Nghề cá cần hướng theo mục đích chia sẻ lợi ích giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu, tiếp tục nâng cao giá trị hải sản sau khai thác.
LTS: Tái cơ cấu nghề cá nhiều năm qua không mấy tiến triển, nhưng “thẻ vàng” của EU là điều kiện cần và đại dịch COVID-19 là điều kiện đủ để các bên tiến lại gần nhau hơn, cùng nhau quyết tâm hơn đẩy nhanh tái cơ cấu ngành thủy sản Việt Nam.
Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Quang Kiến – Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam nhận định, thời điểm tái cơ cấu nghề cá trong tổng thế phát triển kinh tế biển Việt Nam đã chín muồi.
- Nhìn từ thực tế Quảng Nam với nhiều thuận lợi về bờ biển dài, thiên nhiên ưu đãi, định hướng phát triển cũng đã có, vậy tại sao nghề cá Quảng Nam vẫn chưa tận dụng được ưu thế của mình, thưa ông?
Trước vô vàn khó khăn như giá xăng dầu, chi phí bảo quản... tăng, trong khi chất lượng thuỷ hải sản đòi hỏi ngày càng cao, đặc biệt dịch bệnh bùng phát thì yêu cầu tái cơ cấu nghề cá càng trở nên cấp bách.
Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu là hiện Quảng Nam nói riêng và một số địa phương ven biển nói chung vẫn chưa hình thành chuỗi liên kết nghề cá, chưa có hệ thống dịch vụ hầu cần, cơ sở dữ liệu ven bờ để định hướng nghề nghiệp cũng chưa có... Thậm chí, cá đánh bắt tại Quảng Nam lại phải mang đến địa phương khác để tiêu thụ, xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng đến tăng chi phí, giảm chất lượng cá cùng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Như vậy, việc tái cơ cấu nghề cá để ngư dân an tâm bám biển vẫn còn rất nhiều việc phải làm, thưa ông?
Trước tiên, hiện chúng ta vẫn cơ bản còn nhiều tàu nhỏ, việc đánh bắt chủ yếu tập trung vào câu mực và lưới vây gần bờ. Để đảm bảo phát triển bền vững, các địa phương cần chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, triển khai thực hiện một số chương trình thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số đối tượng thủy sản có nguy cơ cạn kiệt.
Nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần sớm đầu tư xây dựng các đội tàu công suất lớn, liên kết chặt chẽ khai thác xa bờ. Bởi vì, đẩy mạnh việc vươn khơi ngoài mục tiêu chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu còn để giữ vững biên cương, vùng lãnh hải của Tổ quốc.
Muốn làm được việc này vấn đề cần ưu tiên đầu tiên hiện nay là nguồn nhân lực. Bởi vì nhân lực cho phát triển nghề cá của chúng ta hiện nay hầu như không được đào tạo bài bản, chính quy. Ngoài ra còn có một thực tế, do hiệu quả không cao, nhân công ngành này đã chuyển sang các ngành nghề khác rất nhiều khiến các địa phương ven biển mà không thể tìm ra lao động nghề biển.
Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, cấp thiết xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh gắn với các khâu trong quá trình sản xuất, khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nghề cá cần hướng theo mục đích chia sẻ lợi ích giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu, tiếp tục nâng cao giá trị hải sản sau khai thác.
- Thưa ông, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm chúng ta còn phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn cao của các thị trường khó tính?
Các thị trường có giá trị thuỷ hải sản xuất khẩu cao thì tiêu chuẩn cũng rất cao. Ví dụ, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến điều kiện sống, điều kiện làm việc của ngư dân nên đưa ra các yêu cầu rất khắt khe về điều kiện sống, dịch vụ chăm sóc y tế, sinh hoạt... của ngư dân.
Hay như việc Ủy ban Châu âu (EC) đưa ra khuyến nghị cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy, hải sản Việt Nam. Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền và xử lý ngư dân vi phạm các quy định, luật pháp về đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản, đặc biệt là việc vi phạm các vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta cần hoàn thiện hết thống thông tin và hỗ trợ dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, hình thành khu neo đậu tránh bão cho tàu...
Có thể nói việc tái cơ cấu nghề cá đã không còn đường lùi.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam:
Để thực hiện chiến lược tái cơ cấu nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tỉnh Quảng Nam đang giảm mạnh số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ, tăng số lượng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng vươn khơi bám biển dài ngày. Đi liền với đó là phát triển nhanh các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội đoàn kết để giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình làm ăn dài ngày trên biển. Hiện tại toàn tỉnh đã có 9 nghiệp đoàn nghề cá, trên 160 tổ đoàn kết trên biển, tương trợ nhau trong quá trình khai thác thủy sản trên biển.
Ông Phạm Văn Hữu - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Thủy (Quảng Nam):
Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá ở Quảng Nam đã giúp các chủ tàu giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến hoạt động đánh bắt trên biển rất hiệu quả. Các chủ tàu và ngư dân đánh bắt xa bờ rất cần sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau. Ngay cả việc Ban chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá đã họp và thống nhất kiến nghị Thanh tra Sở NN&PTNT tiến hành nắm tình hình, cho tàu kiểm ngư tiếp cận phương tiện đánh bắt sai tuyến. Kết quả, ngành hữu quan đã phát hiện và xử phạt hành chính ngay cả tàu trong và ngoài nghiệp đoàn. Việc làm này đã hạn chế được hoạt động đánh bắt sai tuyến, đã tạo lòng tin đối với ngư dân.
Có thể bạn quan tâm