Bộ TN&MT vừa có văn bản đề nghị TP Hà Nội và TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành để kiểm soát ô nhiễm không khí.
Thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành lẽ ra phải làm từ lâu để không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn an toàn giao thông.
Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra, liệu giải pháp này có khả thi, giúp giảm ô nhiễm môi trường được bao nhiêu? Ngoài ra, cách thức thực hiện ra sao, căn cứ vào đâu để loại bỏ phương tiện được cho là cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành?
Xe cũ nát và xe không đủ điều kiện lưu thông là khác nhau, lấy cơ sở nào để xác định? Xe được cho là cũ nát, người sử dụng bán lại hoặc giữ làm kỷ niệm thì chưa thấy quy định pháp luật nào cho phép thu hồi, nếu lưu thông thì phải có kết quả kiểm định có đạt yêu cầu. Các loại xe này hiện rất nhiều, phổ biến trên đường phố. Nếu chờ tiến hành kiểm định tất cả, xác định cụ thể từng xe rồi kèm theo đó là biện pháp chế tài cũng mất thời gian khá lâu, chưa kể tốn kém và phát sinh nhân lực.
Giả định có dẹp được các phương tiện này cũng chưa thể giúp hạn chế xe cá nhân, người dân sẽ phải tìm phương tiện khác thay thế để đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển, mưu sinh nên không làm giảm số lượng phương tiện lưu thông trên đường.
Hà Nội tăng phương tiện giao thông cá nhân cũng đáng kể. Năm 2008, Hà Nội chỉ có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185 ngàn ôtô, sau 10 năm tăng đã lên tới 6 triệu phương tiện, cao gần 3 lần, trong đó có hơn 540 ngàn ôtô, 5,4 triệu xe máy.
TP.HCM hiện có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Hà Nội và TP.HCM là đô thị đang phát triển, giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu số đông, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe cá nhân.
Kiểm soát môi trường cần giải pháp thực tế đi kèm với giải pháp phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. Tiếc rằng, lâu nay chưa thấy thực hiện mạnh mẽ. Đề án đã được thông qua với các giải pháp và lộ trình cụ thể, các thành phố phải tạo thuận lợi đặc biệt cho xe buýt trở thành giao thông công cộng chủ lực. Đặc biệt, các thành phố cần giải quyết nạn chiếm dụng vỉa hè, hình thành thói quen đi bộ, xe đạp.
Có thể bạn quan tâm