Mặc dù hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, thấp nhất trong vòng ít nhất là 5 năm trở lại đây, song theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng cũng khó “tiêu” hết hạn mức này.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2019, NHNN định hướng năm 2019 tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14% nhưng có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tín dụng tháng 1 sẽ không tăng cao
Hiện đã là giữa tháng 2, song vẫn chưa có cơ quan nào, kể cả NHNN, công bố số liệu về tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm nay. Tuy nhiên có thể phỏng đoán, tăng trưởng tín dụng tháng 1 sẽ không cao hơn so với mức tăng 0,96% của cùng kỳ năm 2018 khi mà các hoạt động kinh tế trong tháng đầu năm nay kém sôi động hơn, kéo theo nhu cầu vốn cũng yếu hơn.
Chẳng hạn theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2019 giảm 3,2% so với tháng 12/2018 và chỉ tăng 7,9% so với tháng 1/2018, chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức tăng 22,1% của cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 14/01/2019
14:20, 27/11/2018
05:30, 16/10/2018
11:00, 21/07/2018
15:58, 16/11/2017
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng chững lại khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 43,34 tỷ USD, tăng 7,65% so với tháng 1/2018, thấp hơn nhiều mức tăng 46,2% của cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu chỉ đạt 22,08 tỷ USD, tăng có 8,9% trong khi cùng kỳ năm trước tăng tới 41%.
Đáng chú ý là số doanh nghiệp giải thể trong tháng lên tới 1.802 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể số tạm ngừng hoạt động có thời hạn cũng lên tới 10.804 doanh nghiệp, tăng 25,3% và số tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12.278 doanh nghiệp.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tiết lộ, những ngân hàng nào đã áp dụng chuẩn mực quốc tế Basel II hay các ngân hàng hoạt động an toàn lành mạnh sẽ được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trong năm 2019.
Chính số doanh nghiệp “ốm, chết” này một mặt làm giảm nhu cầu tín dụng, mặt khác cũng góp phần đẩy nợ xấu ngân hàng tăng. Trong khi đó, dù trong tháng cũng có 10.079 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, song số này vẫn chưa đi vào hoạt động nên chưa phát sinh nhu cầu tín dụng.
Trên thực tế, số liệu của cơ quan thống kê Hà Nội – một trong hai địa phương chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng tín dụng của cả nước – cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng tháng 1 trên địa bàn Thủ đô chỉ vào khoảng 0,9%.
Áp lực tăng vốn
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là đến thời hạn phải áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN (1/1/2020) với những quy định về an toàn vốn khắt khe hơn theo chuẩn Basel II. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có 3 nhà băng được công nhận đã đáp ứng chuẩn này là Vietcombank, OCB và VIB. Vì vậy, vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà băng trong năm nay là tăng vốn chứ không phải là tín dụng.
“Nếu không tăng được vốn để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II thì các ngân hàng sẽ không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như những năm trước”, vị chuyên gia này cho biết và nhấn mạnh, thậm chí nếu không tăng được vốn, sẽ có không ít ngân hàng sẽ phải thu hẹp bảng tài sản như trường hợp của VietinBank hồi cuối năm 2018.
Quả vậy, theo tính toán của Moody’s, nếu muốn duy trì tỷ lệ tăng trưởng cho vay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019.
Hiện vẫn chưa có nhà băng nào công bố về hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao cũng như mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2019, nên vẫn chưa rõ thực hư thế nào. Tuy nhiên qua tiết lộ của các ngân hàng trong nhóm Basel II cũng có thể thấy, nhận định trên của giới chuyên môn là hoàn toàn có cơ sở.
Là một trong những ngân hàng đầu tiên được công nhận đã đáp ứng chuẩn Basel II, song tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, nhà băng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2019, chỉ cao hơn so với hạn mức tín dụng chung của toàn hệ thống một chút và thấp hơn nhiều mức tăng 16,4% của năm 2018.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tống giám đốc cho biết, OCB cũng không tăng trưởng tín dụng ở mức quá cao vì phải cân đối nhiều yếu tố để phù hợp với quy chuẩn mới, nhất là tính toán hệ số an toàn vốn.
“Trước đây để tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, ngân hàng có thể chỉ cần tăng vốn thêm 5% nhưng giờ phải tăng lên gấp đôi. Dù ngân hàng mong muốn tăng trưởng hơn nhiều, nhưng cũng phải tính toán thận trọng. Không thể tăng vốn điều lệ nhiều sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, quyền lợi của cổ đông vì lợi nhuận ngân hàng có được không quá lớn để chia cổ tức cao cho họ”, ông Tùng cho biết.
Lẽ đương nhiên, việc các nhà băng tỏ ra thận trọng với tăng tín dụng cũng sẽ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Tuy nhiên từ lâu, giới chuyên gia đã cảnh báo về thời kỳ tín dụng dễ dài đã qua và các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm vốn qua các kênh khác như trái phiếu, cổ phiếu hay các quỹ đầu tư…