Môi trường là chủ đề “không thể nóng hơn” hiện nay. Đó là nguyên nhân ngày càng ra đời nhiều công nghệ sạch giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.
>>Doanh nghiệp dệt may dùng năng lượng sạch để “săn” đơn hàng
Theo một nghiên cứu năm 2021 công bố trên tạp chí Nature Food, gần 60% lượng khí thải nhà kính toàn cầu có liên quan đến quá trình sản xuất và chế biến thịt. Do đó, nhiều quốc gia đã và đang tìm cách hóa giải thách thức này.
Nếu ứng dụng được công nghệ sạch trong lĩnh vực sản xuất thịt, ví dụ như tạo ra “thịt” từ thực vật hoặc không phải động vật, sẽ rất có ích trong việc bảo vệ môi trường. Không những thế, theo Tổ chức Nghiên cứu khoa học của Úc (CSIRO), thịt làm từ thực vật tạo ra ít khí thải nhà kính hơn 30-90%, cần ít đất hơn 40-98%, ít nước hơn 70-80% và thải ra ít nitơ phản ứng hơn 85-94%.
Dựa trên thực tế này, các công ty thịt làm từ thực vật hiện đại như Beyond Meat và Impossible Foods đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển công nghệ để làm cho sản phẩm của họ giống thực tế nhất có thể. Trong đó, Impossible Foods sử dụng một chủng men biến đổi gen để sản xuất leghemoglobin đậu nành. Còn Beyond Meat sử dụng máy ép nhiệt và áp suất để ép các protein thực vật thành một kết cấu dạng sợi giống như thịt.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây bắt đầu có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất các loại “thịt” thực vật. Công ty TNHH sản xuất – kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề được coi là doanh nghiệp tiên phong sản xuất thịt thực vật với thương hiệu VMEAT tại Việt Nam. 100% các sản phẩm của công ty này có nguồn gốc từ thực vật, có thành phần dinh dưỡng gần với thịt động vật, cho cảm giác nhai như thịt.
>>Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với năng lượng sạch
Hay như Công ty TNHH TM-DV Biển Phương đã nghiên cứu làm về “thịt thay thế”. Sản phẩm của Biển Phương không có nguồn gốc động vật và đi theo hướng bên hàng mặn có dòng sản phẩm gì thì công ty sẽ dùng nguyên liệu, gia vị từ thực vật phối chế ra tương tự như vậy.
Theo báo cáo tại hội thảo “Giải pháp công nghệ trong sản xuất thịt thực vật”, giai đoạn 2021-2025, dự báo thị trường thịt thực vật ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng 11,85%/năm, và sẽ đạt mốc 500 triệu USD vào cuối năm 2025. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, nghiên cứu vào các công nghệ sạch trong ăn uống.
Hạn chế rác thải nhựa là vấn đề cấp bách đối với toàn thế giới. Một trong những nỗ lực giải quyết là thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại nhựa sinh học, bao bì sinh học, bởi nó có thể phân hủy nhanh trong vòng 3 đến 6 tháng, tái sử dụng hoặc ăn được.
Chẳng hạn loại bao bì ăn được làm từ các polyme tự nhiên chiết xuất từ các nguồn thực vật, bao bì dựa trên chitosan, được làm chủ yếu từ chất thải của ngành thủy sản, bao bì làm từ whey - chất thải của ngành công nghiệp sữa và bao bì được chiết xuất từ rong biển.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thị trường bao bì “xanh” ước tính khoảng 13,4%. Lĩnh vực này tuy có những hạn chế về nhiều mặt, nhưng tiềm năng thị trường lớn và mục tiêu tăng cường bao bì phân hủy sinh học để giảm thiểu phát thải nhựa truyền thống là rất bức thiết.
Dù hạn chế nhưng Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ nhựa phân hủy sinh học, như các sản phẩm của Công ty Vina Eco, Green World Việt Nam, An Phát Holdings, Veritas Việt Nam,… đều là các sản phẩm gia công từ vật liệu bao bì phân hủy sinh học. Còn sản xuất nhựa phân hủy sinh học vẫn là lĩnh vực chưa được chú ý nhiều. Có một số nghiên cứu trong nước, nhưng một số mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, một số bắt đầu bán ra thị trường nhưng chủ yếu trong giai đoạn thăm dò.
Vậy nên, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt khi thị trường “xanh” còn đang rộng mở.
Hydrogen được gọi là nhiên liệu sạch lý tưởng bởi vì nhiệt lượng tỏa ra cao, chỉ thải ra nước. Năng lượng hydro thực sự được quan tâm và phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây khi nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới một nền kinh tế phát thải carbon thấp và đã tuyên bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hoặc sớm hơn.
Trên thế giới đã có hơn 30 quốc gia đã xây dựng chiến lược hydro quốc gia và nguồn ngân sách để triển khai. Trong đó, phải kể đến Canada, Anh, Úc, Pháp, Romania, Nhật, Hàn Quốc,…
Tại Việt Nam, một số công ty, tập đoàn đã đầu tư nghiên cứu việc sản xuất loại năng lượng xanh này. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xây dựng Chiến lược sản xuất Hydro xanh từ điện gió ngoài khơi.
Tập đoàn The Green Solutions Group, Đức hiện đang tiến hành triển khai dự án Nhà máy sản xuất khí hydro xanh Trà Vinh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh theo công nghệ điện phân kiềm với mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam và xuất khẩu trong tương lai.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), hydrogen sẽ là nguồn năng lượng sạch và an toàn, được nhiều nước sử dụng trong thời gian tới. Còn theo dự báo của Bloomberg, Đến năm 2050, hydro có thể đáp ứng đến 7 - 24% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu. Thế nên, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguồn năng lượng mới này đang trở nên đầy tiềm năng và là một trong các xu hướng nổi bật trong lĩnh vực năng lượng.
Có thể bạn quan tâm
Australia tiếp tục hợp tác với Việt Nam về năng lượng sạch
20:34, 30/11/2022
Năng lượng sạch, cần môi trường đầu tư minh bạch
04:10, 06/08/2022
Cơ hội cho các startup phát triển dự án về năng lượng sạch
05:15, 28/06/2022
Doanh nghiệp dệt may dùng năng lượng sạch để “săn” đơn hàng
03:40, 26/05/2022
Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với năng lượng sạch
16:09, 24/03/2022