Sau hơn ba thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa chiến lược, quyết định vị thế dài hạn của quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.
Những thành tựu đã đạt được là nền tảng vững chắc để Việt Nam không chỉ duy trì đà phát triển mà còn tạo bước nhảy vọt, vươn lên nhóm nước thu nhập cao nếu lựa chọn chiến lược đúng đắn, dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Đây là thời điểm vàng để hành động, để Việt Nam xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu” - Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp, nghiên cứu viên về phát triển thông minh và bền vững từ Đại học RMIT, nhận định.
Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố tích cực: tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu vững mạnh, tỷ lệ thương mại so với GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đồng thời, đất nước đang tăng cường hội nhập toàn cầu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và thể hiện rõ tham vọng nắm bắt các công nghệ mũi nhọn như 5G, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và bán dẫn.
Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp nhận định: tốc độ tăng trưởng nhanh là tiền đề quan trọng, nhưng để không dừng lại ở đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu mạnh mẽ, hướng tới nền kinh tế tri thức.
Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp nối đà tăng trưởng bằng những cải cách mang tính cấu trúc và dài hạn. Câu chuyện không chỉ là tăng trưởng, mà là tăng trưởng thông minh và bền vững.
Khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” do Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2006, chỉ trạng thái một quốc gia tăng trưởng nhanh trong thời gian đầu nhưng không thể bứt phá lên nhóm nước thu nhập cao. Trong số 101 quốc gia đạt thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 quốc gia vươn lên thành công vào năm 2008.
Số liệu toàn cầu đến năm 2023 cho thấy chỉ khoảng 1,4 tỷ người trong hơn 8 tỷ người đang sống tại các nước thu nhập cao, cho thấy hành trình vươn lên là đầy thách thức.
Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp dẫn chứng từ Malaysia, quốc gia từng tăng trưởng trung bình 7,4% mỗi năm (1961–1996) nhưng sau đó giảm xuống còn 4,4%. Thái Lan từ 7,5% (1960–1996) xuống 2% (2021–2023). Brazil từng bùng nổ từ năm 1965–1980 nhưng sau đó gần như không cải thiện được thu nhập bình quân đầu người trong ba thập kỷ, vì không thể chuyển mình lên chuỗi giá trị cao và đầu tư cho đổi mới còn hạn chế.
Những ví dụ này cho thấy tăng trưởng nhanh là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Một nền kinh tế nếu vẫn phụ thuộc vào lao động giá rẻ, tài nguyên hay gia công giá thấp, sẽ sớm mất đà khi chi phí tăng và năng suất không theo kịp. Đổi mới sáng tạo và đầu tư vào các ngành công nghiệp tri thức là chìa khóa để tránh rơi vào bẫy.
Việt Nam hiện nay cũng đang đối mặt với những dấu hiệu tương tự. Năm 2021, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ đạt 0,42% GDP, thấp hơn so với Hàn Quốc (4,91%), Mỹ (3,48%), Nhật Bản (3,28%) và cả các nước trong khu vực như Singapore (2,16%) hay Thái Lan (1,33%).
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 chỉ bằng 11% của Hàn Quốc, 10% của Nhật Bản, 6% của Singapore, gần như không thay đổi nhiều so với đầu thập niên 1990. Đặc biệt, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 76% của Trung Quốc năm 1989, thì đến 2023 chỉ còn 31%. Dù vượt qua một số quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia hay Philippines, tốc độ thu hẹp khoảng cách vẫn còn khiêm tốn.
Song, những con số này không chỉ là cảnh báo, mà còn là cơ hội để hành động kịp thời. Chúng đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Với định hướng đúng và quyết tâm chính sách, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá.
Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt. Dù tỷ lệ tiếp cận giáo dục đã tăng đáng kể, nhưng kỹ năng thực tế vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu của nền kinh tế số. Việc nhiều nhân tài chọn môi trường ổn định trong khu vực công thay vì khởi nghiệp công nghệ hay nghiên cứu khoa học phản ánh thiếu động lực và hệ sinh thái hỗ trợ phù hợp.
Cùng lúc đó, hạ tầng số chưa hoàn thiện, vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới khó tiếp cận, và bất bình đẳng gia tăng là những thách thức cần giải quyết. Nhưng nếu xem đây là cơ hội để cải tổ toàn diện, Việt Nam có thể tạo ra nền tảng bền vững cho đổi mới sáng tạo trong dài hạn.
Theo Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp, Việt Nam nên tập trung nguồn lực vào 1 - 2 ngành công nghệ chiến lược có tiềm năng cạnh tranh toàn cầu, giống như Hàn Quốc với bán dẫn, Nhật Bản với ô tô, hay Trung Quốc với xe điện.
Chiến lược này phù hợp với học thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo khi cho rằng quốc gia nên tập trung vào lĩnh vực có hiệu suất tương đối cao. Nếu xác định rõ thế mạnh chiến lược và đầu tư tập trung, Việt Nam có thể tạo ra dư địa lớn về năng suất, thương mại và tăng trưởng bền vững.
Không chỉ công nghệ, vị trí địa lý là một lợi thế cần được phát huy. Với đường bờ biển dài 3.260 km, nằm trên tuyến hàng hải sôi động bậc nhất châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thương mại đường biển nếu đầu tư đúng vào cảng nước sâu như Vân Phong và nâng cấp hệ thống logistics.
Singapore với diện tích nhỏ nhưng đã trở thành trung tâm hàng hải hàng đầu thế giới, vận chuyển hơn 41,12 triệu TEU năm 2024, đóng góp tới 7% GDP quốc gia. Việt Nam nếu tận dụng được lợi thế địa lý và nâng cấp logistics, có thể chuyển thương mại hàng hải thành động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Ngoài các ngành công nghệ cao, những lĩnh vực ít phổ biến như dược liệu cũng có tiềm năng lớn. Trong khi Việt Nam nhập khẩu trên 90% nguyên liệu dược, các vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc có thể trở thành trung tâm dược liệu nếu được đầu tư bài bản, hướng đến xuất khẩu.
Để tạo nên hệ sinh thái đổi mới hiệu quả, Việt Nam cần tái thiết hệ thống giáo dục đại học. Không chỉ dừng ở quy mô tuyển sinh, các trường đại học cần định hướng nghiên cứu, gắn kết với doanh nghiệp, và trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, cần có các cơ chế hỗ trợ như quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, bảo hộ sáng chế nhanh, thị trường vốn dễ tiếp cận với startup công nghệ để chuyển tầm nhìn thành hiện thực.
“Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, hoặc tiếp tục dựa vào mô hình cũ, hoặc mạnh dạn đổi mới, đầu tư vào con người và công nghệ. Lịch sử đã chứng minh rằng các quốc gia từng ở vị thế thấp vẫn có thể vươn lên, nếu họ đủ dũng khí hành động”, Tiến sĩ Điệp nhấn mạnh.
Tăng trưởng là nền móng, nhưng đổi mới sáng tạo là đòn bẩy. Nếu hành động quyết liệt, hôm nay chính là thời điểm vàng để Việt Nam bước ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và xác lập một vị thế mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.