“Thông” vốn cho hạ tầng giao thông TP.HCM

ĐÌNH ĐẠI 19/03/2021 15:53

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM sớm lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với 15 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, với số vốn gần 100.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là “tiền đâu để TP.HCM thực hiện các dự án này?”.

 Dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ vẫn bị “tắc” từ nhiều năm nay.

Dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ vẫn bị “tắc” từ nhiều năm nay.

Khó trăm bề

Các dự án hạ tầng giao thông nói trên được Sở GTVT TP.HCM đánh giá hầu hết đều là những dự án “trọng điểm và cấp bách”, trong đó có cả những dự án đã nằm trên giấy nhiều năm, và những dự án đang thực hiện nhưng phải tạm dừng thi công do thiếu vốn.

Đơn cử như Dự án mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến Ngã tư Bình Phước, được TP.HCM lập đề xuất từ năm 2002. Sau gần hai thập niên nằm trên giấy, tổng mức đầu tư của dự án đã đội lên gấp đôi và liên tục được đưa vào danh sách các dự án trọng điểm, cấp bách để triển khai, nhưng đến nay dự án này vẫn “án binh bất động”.

Tương tự, dự án đường trên cao được giới chuyên gia nhận định là khó mấy cũng phải làm, nhưng hơn chục năm nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Hay như dự án cầu Cần Giờ, nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, được kỳ vọng xóa điểm nghẽn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Cần Giờ, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thể khởi công.

Theo giới chuyên gia, khó khăn hiện nay của TP.HCM trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông là nguồn vốn và cơ chế, thủ tục đầu tư. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì chắc chắn ngân sách Thành phố sẽ không “kham nổi”; còn thu hút vốn đầu tư từ tư nhân thì còn nhiều trở ngại do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Tỷ lệ phân chi ngân sách cho TP.HCM đã giảm từ 23% xuống còn 18% (giai đoạn 2016 – 2020), trong khi đó nhu cầu vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như đảm bảo về chính sách, chế độ cho người dân ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào các hợp đồng BOT, BT, nhưng cũng đang gặp nhiều trở ngại về pháp lý, quỹ đất của Thành phố còn hạn hẹp, không đủ để bàn giao cho nhà đầu tư để thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”.

Đơn cử như Đoạn 4 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao cầu vượt Gò Dưa (TP.Thủ Đức), thuộc Dự án đường Vành đai 2, được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao), do vướng mắc việc giao đất thanh toán cho chủ đầu tư, nên dự án phải tạm dừng thi công nhiều năm nay và chưa có ngày khép kín.

Cần thay đổi tư duy

Theo TS. Huỳnh Thế Du, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc các dự án hạ tầng giao thông của TP.HCM bị “trói chân” do thiếu vốn. Thứ nhất, Chính phủ chưa có sự đánh giá đúng mức về đóng góp kinh tế để đánh giá mức độ ưu tiên đúng tầm cho TP.HCM. Nguồn vốn giao cho giao thông của Thành phố quá eo hẹp và phụ thuộc nhiều vào chính sách của Trung ương, dẫn đến dự án muốn làm thì nhiều, nhưng không thực hiện được. Thứ hai, cách thức triển khai của Thành phố còn hạn chế, vẫn còn bị động và chưa quyết liệt.

“Khi thực hiện mỗi dự án, cần xem xét cả tính khả thi về nguồn vốn và kinh tế. Trước nay, các dự án luôn đặt tính khả thi về tài chính lên trước. Trong khi đó, về nguyên tắc, đối với Nhà nước phải đặt hiệu quả về kinh tế lên hàng đầu”, TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.
TS. Du cũng cho rằng, không thể cứ loay hoay với bài toán nguồn vốn mà chậm chễ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Nếu bỏ ra 10.000 tỷ đồng đầu tư làm đường trên cao mà thu về 20.000 tỷ đồng thì phải làm ngay. Chính phủ và TP.HCM nên thay đổi tư duy làm hạ tầng, phải nhìn theo hướng đó thì mới giải được bài toán về vốn cho các dự án hạ tầng giao thông của TP.HCM.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ và TP HCM: Làm gì để chống

    Tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ và TP HCM: Làm gì để chống "đuối sức"?

    10:59, 13/03/2021

  • TP HCM: Rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án bất động sản

    TP HCM: Rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án bất động sản

    11:50, 04/03/2021

  • TP HCM không lo thiếu nhà

    TP HCM không lo thiếu nhà

    16:30, 27/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Thông” vốn cho hạ tầng giao thông TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO