AirAsia tấn công thị trường giao đồ ăn tại Singapore

QUÂN BẢO 23/02/2021 11:00

Hãng hàng không AirAsia (Malaysia) nhảy sang làm dịch vụ giao đồ ăn, cạnh tranh với những Grab, Deliveroo để tìm thêm đường sống thời Covid-19.

Khi kinh doanh “trên trời” quá khó khăn, hãng hàng không AirAsia liền chuyển xuống kinh doanh dưới… mặt đất. Dịch vụ giao đồ ăn của AirAsia chính thức khởi động vào tháng 5 năm trước và đạt nhiều kết quả khả quan.

Sabrina Khaw, người đứng đầu mảng giao đồ ăn của AirAsia, cho biết công ty chuyển hướng sang lĩnh vực này vì nhận thấy các nền tảng giao đồ ăn tại Malaysia đang vận hành với mức hoa hồng cắt cổ, khoảng từ 20 - 35% giá trị các đơn hàng. Ngoài ra, các nhà hàng/quán ăn cũng không có nhiều quyền kiểm soát đối với các đơn đặt hàng này.

Chỉ trong 3 tháng đầu vận hành, họ đã kết nối với 500 nhà hàng/quán ăn và giao thành công khoảng 15.000 đơn đặt hàng, có mặt tại nhiều thành phố lớn trên khắp Malaysia. Thành công của dịch vụ giao đồ ăn đã giúp AirAsia vực dậy sau bờ vực phá sản vì dịch Covid-19.

Khi đã phát triển ổn định tại quê nhà, giờ đây AirAsia tiếp tục tìm đường tấn công vào thị trường Singapore, khi thị trường giao đồ ăn online tại quốc đảo này có giá trị lên đến 464 USD năm 2020.

Nếu tiến vào Singapore, AirAsia sẽ gặp phải những đối thủ lớn như Foodpanda, Deliveroo và GrabFood. Các nền tảng này bắt đầu hoạt động lần lượt từ năm 2012, 2015 và 2018. Ngoài ra còn rất nhiều cái tên mới như WhyQ, Chope On và Pickupp.

Mặc dù đã hé lộ dự định này vào một bài đăng trên LinkedIn tuần trước, thế nhưng Tony Fernandes, CEO của AirAsia, vẫn chưa thông báo rõ thời gian bắt đầu thực hiện. Dẫu vậy, bài đăng vẫn thể hiện mục tiêu “cung cấp những dịch vụ giá trị, đơn giản và độc quyền cho tất cả mọi người”. Ngoài ra, Fernandes cũng cho biết, các bên thứ ba có thể đăng ký hợp tác thông qua email.

Fernandes tự tin cho biết AirAsia chắc chắn sẽ cạnh tranh tích cực ở mảng giao đồ ăn tại Singapore. Anh chia sẻ: “Chúng tôi mất đến 7 năm để được cấp phép bay đến Singapore. Tuy nhiên có còn hơn không. Vì vậy chúng tôi đã lên kế hoạch tấn công tương tự với dịch vụ giao đồ ăn.”

Bước đi này của AirAsia có những mục đích nhất định. Ngoài việc nhận thấy tiềm năng và giá trị béo bở của thị trường Singapore, việc mở rộng thị trường giao đồ ăn online giúp AirAisa có thêm nguồn thu nhập. Sau một năm 2020 ảm đạm, chưa ai dám chắc 2021 sẽ khởi sắc hơn với ngành hàng không. Vậy nên có thêm càng nhiều nguồn thu thì càng tốt.

Ngoài ra, trước đó công ty này đã thành lập AirAsia Media Group, hợp nhất các giải pháp liên quan đến công nghệ quảng cáo (adtech), nội dung và truyền thông của chính mình. Tức là AirAsia đang cung cấp cho các thương hiệu một cách mới để tích hợp công nghệ quảng cáo và dữ liệu, đánh vào thị trường du lịch và các văn hóa đại chúng ở Đông Nam Á. Vậy nên mở rộng thị trường ngành giao đồ ăn cũng có thể giúp AirAsia hợp tác với nhiều đơn vị hơn.

Cuối cùng, vì là một hãng hàng không giá rẻ, do đó phân khúc khách hàng mục tiêu của AirAsia rất lớn, từ du khách địa phương đến du khách quốc tế. Vậy nên mở rộng thị trường đến Singapore cũng giúp nhiều người biết đến thương hiệu AirAsia hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Cách AirAsia “bay ngược gió”!

    Cách AirAsia “bay ngược gió”!

    11:00, 09/02/2021

  • Ứng phó khủng hoảng kiểu AirAsia

    Ứng phó khủng hoảng kiểu AirAsia

    05:30, 13/06/2020

  • Tính toán sai lầm của AirAsia

    Tính toán sai lầm của AirAsia

    07:00, 05/01/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
AirAsia tấn công thị trường giao đồ ăn tại Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO