Việc thoái vốn của Vinachem tại Cao su Sao Vàng vừa diễn ra theo một kịch bản 99,99% đã được dàn xếp, không tạo được sự cạnh tranh.
Kết thúc phiên đấu gá hơn 4,2 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn cổ phần Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) do Vinachem sở hữu ngày 4/6, có 3 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức đã trúng đấu giá toàn bộ số cổ này bằng đúng lượng đăng ký mua với giá 46.453 đồng/cp, chỉ hơn đúng 1 đồng so với giá khởi điểm. Việc thoái vốn Vinachem tại SRC theo kết quả này đặt ra nhiều câu hỏi phía sau chuyện thoái vốn nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Danh tính các nhà đầu tư cá nhân mua trọn lô cổ phần SRC do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái vốn bao gồm ông Nguyễn Tiến Ngọc, Phạm Ngọc Hà và Nguyễn Hồng Sơn; và nhà đầu tư tổ chức là CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Anh (công ty Việt Anh).
Đáng chú ý, Công ty Việt Anh là thành viên của CTCP Đầu tư và phát triển Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) được thành lập hoàn toàn giống nhau. Cả hai công ty có cùng ngày thành lập 27/2/2014 tại số 18, đường Nguyễn Trường Tộ, phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An; cùng có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, cùng cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu hoàn toàn giống nhau. Chỉ khác nhau ở tên người đại diện theo pháp luật. Cụ thể, Công ty Việt Anh có vốn điều lệ 500 tỉ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT (nắm 80% cổ phần); bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nắm 19%); và ông Nguyễn Tiến Ngọc - Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật (nắm 1%). Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Ngọc.
CTCP Đầu tư và Phát triển Hoành Sơn có vốn điều lệ 500 tỉ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT (nắm 80% cổ phần); bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nắm 19%); và ông Nguyễn Tiến Ngọc, Tổng giám đốc (nắm 1%). Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hoành Sơn.
Trong đó, ông Nguyễn Tiến Ngọc vừa đóng vai trò là nhà đầu tư cá nhân, vừa là Tổng giám đốc của Công ty Việt Anh, đồng thời cũng chính là cổ đông lớn của SRC vào cuối năm 2018 sau khi nâng tỷ lệ sở hữu "sít sao" từ 4,997% lên 5,009%. Tháng 3/2019 vừa qua, cổ đông này tiếp tục nâng sở hữu lên 6,265% vốn SRC. Đến ngày 11/4, nhóm cổ đông có ông Ngọc của SRC thông báo đã sở hữu hơn 19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhóm này đề cử 3 ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016 -2021 và được Hội đồng quản trị SRC thông qua.
Động thái “chuyển giao quyền lực” trước thềm tổ chức đấu giá cổ phiếu SRC của Vinachem được các nhà đầu tư xem như một kịch bản đã được sắp đặt trước, khiến thương vụ chào bán của Vinachem diễn ra không tạo được sự cạnh tranh. Ngay trước ngày đấu giá, một nhà đầu tư đã bất ngờ gửi đơn hủy đăng ký tham gia và rút lại gần 20 tỉ đồng tiền cọc. Nguyên nhân được vị này đưa ra là lo ngại những lùm xùm quanh đợt thoái vốn này, đặc biệt là lo ngại việc sẽ mất quyền cử người tham gia HĐQT của SRC ngay cả khi ông trúng đấu giá, khi mà Vinachem và nhóm Hoành Sơn đã bầu mới 2 thành viên HĐQT SRC ngay ngày thoái vốn.
Đồng quan điểm với nhà đầu tư trên, ông Trần Hồng Việt, cổ đông sở hữu 4,6% cổ phiếu SRC đã gửi một số cơ quan chức năng ngày 16/5 cho rằng việc Vinachem thay thế thành viên HĐQT theo kiến nghị của nhóm cổ đông rất bất thường, bởi các thành viên HĐQT trước đó hoàn toàn không mắc lỗi gì. Trong khi đó, việc bầu thành viên mới diễn ra mà HĐQT không có bản xác định nhóm cổ đông trên nắm giữ cổ phần đủ 6 tháng như quy định hay không. Thực tế, biểu hiện tăng giá và có khối lượng giao dịch mua bán tại cổ phiếu SRC chỉ thực sự diễn ra sôi động kể từ cuối tháng 12/2018. Từ tháng 4/2018 đến trước tháng 12/2018, cổ phiếu SRC hầu như không có giao dịch.