“Thu phí cao tốc cả đời” – phát ngôn của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa qua, đang khiến dư luận vô cùng quan ngại, đặc biệt, nếu việc "thu phí cao tốc cả đời" được phổ cập, liệu có trái luật?
Trong buổi họp báo công bố những điểm mới của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khiến dư luận đặc biệt chú ý với việc đưa ra khái niệm “thu phí cao tốc cả đời”. Ở đây, vị lãnh đạo này lý giải: Bằng nguồn vốn nào cũng phải thu phí, kể cả các tuyến cao tốc đầu tư bằng hình thức BOT, sau khi hết hạn thu phí hoàn vốn thì Nhà nước sẽ quay ra bảo trì bằng tiền ngân sách bằng nguồn vốn khác, khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí để phục vụ chất lượng cao nhất(?).
Theo ông Nguyễn Văn Huyện: “Trong Luật Đường bộ (Luật Giao thông đường bộ sửa đổi - PV) sau này khi ký ban hành rồi thì việc thu phí sẽ khiến nhiều người bỡ ngỡ. Tất cả các nước cũng thế thôi, muốn có chất lượng cao thì các anh phải nộp tiền và có đường song hành rồi”.
Cũng theo ông Huyện, một đất nước phát triển được hạ tầng là phải thu phí đường cao tốc, bất kể bằng nguồn vốn gì. Ông lấy ví dụ, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hay Nội Bài – Nhật Tân, đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước và không thu phí. Một số chuyên gia nước ngoài khi sang Việt Nam đã thắc mắc rằng tại sao chúng ta không thu phí. “Nếu các tuyến đường cứ như thế (không thu phí – PV) thì Nhà nước sẽ không bao giờ còn lực để phát triển hạ tầng”(?), ông Huyện nêu quan điểm. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ không có chuyện phí chồng phí(?).
Tuy nhiên, sau phát ngôn và những luận giải kể trên của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã có hàng loạt ý kiến trái chiều tỏ ra vô cùng quan ngại nếu khái niệm này được phổ cập và đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Chuyên gia cho rằng, sẽ không thể thực hiện “thu phí cả đời” được vì như thế là trái luật.
Thông tin trên báo chí, PGS.TS Phạm Xuân Mai - Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thu phí đường cao tốc chỉ là thu phí để hoàn vốn làm đường còn quỹ bảo trì đã được thu theo đầu phương tiện và người dân đã đóng rồi. Tôi khẳng định là không thể thực hiện thu phí cả đời. Để phí chồng phí là trái luật”
Cũng theo ý kiến của vị chuyên gia này, bản chất của đường cao tốc ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều giống nhau, không có chuyện cao tốc có đặc thù riêng nên cũng không thể có cơ chế thu phí riêng ngoài thu phí hoàn vốn xây dựng như tất cả các nước vẫn đang thực hiện.
Đồng quan điểm với PGS.TS Phạm Xuân Mai, Chuyên gia kinh tế Phạm Việt Anh cho rằng, vấn đề cần quan tâm ở đây không phải là câu chuyện thu phí vĩnh viễn hay không mà là hoạt động thu phí phải được tính toán một cách khoa học và công bằng, quản lý phải minh bạch.
“Mức phí phải được giảm dần theo mức tăng của lưu lượng xe tham gia giao thông qua từng thời kỳ, chất lượng phải tương ứng với khoản thu, thu - chi cân đối. Nghĩa là không vì lợi nhuận, chỉ thu đủ cho mục đích duy tu, bảo trì chất lượng sản phẩm”, chuyên gia Phạm Việt Anh nói.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Việt Anh, cao tốc do Nhà nước đầu tư đương nhiên là công sản, cao tốc do tư nhân đầu tư BOT sau khi hết thời hạn khai thác cũng sẽ trở thành công sản. Nhà nước tiếp quản công sản để tiếp tục quản lý khai thác nhằm gia tăng tính công lợi thì không thể kiếm lời từ công sản, bởi đó là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân, được người dân ủy nhiệm quản lý và khai thác. Chính vì vậy, nếu việc thu phí là để cho việc duy tu, bảo trì công sản phục vụ cho lợi ích quốc gia thì phải có sự giám sát bởi một ủy ban thuộc Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề “thu phí cao tốc cả đời”, chuyên gia Phạm Việt Anh nêu quan điểm: Nếu quản lý ngân sách hiệu quả thì chi phí bảo quản công sản có thể được trích từ nguồn thu thuế được đóng góp của người dân, chứ không nhất thiết phải thu thêm phí.
Có thể bạn quan tâm