Đầu tư tư nhân nhìn từ vụ thoái vốn Thế giới Di Động của Mekong Capital

Lê Mỹ 31/01/2018 10:00

Trong chiến lược đầu tư tư nhân (Private Equity Investment - PE) tại Việt Nam, Mekong Capital đã tỏ ra khéo chọn các hạt giống doanh nghiệp và thời điểm gieo - gặt hái, thu về những kết quả làm hài lòng nhà đầu tư. Tất nhiên, những hạt giống như vậy không dễ tìm.

Đạt tỷ suất lợi nhuận 57 lần với tỷ suất hoàn vốn nội bộ là 61,1% (tính theo đô la Mỹ cho cả hai chỉ số), với tổng giá trị tiền thu về từ toàn bộ khoản thoái vốn và cổ tức được nhận từ CTCP Thế giới Di Động (MWG, HoSE) đạt 199,4 triệu USD là những con số ấn tượng mà Mekong Capital vừa công bố về kết quả đầu tư vào doanh nghiệp này.

Đầu tư tư nhân hấp dẫn với tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng vấn đề của các quỹ đầu tư là khó tìm kiếm được các hạt giống tiềm năng thực sự và đã tăng trưởng được như Thếp/Giới Di Động

Đầu tư tư nhân hấp dẫn với tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng vấn đề của các quỹ đầu tư là khó tìm kiếm được các hạt giống tiềm năng thực sự và đã tăng trưởng được như Thế Giới Di Động

Cột mốc đầu tư vào doanh nghiệp này được mở ra từ 10 năm trước, năm 2007, khi Thế giới Di động chỉ mới có 7 cửa hàng và được định giá 10 triệu USD, đã khép lại từ phía Mekong Capital khi Mekong Enterprise Fund II chính thức hoàn tất thoái vốn khỏi MWG, ở thời điểm MWG có vốn hóa thị trường 60,657 tỷ đồng và là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường kinh doanh các mặt hàng điện tử. Theo đánh giá của chính Mekong Capital, trong 10 năm nắm giữ, đây là một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong đầu tư vốn tư nhân ở thị trường châu Á. 

Ông Chris Freund - Tổng Giám đốc Mekong Capital chia sẻ: “Khi chúng tôi mới đầu tư vào Thế Giới Di Động năm 2007, họ mới chỉ có 7 cửa hàng và giá trị công ty 10 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là tăng lên 50 cửa hàng và giá trị công ty là 50 triệu đô la Mỹ. Sự thành công của khoản đầu tư này đã vượt qua những kỳ vọng cao nhất của chúng tôi. Có nhiều yếu tố tạo nên thành công rực rỡ này, nhưng cốt lõi là sự cởi mở, chủ động, sẵn sàng cải tiến và quan điểm toàn diện của 5 thành viên đồng sáng lập. Họ đã cùng nhau đưa ra một tầm nhìn lớn, xây dựng một đội ngũ vững mạnh và văn hóa doanh nghiệp xuất sắc, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, và tạo nên một bộ máy không ngừng đặt ra các tiêu chuẩn mới cho ngành bán lẻ tại Việt Nam".

Câu hỏi đặt ra là với một "hạt nhân" đã phát triển tốt như vậy khi có nguồn vốn đầu tư đồng hành, tại sao Mekong Capital không chọn giữ lại, ít nhất một phần, tiếp tục "nuôi", hưởng cổ tức và chọn thời điểm thị giá cổ phiếu còn có thể dâng cao hơn?

“Thật tiếc vì chúng tôi phải kết thúc chặng đường hơn 10 năm đồng hành cùng Thế Giới Di Động. MEF II, quỹ đầu tư vào Thế Giới Di Động, ra mắt vào năm 2006 và có thời hạn hoạt động 12 năm, nên chúng tôi cần hoàn tất thoái vốn đối với các khoản đầu tư còn lại của Quỹ trong nửa đầu năm 2018, trong đó có Thế Giới Di Động. Nếu không vì thời hạn của Quỹ, chúng tôi rất muốn được tiếp tục là một cổ đông của Thế Giới Di Động trong một thời gian nữa, đặc biệt khi công ty đang đẩy mạnh Bách hóa XANH trở thành chuỗi siêu thị hàng đầu Việt Nam. Hiện tại không có công ty nào trong ngành bán lẻ của Việt Nam, cả công ty có vốn nước ngoài lẫn công ty trong nước, có thể triển khai trên quy mô lớn với tiêu chuẩn cao như những gì Thế Giới Di Động đang làm. Chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác cùng Thế Giới Di Động theo một hướng khác trong tương lai". - Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết.

Cần lưu ý là mặc dù đã trở thành lớn đầu ngành sau một chặng đường ngắn và hầu hết các tổ chức đồng hành với Thế giới Di Động đều đã thu được những khoản lợi kếch sù sau một thời gian hoàn vốn, tuy nhiên, ở quy mô 2.000 cửa hàng của mình, Thế giới Di Động cũng đang đối mặt với những thách thức mới: Cạnh tranh của thị trường; Khả năng bão hòa của thị trường tiêu thụ với tốc độ có thể chậm lại; Hướng đi tương lai của chính doanh nghiệp khi đầu tư vào những mảng bán lẻ khác như Bách hóa Xanh hay chuỗi nhà thuốc - con đường "dược phẩm" kết hợp "điện máy" mà nhiều doanh nghiệp cùng ngành cũng đang chọn...

Mặt khác, trong đầu tư tư nhân, việc rót vốn khi doanh nghiệp còn chưa ai biết và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, lên sàn niêm yết, thoái vốn - chu trình quen thuộc thường dễ mang đến tỷ suất lợi nhuận "ngất ngưỡng" hơn cho tổ chức đầu tư. Tất nhiên, cũng kèm theo rủi ro cao khi nếu "hạt giống" được chọn không phát triển như kỳ vọng.

Trước Thế giới Di Động, Mekong Capital cũng đã tỏ ra có "con mắt xanh" khi phát hiện các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam ở thương vụ đầu tư Lộc Trời, một doanh nghiệp nay đã đứng đầu ngành nông sản lúa gạo của Việt Nam.  

Được biết, trong danh mục đầu tư còn nắm giữ của Mekong Enterprise II, quỹ đầu tư mới nhất thuộc tổ chức đầu tư tư nhân chuyên nghiệp này, hiện có 6 công ty, bao gồm chuỗi cầm đồ F88, hai công ty giao nhận Nhất Tín và ABA, Công ty Nhà hàng Chảo Đỏ, Công ty Vàng bạc Đá quý Bến Thành và Trung tâm Anh ngữ Yola. Tất cả các công ty trong danh mục đầu tư của MEF III đều đang áp dụng mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng. Những cái tên như Chảo Đỏ hay Anh ngữ Yola, theo đánh giá của giới chuyên môn, đã và đang nổi lên như những tổ chức có thể "bành trướng" trong ngành, trong nay mai. 

Thực tế, không ít quỹ tư nhân nước ngoài cũng đã và đang chọn con đường nuôi lớn doanh nghiệp và sang tay. VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư lớn nhất của Vina Capital - tổ chức đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy chuyên về đầu tư các doanh nghiệp niêm yết nhưng trong danh mục của mình, cũng có những khoản đầu tư giá trị vào các doanh nghiệp tư nhân.

Theo số liệu tính tháng 10/2017, VOF có 6,5% giá trị trong tổng danh mục đầu tư tài chính dành cho cổ phần (thấp hơn so với 11,4% ở 2016); trong đó hai khoản đầu tư tư nhân đều đang hiển thị ở các doanh nghiệp danh tiếng là Novaland - doanh nghiệp đã lên sàn niêm yết và FPT Retail. Trong chiến lược tương lai, ông Andy Hồ - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng phòng Đầu tư Vina Capital cho biết quỹ sẽ dành 20-25% tổng giá trị tài chính cho đầu tư tư nhân và đầu tư thương lượng. Hiện Vina Capital cũng đã và đang có những khoản đầu tư từ 5-11 triệu USD/ doanh nghiệp, cho không ít "hạt giống" tiềm năng và đang nảy nở nguồn thu ở Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư tư nhân nhìn từ vụ thoái vốn Thế giới Di Động của Mekong Capital
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO