Rất nhiều người đang lo giá thịt lợn tăng sẽ tiếp tục kéo mọi thứ tăng theo. Lo là đúng, bởi ở nước ta điều đó thường thôi!
Tuần trước, tôi có việc nên ghé qua bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng lúc chập choạng tối. Dự tính kiếm thứ gì đó dằn bụng trước khi lên xe cho chuyến hành trình dài. Nhìn quanh, thấy mấy xe ba gác bán bánh mì dạo.
Rảo bước lại gần, lấy 2 ổ, nhân thịt lợn, pate. Bà chủ hàng vừa làm vừa đon đả bắt chuyện, cũng chẳng có chuyện gì ngoài "báo giá" mỗi ổ bánh mì có nhân thịt lợn tăng lên 2 nghìn đồng.
Chưa kịp để tôi thắc mắc, bà chủ nói giọng Quảng đặc sệt liến thoắng giải thích: “Giá thịt lợn tăng cao quá, mọi thứ từ chả, pate, xúc xích đều tăng theo, để có lời buộc phải tăng giá thôi, không chỉ mình tôi mà chú đi cả thành phố này đều như thế cả”.
Tôi vui vẻ đồng ý, mang theo 2 ổ bánh mì đang bồng bềnh cùng giá cả thị trường, nhiều câu hỏi cứ lởn vởn, đại loại: Từ ổ bánh mì đến ngành chăn nuôi cách nhau bao xa? Từ miếng thịt lợn mỏng tang đến chính sách điều chỉnh tỉ giá liệu có liên quan nhau?
Dịch tả lợn châu Phi hết lây lan chưa lâu - nỗi mừng vui chưa dứt thì cơn bão giá thịt lợn ập tới. So với thời gian trước giá heo hơi tăng thêm 10.000 đồng/kg, lên 90.000 đồng/kg. Thịt thành phẩm cao nhất đến 200.000 đồng/kg, tăng hơn 25.000 - 30.000 đồng/kg so với đầu tháng 12.
Đối tượng được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày qua là tầng lớp tiểu thương và người tiêu dùng. Trên tivi người ta phản ánh những câu chuyện không khác mấy với thời bao cấp, người tiêu dùng phải thắt lưng buộc miệng, tiểu thương đến chợ cho có chứ buôn bán chẳng lời lãi.
Quái lạ! Nhớ lại, khi cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn diễn ra mấy năm trước, tiểu thương cũng khó khăn do giá cả rớt thê thảm, cho không ai thèm lấy. Họ mong ngóng từng ngày chờ giá nhích lên từng chút một, vậy mà khi giá tăng cao cũng khóc ròng!
Vậy rút cục, ai, công đoạn nào mới có lãi trong ngành công nghiệp thực phẩm mang tên THỊT LỢN? Chưa thấy ai có câu trả lời nào cả, có phải vì đây là vấn đề tế nhị?
Song, tế nhị mà không hề tế nhị, bởi nó là thực trạng chung của người nông dân Việt Nam hiện nay. Họ là chủ nhân của nền kinh tế nông nghiệp.
Đơn cử như mười mấy triệu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long là chủ thể của vựa lúa trù phú nhất nhì thế giới, đóng góp 90% sản lượng cho xuất khẩu, về thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 70% xuất khẩu.
Nhưng về cơ bản người dân miền Tây vẫn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Cái nghèo có thể hiểu theo nhiều nghĩa, nghèo vật chất đã đành, lại còn nghèo về thụ hưởng phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế...
Vậy, hàng chục tỷ USD xuất khẩu nông sản mỗi năm thực sự nằm ở đâu? Cái dở nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện tại là phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, các doanh nghiệp trung gian chỉ mua đi bán lại.
Khi cần hàng họ có thể rộng tay thổi giá, nhưng khi đầu mối bên kia biên giới “lắc đầu” họ cũng bỏ người nông dân bơ vơ. Tình trạng này đã xảy ra với ngành chăn nuôi lợn.
Có thể bạn quan tâm
16:23, 17/12/2019
11:00, 17/12/2019
09:00, 10/12/2019
16:03, 02/12/2019
11:15, 28/11/2019
11:32, 23/11/2019
18:54, 21/11/2019
Từ một nước có thế mạnh nông nghiệp, chăn nuôi có vài thủ phủ được mệnh danh nhưng từ đây đến Tết nguyên đán không biết kiếm đâu ra hàng trăm ngàn tấn thịt lợn phục vụ nhu cầu.
Quan trọng nhất ở đây không phải là đôn đáo tìm nguồn cung thịt lợn trong ngắn hạn. Đừng xem đó là thành tích! Hãy để thị trường tự điều tiết. Mà là giải pháp cuối cùng cho ngành chăn nuôi ứng phó tốt nhất với biến động.
Nhưng vô hình dung, thị trường nội địa thả nổi cho thịt nước ngoài có cơ hội đánh chiếm. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt heo đạt 96.000 tấn với tổng trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết đổ lỗi do dịch tả lợn châu Phi, nhưng đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp, không có con virus tai hại ấy thì cũng còn đó vô vàn lý do như chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, phụ thuộc thị trường Trung Quốc…
Xin hỏi các nhà làm chính sách nông nghiệp: Có bao nhiêu người chăn nuôi lợn trở thành giàu có, tỷ phú? Hay là ngành lợn Việt Nam hiện nằm trong tay các tập đoàn chăn nuôi lớn từ nước ngoài?
Chuyện của lợn, nông sản xem ra rất giống với ngành... điện tử, số liệu báo cáo xuất khẩu rất hoành tráng, nhưng thực tế người lao động, tầng lớp sản xuất trực tiếp thu được là bao.
Năm ngoái, tại cuộc gặp gỡ với nông dân ở Hải Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mấy câu hỏi: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% dân số sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động mà chỉ đóng góp 18% GDP?
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường được đánh giá là người trả lời rất trôi chảy, thông đạt hàng loạt câu hỏi của các đại biểu.
Tuy nhiên, những gì còn tồn tại trong kinh tế nông nghiệp mà cuộc khủng hong giá lợn lần này lại cho thấy quá nhiều điều đáng lo, rất lo!
Trước hết, là câu chuyện về ổ bánh mì tăng theo giá thịt lợn. Liệu còn thứ gì rục rịch "ăn theo nói leo" vì con lợn nữa hay không?