Thủ lĩnh tinh thần của Huawei

Diendandoanhnghiep.vn Nhậm Chính Phi đã được mô tả là “thủ lĩnh tinh thần” của Huawei, nhưng ông nói thà rằng mình bị lãng quên...

Người xây dựng "văn hóa phấn đấu"

Báo chí nước ngoài ca ngợi Nhậm Chính Phi là "Hoàng đế viễn thông", là "Người cứng rắn đấu tranh cho ý tưởng", nhưng họ có thể không biết rằng, trong nhiều năm, người đàn ông cứng rắn này thường xuyên khóc lóc, thậm chí từng nghĩ đến chuyện tự tử.

Vào khoảng năm 1999, khi đó Huawei vừa kỉ niệm 10 năm, Điền Đào, một nhà khoa học quản lý nổi tiếng và sau này là nhà tư vấn của Huawei, đã gặp Nhậm Chính Phi. Khi đó, ấn tượng Nhậm Chính Phi để lại cho Điền Đào chỉ là "một người dễ cáu kỉnh và hay khóc", dường như là đang có một số vấn đề tâm lý.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập tập đoàn Huawei - Ảnh: SCMP/TÂN HOA XÃ

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập tập đoàn Huawei - Ảnh: SCMP/TÂN HOA XÃ

Bản thân Nhậm Chính Phi cũng từng chia sẻ rằng: "Vào cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21, khoảng vài năm trước năm 2003, tôi vô cùng mệt mỏi, cảm giác cơ thể như bị tàn phá nghiêm trọng."

Nhậm Chính Phi nói mình thường xuyên bật khóc giữa đêm, "sự bùng nổ của bong bóng IT, những xung đột bên trong và bên ngoài trong công ty nhưng tôi lại hoàn toàn không thể kiểm soát, nửa năm đó là một cơn ác mộng, và tôi thường xuyên tỉnh dậy khóc khi đang ngủ giữa đêm."

Sau đó, trong cuộc đối thoại với chủ tịch Sony, ông cũng nói rằng phải đến năm 2006, khi đi ăn ở một nhà hàng, ông đã khóc rất nhiều và từ bỏ ý định tự tử.

Mâu thuẫn nội bộ công ty, áp lực tài chính, quản lý khó khăn, cạnh tranh thị trường khốc liệt, mẹ đột nhiên qua đời… tất cả đều là những áp lực và đả kích vô cùng lớn với Nhậm Chính Phi.

"Năm 2002, công ty suýt chút nữa sụp đổ". Tuy nhiên, ông Nhậm lúc này đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Điều mà Nhậm Chính Phi ủng hộ tại Huawei là văn hóa phấn đấu. Nội hàm của phấn đấu là công kích bản thân và coi đó như một thử thách, chiến đấu với vấn đề, chiến đấu với khó khăn, có thể thất bại nhiều lần, nhưng vẫn phải kiên trì và dũng cảm tiến lên.

Nhậm Chính Phi cho biết công ty đã bước vào "tình trạng chiến tranh", hối thúc nhân viên "tiến về phía trước, quét sạch những thứ trên đường đi với tinh thần máu lửa". Tờ Bloomberg mô tả: "Bước qua cánh cổng vào khuôn viên trụ sở Huawei ở phía nam Trung Quốc, bạn sẽ thấy một không khí sôi sục. Những chiếc xe màu xanh neon chạy như con thoi chở nhân viên di chuyển giữa các văn phòng. Những bóng đèn huỳnh quang thắp sáng suốt đêm. Căng-tin hoạt động tới gần nửa đêm".

Chính vì thế, sau hơn một năm vướng phải lệnh cấm, Huawei không rơi vào khủng hoảng như dự đoán của một số nhà phân tích. Dù bị ảnh hưởng và tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại, hãng vẫn đạt được doanh thu 671,3 tỷ nhân dân tệ (98,57 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 10% so với mức 610,8 tỷ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái.

Người viết nên "văn hóa Huawei"

Những năm đầu Huawei thành lập, khi ấy, mỗi nhân viên được phát một bộ chăn gối để có thể ngủ lại văn phòng nếu làm việc đến khuya. Điều này trở thành một văn hoá tại Huawei - "văn hóa nệm". Những chiếc nệm là hiện diện cho sự tận tụy trong công việc và trở thành một phần của văn hoá cống hiến tại Huawei.

Sự bền bỉ này cũng một phần đến từ mức độ cạnh tranh khốc liệt mà Huawei phải đối mặt trên chính sân nhà của mình. Tính chất công việc cũng hình thành một nét văn hóa rất nổi tiếng khác ở hãng công nghệ Trung Quốc - "văn hóa sói". Những chú sói, với tầm nhìn chiến lược, sức mạnh và ý chí chiến đấu luôn phải thúc đẩy mình tiến lên vì đối thủ của họ là những con sư tử Alcatel, Ericssons, Nokia... - những tập đoàn đã rất thành công và đang thỏa mãn với ưu thế của mình. Chỉ có ý chí phấn đấu và sự nhạy bén với thị trường mới có thể giúp sói vượt qua sư tử.

Đặc biệt hơn, nhân viên tại Huawei được khuyến khích tập trung vào khách hàng và "quay lưng" lại với sếp của mình để phục vụ tối đa lợi ích của khách hàng. "Khách hàng là vua" là một thứ "tôn giáo" tại đây.

Bạn sẽ hỏi sức cống hiến hết mình đến từ đâu, khi áp lực khiến niềm đam mê với công việc có lúc vơi, lúc đầy. Đó chính là do Huawei được sở hữu bởi chính nhân viên của mình. Mọi nhân viên đều được coi trọng như ông chủ, vì tất cả mọi người đều có quyền sở hữu cổ phần của công ty. Thực tế, ông Nhậm Chính Phi sở hữu 1,14% cổ phần của Huawei, còn lại là của 96.768 nhân viên khác.

Huawei đã chi từ 10 đến 15% doanh thu hàng năm, tương đương 20 tỷ USD, để tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển. Khoản đầu tư này đã đưa Huawei vào Top 5 nhà đầu tư lớn nhất cho R&D trên toàn thế giới giai đoạn 2019 - 2020. 

Bên cạnh R&D, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi thường xuyên nhắc tới yếu tố con người. "Cũng giống nguyên tử uranium giải phóng năng lượng hạt nhân khổng lồ dưới sự bắn phá neutron, mỗi nhân viên Huawei là hạt nhân nguyên tử được thúc đẩy bởi các giá trị cốt lõi của chúng tôi và có tiềm năng tạo ra một lực lượng đáng kinh ngạc", ông nói.

Triết lý này được thể hiện ở mức độ đầu tư cho công tác chiêu mộ người tài của công ty. Theo tạp chí Tài Kinh (Trung Quốc), từ đầu năm 2020 đến nay, Huawei đã tuyển dụng 4 nhân viên mới theo chương trình "Kỳ tài trẻ". Các nhân viên này đều mới lấy bằng tiến sĩ từ các trường đại học danh tiếng và nhận lương 129.000 - 288.000 USD một năm. 

Ông Nhậm từng nói: "Các công ty của Mỹ, đặc biệt là Google, đã làm rất tốt việc tuyển dụng nhân tài với mức lương gấp sáu lần chúng tôi. Chúng tôi thấy mình quá bảo thủ và tương lai phải dùng mức lương gấp năm hoặc sáu lần Google để cạnh tranh để có được những tài năng trên thế giới".

Không ngại chi tiền cho những tài năng "tài không đợi tuổi", ông Nhậm còn thấy rằng 80% nhân viên ưu tú thường bị các quản lý cấp giữa "giày vò đến mức nghỉ việc". Nguyên nhân lớn nhất quyết định một người có thể đạt được thành tích tốt hay không đến từ chính cấp quản lý trực tiếp của họ. Do đó, ông Nhậm đề ra chính sách "bỏ quản trị cấp giữa", phá vỡ "tiêu chuẩn phòng ban". Theo đó, các cán bộ cấp giữa không được "tự quét tuyết trước cửa phòng mình" - nghĩa là không được chỉ làm việc vì lợi ích phòng ban của mình.

“Tôi là một thủ lĩnh bù nhìn”

Ông Nhậm Chính Phi rất hiếm khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình và nói chuyện với các nhà báo bởi ông cho rằng sự sống còn của công ty không nằm ở những buổi phỏng vấn, nó liên quan đến rất nhiều vấn đề. “Tôi đã chú trọng giải quyết các vấn đề nội bộ. Sự đóng góp của tôi là giúp công ty duy trì sức mạnh trong thời điểm khó khăn”.

Một góc nhà máy sản xuất điện thoại của Huawei tại Đông Hoản, Trung Quốc, hồi tháng 1 vừa qua. Ảnh: Bloomberg.

Một góc nhà máy sản xuất điện thoại của Huawei tại Đông Hoản, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều nhân viên của Huawei mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã nói chuyện, ngay cả những người làm việc tại trụ sở chính của Huawei ở Thẩm Quyến, cho biết họ chưa bao giờ được gặp mặt trực tiếp ông Nhậm.

Nhưng tầm ảnh hưởng cao chót vót của ông ấy đã được thể hiện rất rõ trên diễn đàn trực tuyến nội bộ của công ty – Cộng đồng Xinsheng. Ở đó, các bài đăng về ông Nhậm Chính Phi xuất hiện rất nhiều và được đặt ở vị trí trung tâm hoặc trước tiên. Chẳng hạn các clip ghi lại cuộc đối thoại của ông với các giám đốc điều hành của công ty về cải cách, hay bàn thảo nhiều chủ đề khác nhau.

Người sáng lập Huawei nổi tiếng là người thẳng tính. Một nhân viên lâu năm, người từ chối nêu tên, nhớ lại ông Nhậm Chính Phi đã mắng anh tại một cuộc triển lãm sau khi anh ta không trả lời thỏa đáng các câu hỏi của ông về các sản phẩm và đối tác.

Tại các cuộc phỏng vấn, ông Nhậm cũng nói thẳng những gì ông nghĩ. Nhiều người trong công ty đôi khi cảm thấy một số câu trả lời của ông không phải câu trả lời hay nhất xét trên phương diện ngoại giao công chúng, thậm chí có thể có một số tác động bất lợi.

Ví dụ, thói quen sử dụng các thuật ngữ quân đội của ông đã khiến người ta cho rằng ông có liên kết chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc, nhưng không nhân viên nào cố gắng ngăn cản ông.

“Ông Nhậm là một nhà lãnh đạo, một thủ lĩnh tinh thần của Huawei”, một nhân viên làm việc hơn 10 năm tại Huawei nói.

Nhưng đây lại là điều mà ông Nhậm Chính Phi không đồng tình. “Tôi không phải là nhà lãnh đạo tinh thần của Huawei. Tôi chỉ là một thủ lĩnh bù nhìn”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Ông nói rằng tập đoàn được lãnh đạo bởi 3 chủ tịch luân phiên.

“Tôi chỉ đóng một vai trò tượng trưng, giống như bức tượng đất sét trong một ngôi đền. Nếu không có nó, ngôi đền sẽ trống rỗng, nhưng thật ra bức tượng không làm gì cả. Tôi không có tác động thực sự nào ở Huawei”, ông Nhậm Chính Phi nói.

Những đóng góp của ông Nhậm cho Huawei, theo ông, chủ yếu liên quan đến nghiên cứu khoa học và sự liên tục sản xuất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thủ lĩnh tinh thần của Huawei tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714104552 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714104552 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10