Việc ra thư ngỏ hay vận động người dân không về quê ăn Tết là không nên. Việc này sai hoàn toàn về mặt đạo đức, tình cảm và thậm chí vi phạm quyền công dân.
>>Người miền Tây “đội mưa” về quê ăn Tết
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khoá XIII nêu quan điểm về việc địa phương lo lắng lây lan dịch bệnh mà đưa ra những quy định như vận động người dân không về quê ăn Tết.
Theo ông Tiến,Tết Nguyên đán là dịp thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân. Cả năm chỉ có 1 dịp lễ Tết để về quê sum họp, thắp hương ông bà, tổ tiên mà ngăn cản người dân không về là không được. Nhiều người dân phản đối là dễ hiểu.
“Chúng ta đã thay đổi chủ trương chống dịch, chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội thì phải có biện pháp phù hợp, không thể theo kiểu "ngăn sông cấm chợ". Cơ quan, cá nhân có thư ngỏ hay văn bản vận động người dân không về quê ăn Tết phải điều chỉnh lại", ông Tiến nói.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc một số địa phương ở phía Bắc có đưa ra khuyến cáo việc người dân hạn chế di chuyển, hạn chế về quê ăn Tết cổ truyền xuất phát từ việc các địa phương lo sợ gây ảnh hưởng, khó khăn trong việc phòng, chống dịch Covid-19 là phương án bất khả thi, thường không ai mong muốn điều này.
Việc một số địa phương đưa ra khuyến khích, động viên bà con hạn chế về quê là một "giải pháp" hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. "Nhưng chỉ nên khuyến khích, nếu bà con vẫn có nhu cầu về quê ăn Tết thì chính quyền, địa phương cũng không được cản trở và tạo mọi điều kiện để người dân đón Tết được trọn vẹn", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Bình luận về việc nhiều địa phương có thư ngỏ, văn bản vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết "nếu không cần thiết", theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Viện Social Life), những lời kêu gọi kiểu này không tạo cảm xúc tích cực cho xã hội, còn có thể gây tâm lý kỳ thị người ở xa về với cộng đồng tại địa phương. "Điều đó có thể khiến người dân bức xúc khi chính quyền vô cảm với nỗi nhọc nhằn của lao động xa quê", ông Lộc nói.
Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Tết là dịp quan trọng để người Việt thăm nom cha mẹ, cúng giỗ tổ tiên, thực hiện những nghi thức với người còn sống lẫn người đã khuất, cũng chính là lúc xốc lại tinh thần với người lao động.
Nhiều năm nghiên cứu về lao động di cư, ông Lộc nhận thấy tập quán của nhóm này là luôn có nhu cầu trở về nhà mỗi dịp cuối năm. Bình thường khi không có dịch, họ sẵn sàng chi nhiều triệu đồng tiền vé tàu, xe, máy bay để trở về nhà. Có dịch, người lao động lại càng muốn về bởi đã cầm cự quá lâu khi đợt dịch thứ tư kéo dài.
>>Người từ vùng dịch về quê ăn Tết có phải cách ly 21 ngày?
Do đó, theo ông Lộc, việc trở về hay ở lại là lựa chọn của mỗi người dân, chính quyền không có lý do gì để kêu gọi họ đừng trở về. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, đã cơ bản phủ vaccine mũi hai và đang tăng tốc phủ vaccine mũi 3. Những người về quê đa phần đã được tiêm vaccine đủ liều.
"Khi chính quyền ra lời kêu gọi hay quy định thì phải tính toán có hiệu quả, nếu không tốt nhất là đừng đưa ra những thông điệp không phù hợp", ông Lộc nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, địa phương nào vận động, ban hành quy định con, cấm cản người dân khi về quê ăn Tết là trái với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Do đó, những địa phương này phải xem lại đạo đức công vụ cũng như tinh thần phục vụ nhân dân của mình.
“Chính quyền là phải phục vụ nhân dân, không những không được cấm cản mà còn phải tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết, sum họp với gia đình, đó là đạo đức công vụ. Nay nhiều nơi vận động, thậm chí cấm cản, liệu đó có phải họ không muốn phục vụ người dân? Hay là họ đang sợ người dân về ăn Tết sẽ xảy ra dịch bệnh khiến họ vất vả?", ông Nga thẳng thắn.
Ông Nga đánh giá, hiện nay tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam khá tốt. Trong khi tiêm đầy đủ vaccine giúp việc đi lại giữa các quốc gia được dễ hơn trước mà trong nước lại hạn chế người dân là không được. Tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng không cho đi lại giữa các tỉnh mà bắt xét nghiệm, cách ly thì coi như công sức, tiền của tiêm vaccine thời gian qua phải “bỏ đi hết”. “Nếu tiêm đủ vaccine rồi mà vẫn "ngăn sông, cấm chợ" thì còn tiêm vaccine làm gì?”, ông Nga nói.
Có thể bạn quan tâm