Mới đây, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
>>> Yêu cầu hoàn chỉnh 6 nội dung trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
Điểm mới trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, UBND Thành phố cho biết, Đồ án có đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô, cụ thể là áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm: (gồm Đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm. Thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn). Thành phố phía Tây (gồm Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai), các Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; Thị trấn sinh thái và thị trấn. Hệ thống đô thị, phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm... Khu đại học quốc gia rộng 1.000 ha ở Hòa Lạc. Định hướng phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo gồm: Khu đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất. Quy mô khoảng 1.000ha. Định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.
Sau khi được HĐND thành phố thông qua, Hà Nội sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng và dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm 2024.
Theo Đồ án, thành phố phía Bắc sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 385km2, khu vực ngoại thị khoảng 248km2 với 45 phường và 24 xã.
Thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, đây là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng. Ngoài ra, với ý tưởng xây dựng động lực cho một TP vì hòa bình, kết nối toàn cầu, TP phía Bắc sông Hồng sẽ là trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á Thái Bình Dương.
>>> Động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô
Thành phố phía Bắc cũng sẽ phát triển trung tâm logistics có quy mô lớn tại miền Bắc, trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, phát triển cảng cạn ICD, thúc đẩy hạ tầng xuất nhập khẩu, trung tâm thương mại miễn thuế, outlet lớn tại khu vực. Bên cạnh đó, TP sẽ nghiên cứu phát triển các trung tâm giải trí và thương mại giải trí, kinh doanh, kinh tế đêm, cùng hệ thống sân golf sẽ hình thành chuỗi tổ hợp vui chơi giải trí, văn hóa, thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế.
Tại Đồ án, Hà Nội mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía đông huyện Gia Lâm và phát triển khu vực này theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 0,5 - 1 km xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị.
Cùng với đó, tại khu vực này, Hà Nội trình nghiên cứu mô hình phát triển gắn kết với các đô thị vệ tinh, TP lân cận. Đây là khu vực cửa ngõ logistic phía đông kết nối các tỉnh, TP ven biển; nghiên cứu quy hoạch phát triển mới, đề xuất một số khu vực đô thị nén, mô hình TOD, liên kết không gian ngầm, công trình cao tầng, mật độ xây dựng thấp, tăng quy mô diện tích không gian xanh, tăng cường tiện ích đô thị.
Về định hướng sân bay thứ 2, thời gian dự kiến đầu tư xây dựng vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050. Kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ - Tây Bắc, Quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này, thành phố cần chú ý đến tính khả thi, khoa học của quy hoạch. Ông Tùng cho biết, Quy hoạch 1259 đã đưa ra một bức tranh tổng thể quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2050, song lại chưa có tính toán một cách cẩn trọng về nguồn lực. Điều này dẫn đến công tác đầu tư bị dàn trải, hiệu quả nguồn vốn thấp.
"Các khu đô thị mới đóng vai trò quan trọng đối với diện mạo Thủ đô trong quy hoạch, song đây mới chỉ là ốc đảo cô độc khi kết nối giao thông quá nghèo nàn. Người dân khó bị thu hút khi không đảm bảo được việc làm, xa trường học, bệnh viện, hạ tầng xã hội không đồng bộ", ông Tùng phân tích và kiến nghị Hà Nội cần dành nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh đô thị vệ tinh, xác định đây là hướng đi chủ yếu đối với quá trình phát triển.
Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch chung cũng là thời điểm thích hợp để thành phố rà soát toàn diện những vấn đề yếu kém trong quản lý đô thị như ô nhiễm sông ngòi, không khí, xử lý chất thải rắn, thoát nước cũng như dự án chậm triển khai. "Đã đến lúc soi chiếu kỹ toàn bộ dự án bất động sản trên địa bàn, không để lãng phí nguồn lực về đất đai như giai đoạn vừa qua", ông Tùng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Hà Nội: Đảm bảo đủ tiêu chí thành phố trong Thủ đô
18:36, 22/10/2022
Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô
05:00, 20/03/2022
Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội
05:00, 10/12/2021
Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội là cần thiết
05:00, 18/11/2021
Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?
14:12, 03/06/2019