tháng tri ân khách hàng năm 2023

    08:00, 29/11/2023

  • EVN đảm bảo vận hành ổn định, an toàn hệ thống điện

    14:00, 16/11/2023

  • Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi EVN tăng giá điện?

    03:50, 14/11/2023

  • EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 9/11

    22:27, 09/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thiếu điện là bài học sâu sắc của EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO