Sau 4 lần thất bại, AirAsia lại một lần nữa “lăm le” mở đơn vị kinh doanh ở Việt Nam. Liệu lần này có thuận lợi hơn những lần trước?
>> Bước tiến mới trong tham vọng “siêu ứng dụng” AirAsia
Hãng hàng không giá rẻ lớn của Malaysia, AirAsia đang tìm cách thành lập các đơn vị kinh doanh ở Việt Nam và Singapore. Tờ Bloomberg nói ông Tony Fernandes, ông chủ AirAsia, cho biết hãng muốn có mặt tại những thị trường này tuy biết rõ mình không phải là “tay chơi” lớn nhất ở đây. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng sự hiện diện trên thị trường và tận dụng nhu cầu đang tăng về du lịch giá rẻ trong khu vực.
AirAsia là một “tay chơi” sừng sỏ trong thị trường hàng không giá rẻ. Hãng được thành lập vào năm 2001 khi ông Tony Fernandes mua lại một hãng hàng không phá sản với chỉ vài máy bay với giá 1 ringgit (tiền Malaysia).
Kể từ đó, AirAsia đã nhanh chóng vươn lên trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á và có chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới. Họ là hãng hàng không lớn nhất Malaysia tính theo quy mô đội bay và đang khai thác đường bay đến hơn 166 điểm đến trải dài trên 25 quốc gia. Nguyên cả một nhà ga lớn KLIA 2 ở Kuala Lumpur gần như chỉ để phục vụ hãng này.
Tại Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ này chưa có pháp nhân mà chỉ đang khai thác các chặng bay quốc tế trên các tàu bay mang quốc tịch nước ngoài, chủ yếu là bay từ Việt Nam sang Malaysia và Thái Lan, sau đó nối chuyến đi tới các điểm khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Việt Nam tháng 11/2023, ông Tony Fernandes khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng của AirAsia ở Đông Nam Á. Và sự thực đã cho thấy điều đó.
AirAsia đã từng 4 lần cố gắng xâm nhập vào thị trường hàng không Việt Nam và… thất bại cả 4. Đầu tiên hãng thua Tập đoàn Quantas của Úc trong việc trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Sau thất bại này, hãng chuyển hướng sang đàm phán mở hãng bay mới với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nhưng dự án cũng không thành công.
Lần thứ 3, AirAsia muốn liên doanh với Vietjet Air. Và gần đây nhất là kế hoạch bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh để thành lập hãng hàng không tại Việt Nam. Tất cả đều không thành. Nếu kế hoạch lần này của ông Tony Fernandes được triển khai thì đây sẽ là lần thứ 5.
So với 4 lần trước, thời điểm hiện tại có vẻ như thuận lợi hơn cho AirAsia so với các lần trước.
Thứ nhất, sau nhiều biến động, hiện nay thị trường hàng không Việt gần như chỉ còn hai “tay chơi” lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air khi Jetstar đã trở thành một phần của Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang phải tái cấu trúc để “khởi nghiệp” lại. Thị trường về lý thuyết có vẻ “rộng rãi” hơn so với lần trước khi AirAsia từng thất bại vì lí do thời đó có khá nhiều hãng bay được cấp phép và không có chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới.
Tiếp đến, do kinh tế khó khăn, các hãng hàng không đã cắt giảm hàng loạt đường bay nội địa không hiệu quả, thu hẹp mạnh đội tàu bay, dẫn tới giá vé máy bay ở Việt Nam đang ở mức cao. Thậm chí mảng du lịch hè năm nay đang lo ế ẩm vì giá bay cao. AirAsia lại là một “ông lớn” của hàng không giá rẻ với đội tàu bay hùng hậu. Nếu xâm nhập thành công, đây sẽ là một cơ hội cho AirAsia “phân chia” thị trường.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là về lý thuyết, còn về thực tế thì AirAsia đã thất bại 4 lần trong gần 20 năm qua. Mặc dù rất mặn mà với thị trường Việt Nam nhưng sự thành công của kế hoạch xâm nhập lần này của AirAsia vẫn còn là dấu hỏi to đùng.
Có thể bạn quan tâm