Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Lo ngại phí chồng phí

ĐỖ HUYỀN 19/11/2020 04:50

Nhiều chuyên gia khẳng định, nếu thu thêm phí nữa sẽ bị phí chồng phí và mang lại gánh nặng cho người dân.

Thu phí cao tốc là một trong những nội dung đáng chú ý nằm trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài. Ảnh: Báo Giao Thông

Đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài. Ảnh: Báo Giao Thông

Tại Dự thảo này, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá (sau đây gọi tắt là cơ chế giá).

Phương án 2: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về phí, lệ phí (sau đây gọi tắt là cơ chế phí).

Bình luận về vấn đề này chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện nay người dân đang đóng thuế vào ngân sách nhà nước. Tiền ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có đường cao tốc thì không có lý do gì người dân không được sử dụng. Trong khi đó, nếu giờ vẫn tiếp tục xây dựng đường cao tốc bằng tiền ngân sách mà bắt dân đóng thêm phí nữa thì họ phải đóng 2 lần cho những dịch vụ công mà họ phải được sử dụng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng nếu đề xuất này được thực thi thì thu thêm phí nữa sẽ bị phí chồng phí và mang lại gánh nặng cho người dân.

“Đề xuất thu phí cao tốc là một trong những vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Về mặt luật pháp, đầu tư công là do ngân sách nhà nước đầu tư và sẽ không thu phí, vì người dân đã đóng thuế rồi. Do đó, nếu muốn thực hiện việc thu phí thì cần phải sửa luật”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng là điều bình thường. Ở đây có thể hiểu Nhà nước cũng giống như một doanh nghiệp, một nhà đầu tư, họ bỏ vốn ra thì họ cũng phải thu hồi vốn để góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.

Theo ông Thịnh, nếu thu phí sẽ có những lợi ích lớn cho nền kinh tế như có thêm một nguồn vốn lớn để bổ sung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, giảm được chi phí vận tải; việc duy tu bảo dưỡng đường cao tốc cũng được tốt hơn, đảm bảo an toàn giao thông hơn. Khi đẩy mạnh đầu tư cũng tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra nhu cầu cho rất nhiều mặt hàng khác nhau, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng nếu thu cần phải tạo được mạng lưới hạ tầng đủ đáp ứng nhu cầu bình thường và phổ biến của người dân đã. Bên cạnh đó, chỉ được thu ở những đường cao tốc và phải có con đường thay thế, tránh làm ở những tuyến đường độc đạo, tức là phải để người dân có quyền lựa chọn họ sẽ đi đường nào. Nếu họ muốn đi nhanh hơn, tiết kiệm chi phí vận tải, thời gian hơn thì họ có thể đi đường cao tốc, còn không họ vẫn có thể đi ở con đường cũ.

Chuyên gia này cũng cho rằng trong thực tế có những trường hợp chồng lấn, sử dụng chung giữa đường cũ và đường mới, thậm chí trạm thu phí được đặt ở đầu đường cũ. Do đó, cần phải có sự loại trừ những người nếu không đi đến đường cao tốc mà chỉ đi ở đoạn đường cũ thì không phải đóng phí. Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho rằng cần phải tính toán kỹ mức thu và thời gian thu để phù hợp.

Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu áp dụng phương án 2 thì mức phí sử dụng đường cao tốc theo cơ chế phí sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ theo cơ chế giá, do Điều 3 của Luật Phí và lệ phí có quy định: “mức phí nhằm cơ bản bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ” mà không bao gồm phần lợi nhuận của chủ đầu tư ở đây là Nhà nước đầu tư.

Mức phí thấp này sẽ giúp giảm chi phí vận tải người và hàng hoá của các doanh nghiệp, từ đó giúp giảm chi phí logistics của Việt Nam.

Trong tờ trình, cơ quan soạn thảo lo ngại việc thu phí dịch vụ theo cơ chế giá sẽ tạo ra sự chênh lệch về mức phí giữa hai loại dự án do nhà nước đầu tư và do tư nhân đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt là trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Điều này sẽ khiến các chủ phương tiện phản ứng và gây khó khăn cho các dự án PPP.

Tuy nhiên, khi xét trong bối cảnh phải lựa chọn giữa hai phương án 1 và phương án 2 nêu trên thì khó có khả năng các chủ phương tiện lại phản đối phương án 2, vì phương án này có mức phí thấp hơn. Do đó, nguy cơ các chủ phương tiện không đồng tình như lo ngại của cơ quan soạn thảo sẽ khó xảy ra.

Thậm chí, việc áp dụng phương án 2 còn có lợi cho các dự án PPP, bởi lẽ, khi đó, tổng chi phí vận tải sẽ thấp hơn, dẫn đến tổng lưu lượng giao thông sẽ cao hơn phương án 1. Với lưu lượng lớn hơn thì các dự án PPP sẽ có doanh thu tốt hơn và sẽ nhanh hoàn vốn hơn, đặc biệt là trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Do đó, lo ngại của cơ quan soạn thảo về việc phương án 2 sẽ gây khó khăn cho việc thu hồi vốn của các dự án PPP là không có cơ sở.

Với các lý do trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2, thu phí sử dụng đường cao tốc theo cơ chế phí.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cần thiết nhưng phải phù hợp

    14:00, 16/11/2020

  • Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Giải pháp huy động vốn cho 10.000km cao tốc

    04:10, 12/11/2020

  • Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Bài toán "đầu tư - thu phí"

    04:00, 08/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Lo ngại phí chồng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO