Cục Quản lý thị trường TP HCM, thu giữ khối lượng lớn là thuốc dùng để phòng, điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất, nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
>>Bắt giám đốc CDC Bắc Giang vì nhận tiền "lại quả" từ Việt Á qua trung gian
Theo đó, thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP HCM, cho biết, ngày 21/1/2022, Đội quản lý thị trường số 3 - Cục Quản lý thị trường TP HCM, đã phối hợp với Đội 7 và Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP HCM kiểm tra điểm kinh doanh đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè do ông Trần Thanh Thảo, sinh năm 1984, làm chủ.
Cũng theo Cục Quản lý thị trường TP HCM, ông Thảo kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
Đặc biệt, tại địa điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện thuốc tân dược các loại do nước ngoài sản xuất, chưa qua sử dụng, không hóa đơn chứng từ, không số đăng ký lưu hành, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Qua kiểm đếm thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận có 555 hộp thuốc các loại gồm Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan, Molnupiravir 800mg Tablets, Moluzen 400, Molnupiravir Capsules 200mg, Molaz Azista, Favipiravir Tablets 400mg, Feravir-400 Xenon.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, một trong những loại thuốc bị thu giữ là Molnatris 200mg (Molnupiravir) Mylan được các trang mạng giới thiệu là thuốc kháng virus, chỉ định điều trị các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình của COVID-19. Thuốc có thành phần chính molnupiravir bào chế dưới dạng viên dùng theo đường uống và được sản xuất bởi Hãng dược Mylan India.
Hiện, Đội quản lý thị trường tịch thu toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước đó, ngày 12/12/2021, trước những diễn biến phức tạp về tình hình dịch COVID-19, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5666/QĐ-BYT về sửa đổi, bổ sung một số điểm của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó nêu rõ danh mục 3 loại thuốc kháng vi rút trong điều trị COVID-19gồm Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình; Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ... và do các cơ sở y tế cấp phát thuốc.
>>Bán 02 hộp khẩu trang y tế bị phạt 25 triệu đồng: Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Nghệ An nói gì?
Đáng chú ý, ngay sau khi quyết định ban hành, trên các trang mạng xã hội đã rao bán rầm rộ các loại thuốc này. Cụ thể, trên các trang Facebook, Zalo, các hội nhóm… có nhiều tài khoản rao bán các loại thuốc điều trị COVID-19 của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… rất được ưa chuộng. Tại nhóm Chợ thuốc Hapulico (530), ngày 19/12, tài khoản tên Khánh Hải, Trần Anh đã đăng thông tin “Sẵn 30h đặc trị của Ấn” và hình ảnh của lọ thuốc Molnupiravir. Phía dưới phần bình luận có hàng chục người nhắn tin hỏi giá và nhận báo giá... Chị Nguyễn Thu Huyền, phố Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết: “Mỗi ngày nhận thông tin số ca F0 tăng cao tôi lại lo lắng. Do vậy, tôi đã tìm mua các loại thuốc điều trị COVID-19 để phòng khi gia đình có người có triệu chứng thì uống”.
Các loại thuốc đặc trị của Nga cũng được rao bán khá nhiều. Tài khoản tên Tạ Thị Nhung rao bán ngày 18/12 trên mạng xã hội kèm hình ảnh hộp thuốc Arbidol 200mg của Nga với công dụng phòng ngừa và điều trị COVID-19… Tương tự, trong ngày 19/12, nhiều người bán chụp cả thùng thuốc Arbidol và chào giá 295.000 đồng - 320.000 đồng/hộp 10 viên. Thuốc Areplivir của Nga là thuốc đặc trị COVID-19 có giá từ 2,1 triệu đồng/hộp - 2,5 triệu đồng/hộp.
Liên quan đến việc mua bán thuốc tràn lan trên mạng xã hội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, Cục thực hiện kiểm tra 4 vụ việc liên quan đến mặt hàng thuốc đặc trị COVID-19, trong đó đã xử phạt 1 vụ với mức phạt 70 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thuốc; 3 vụ việc còn lại đang chuyển đến cơ quan điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
18:19, 21/01/2022
07:30, 21/01/2022
00:06, 21/01/2022
20:03, 15/01/2022
21:27, 11/01/2022
14:49, 07/01/2022
14:53, 06/01/2022
00:00, 06/01/2022